Đua xe

Sự cố Crowdstrike đe dọa chặng đua F1 tại Hungary

Trưa 19/7 theo giờ Hà Nội, hàng loạt doanh nghiệp và người dùng hệ điều hành Microsoft Windows trên toàn thế giới báo cáo lỗi "màn hình xanh chết chóc", gây gián đoạn dịch vụ của nhiều hãng hàng không, ngân hàng, bệnh viện, kênh truyền hình... Nhiều hãng hàng không lớn của Mỹ bao gồm American Airlines, Delta Airlines và United Airlines cho dừng cất cánh vì vấn đề liên lạc. Đài truyền hình Anh Sky ngừng phát sóng, trong khi hệ thống McDonald Nhật Bản phải đóng cửa sớm hôm nay.

Theo thông tin ban đầu, sự cố được cho là do lỗi từ một bản vá cập nhật phần mềm của Crowdstrike Falcon Sensor - phần mềm an ninh mạng được sử dụng rộng rãi bởi nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu. Falcon Sensor của CrowdStrike là phần mềm được thiết kế để ngăn chặn hệ thống máy tính khỏi các cuộc tấn công mạng.

Chặng đua F1 Grand Prix Hungary diễn ra từ hôm nay 19/7 với buổi đua thử đầu tiên bắt đầu vào 18h30 theo giờ Hà Nội cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của sự cố. Đội đua Mercedes thừa nhận nhiều khả năng Lewis Hamilton và George Russell không thể tham dự buổi đua thử vì hệ thống máy tính không thể khắc phục kịp thời. Ba đội đua khác sử dụng động cơ Mercedes là McLaren, Aston Martin và Williams cũng gặp phải tình trạng tương tự.

Thương hiệu CrowdStrike xuất hiện trên xe của Mercedes tại F1 mùa này. Ảnh: F1

Thương hiệu CrowdStrike xuất hiện trên xe của Mercedes tại F1 mùa này. Ảnh: F1

CrowdStrike là đối tác và đã cung cấp dịch vụ cho Mercedes kể từ năm 2019 và thương hiệu của công ty này xuất hiện trên tem xe của đội đua nước Đức. Người phát ngôn của Mercedes xác nhận đội đua đang xử lý sự cố thủ công trên từng máy tính mà họ sử dụng, và hy vọng hệ thống máy tính sẽ có thể hoạt động bình thường trong các buổi đua thử hôm nay. Vị này nói: "Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác của mình tại CrowdStrike để giảm thiểu mọi tác động".

Hệ thống máy tính là một phần quan trọng trong hoạt động của các đội đua F1. Bên cạnh việc hỗ trợ quá trình vận hành xe, chúng cũng cần chia sẻ, trao đổi lượng lớn dữ liệu theo thời gian thực giữa các hoạt động trên đường đua và phần lớn nhân viên làm việc tại nhà máy. Mỗi xe F1 ước tính cung cấp hơn 500 Gb dữ liệu cho mỗi chặng đua, và Mercedes sử dụng phần mềm CrowdStrike để tránh các mối đe dọa đánh cắp dữ liệu.

Khi các đội ngày càng phụ thuộc vào hệ thống máy tính, bất kỳ sự cố nào cũng trở thành mối đe dọa đáng kể lên hoạt động hàng ngày. Năm 2021, một sự cố hệ thống máy tính trong khu vực kỹ thuật ảnh hưởng đến tất cả các đội ở buổi đua thử đầu tiên tại Grand Prix Emilia-Romagna, khiến các đội không theo dõi được tình hình thực tế trên đường đua của các xe. Năm 2022, sự cố mất điện trong khu vực kỹ thuật của đội Alfa Romeo tại Grand Prix Singapore khiến cả hai xe của đội đua này không thể tham dự buổi đua thử đầu tiên.

Các đội đua khác như Red Bull, Sauber, RB và Liên đoàn đua xe thế giới FIA chưa có thông báo về sự cố tương tự. Nhiều khả năng hệ thống của các đội đua và ban tổ chức không sử dụng phần mềm của CrowdStrike.

CEO của CrowdStrike, George Kurtz xác nhận họ đã xác định được lỗi và đang phân phối bản vá sửa lỗi. "CrowdStrike đang tích cực làm việc với những khách hàng bị ảnh hưởng bởi lỗi được tìm thấy trong một bản cập nhật cho máy chủ Windows", ông cho hay. "Máy chủ sử dụng hệ điều hành MacOS và Linux không bị ảnh hưởng". Kurtz nhấn mạnh không phải là sự cố bảo mật hay tấn công mạng, và công ty đã xác định nguồn cơn sự cố, triển khai bản sửa lỗi.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm