Làng billiards thế giới, châu Á và Việt Nam đang tồn tại nhiều tổ chức, nhưng chủ yếu chia làm hai phe.
Trước đây, các thể loại carom, trong đó có hệ thống giải World Cup và World Championship 3 băng, thuộc sự quản lý của Liên đoàn Billiards Thế giới (UMB, ra đời năm 1959), Liên đoàn Billiards & Snooker Quốc tế (IBSF, từ 1971) nắm snooker và Hiệp hội Pool Thế giới (WPA, từ 1987) nắm pool.
Nhưng năm năm trước, cục diện làng billiards xáo trộn mạnh với sự hiện diện của Hiệp hội billiard chuyên nghiệp (PBA). Tổ chức này ra đời tại Hàn Quốc, do công ty FMG điều hành. Tiền thưởng cho chức vô địch một chặng PBA Tour khoảng 72.000 USD, cao hơn ba lần so với một chặng UMB World Cup.
Vấn đề nằm ở chỗ PBA không được UMB và Liên đoàn Billiards Hàn Quốc (KBF) công nhận. UMB thậm chí đưa ra rào cản, cấm cơ thủ chuyển sang PBA. Nếu trái lệnh, các cơ thủ sẽ bị cấm thi đấu hai năm ở các giải thuộc hệ thống UMB, như World Cup, World Championship, vô địch châu lục hay quốc gia.
Lời đe dọa từ UMB khiến cho phần lớn cơ thủ hàng đầu thế giới vẫn chọn ở lại UMB, và chỉ số ít chuyển sang PBA như Frederic Caudron, Dani Sanchez, Semih Sayginer hay Choi Sung-won. Trong những cơ thủ hàng đầu Việt Nam, cũng không ít người chọn PBA, như Nguyễn Quốc Nguyện, Mã Minh Cẩm, Nguyễn Đức Anh Chiến hay Ngô Đình Nại.
"Cơ thủ liệu có ở lại UMB không nếu được đảm bảo thu nhập cao gấp đôi, thậm chí gấp ba khi chuyển sang PBA?", Chủ tịch tập đoàn Kozoom Xavier Carrer nói hồi tháng 4/2023. "Tiền thưởng cho nhà vô địch World Cup không thay đổi suốt năm năm qua, chỉ 22.000 USD. Còn Cho Jae-ho vừa thắng chung kết PBA Tour và nhận tới 146.000 USD".
Kozoom có trụ sở ở Pháp, từng là đối tác truyền thông của UMB giai đoạn 2010-2019, cho đến khi liên đoàn chuyển sang làm việc với công ty Hàn Quốc Five&Six. Theo ông Carrer, đối tác mới này có quyền kiểm soát nhiều hoạt động của UMB, từ bản quyền truyền hình, truyền thông, đến việc cung cấp các trang thiết bị thi đấu. Còn PBA đã thu hút được nhiều nhà tài trợ là các doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc, để tổ chức các giải có tiền thưởng cao hơn hẳn UMB.
Ông Carrer còn cho rằng tâm nguyện của bất cứ cơ thủ chuyên nghiệp nào là chơi nhiều giải nhất có thể để cải thiện thu nhập, mà không cần băn khoăn tới án phạt. WPA từng phối hợp cùng những nhà quảng bá như Matchroom và Pro Billiard Series theo hình thức các bên cùng có lợi. "Matchroom và Pro Billiard Series tổ chức nhiều giải đấu, còn nhiệm vụ của WPA là sắp xếp lịch đấu các giải đó cho phù hợp", CEO Kozoom nói.
Tuy nhiên, cái bắt tay giữa Matchroom và WPA không duy trì được lâu. Hai bên xuất hiện bất đồng vào nửa cuối năm 2023, khi Matchroom ra mắt hệ thống World Nineball Tour (WNT) và lên kế hoạch tổ chức Hà Nội Open Pool Championship 2023 từ 10/10 đến 15/10, sát thời điểm diễn ra Qatar Open từ 4/10 đến 10/10, khiến nhiều cơ thủ có thể không dự được cả hai giải. Qatar Open đã nằm trong lịch WPA từ đầu năm, còn Hà Nội Open thì không.
Ngày 3/6/2023, WPA phát đi thông báo cho các cơ thủ: "WPA nhắc nhở các cơ thủ về hậu quả nghiêm trọng khi tham dự các giải không được cấp phép, trong đó có Hà Nội Open. Nếu không tuân thủ quy định, cơ thủ có thể bị ảnh hưởng tới sự nghiệp ở WPA trong tương lai".
Đến ngày 25/9/2023, Hiệp hội Billiards Thể thao châu Á (ACBS) cũng phát thông báo gần tương tự, trong đó họ sẽ cấm các cơ thủ và liên đoàn tham gia các giải không được ACBS công nhận. "ACBS sẽ xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc, và trừng phạt những liên đoàn vi phạm", thông báo có đoạn.
ACBS thành lập năm 1984, là thành viên của WPA, UMB, IBSF và Ủy ban Olympic châu Á (OCA), đảm nhiệm tổ chức các thể loại billiards cho những Đại hội thể thao trong khu vực châu Á, trong đó có Asiad và SEA Games. Chủ tịch ACBS hiện là ông Mohamed Salem Al-Nuaimi, người Qatar.
Việt Nam trở thành nguồn cơn của cuộc xung đột giữa các liên đoàn thế giới, còn vì họ đều coi đây là một thị trường tiềm năng để billiards phát triển. Theo chuyên gia billiards Frits Bakker, Việt Nam là "thiên đường mới của các nhà tổ chức". Lượng khán giả xem các giải billiards tại Việt Nam, dù trực tiếp hay trực tuyến, từ pool 9 bi đến carom 3 băng, đều cao hơn gấp nhiều lần quốc tế.
PBA Tour đã diễn ra tại Hàn Quốc, nhiều chặng trong năm từ 2019, nhưng ACBS không có văn bản thông báo hay lệnh trừng phạt nào áp dụng lên KBF, dù đó cũng là thành viên của ACBS giống như VBSF.
Các giải thuộc WNT cũng đã diễn ra trên nhiều quốc gia khoảng một năm qua, như Anh, Đức, Mỹ, Trung Quốc hay Philippines, nhưng liên đoàn billiards những nước này không bị trừng phạt. Trong đó, Trung Quốc và Philippines cũng thuộc ACBS.
WPA từng cho biết họ xem xét cấm các cơ thủ dự những giải thuộc WNT, nhưng chưa ra quyết định chính thức. Đến ngày 28/2/2024, WPA ra quyết định có phần nhượng bộ, khi đồng ý công nhận một số giải của Matchroom, như Premier League Pool, UK Open hay World Pool Masters.
Hôm 30/7, Liên đoàn Billiards & Snooker Việt Nam (VBSF) ra thông cáo báo chí, về lệnh đình chỉ của Hiệp hội Billiards Thể thao châu Á (ACBS). "Tất cả cán bộ, VĐV của VBSF không được phép tham gia hoặc tổ chức bất kỳ giải đấu hay sự kiện nào liên quan đến billiards và snooker ở châu Á và quốc tế, bao gồm các đại hội thể thao của châu Á như Indoor Games và SEA Games, từ 13/6/2024 đến 12/1/2025", thông cáo có đoạn.
Không chỉ các cơ thủ Việt Nam, những tay cơ châu Á dự Hà Nội Open cũng nằm trong danh sách bị cấm. Và cũng không riêng các cơ thủ pool Việt Nam, đại diện carom như Trần Quyết Chiến hay Bao Phương Vinh cũng sẽ không được dự Indoor Games tại Thái Lan tháng 11/2024 dù chẳng làm gì sai, chỉ vì họ là thành viên của VBSF.
Hôm nay 31/7, Matchroom cho biết họ đang thảo luận cùng đội ngũ pháp lý để thực hiện các biện pháp chống lại lệnh đình chỉ của ACBS. Liên đoàn Billiards & Snooker Hà Nội cũng cho biết ACBS "không có căn cứ pháp lý và bất công" khi cấm cơ thủ Việt Nam thi đấu quốc tế sáu tháng tới.
Căn cứ được đưa ra là VBSF không phải cơ quan tổ chức Hà Nội Open hay PBA Hà Nội Tour, mà được Liên đoàn Billiards & Snooker Hà Nội tiến hành. VBSF mới là thành viên của ACBS, còn Liên đoàn Hà Nội thì không.
Lệnh đình chỉ của ACBS còn bị cơ thủ pool số một thế giới Fedor Gorst chỉ trích, vì nó "đi ngược với tinh thần thể thao". "Tôi may mắn ở vào vị trí có thể lên tiếng về vấn đề này, không như nhiều đồng nghiệp khác", cơ thủ Mỹ gốc Nga viết trên Facebook. "Lệnh cấm của ACBS ảnh hưởng tới sự phát triển và tính toàn vẹn của môn thể thao này. Mọi cơ thủ đều có quyền chọn nơi họ được phép thi đấu mà không sợ bị trừng phạt bất công".
Mâu thuẫn giữa các liên đoàn truyền thống và tổ chức chuyên nghiệp có thể còn kéo dài. ACBS đang cố gắng báo cáo vấn đề lên các cấp cao hơn, dẫn tới nguy cơ lệnh cấm áp dụng sang cả những cơ thủ carom. Nhưng trước mắt, Quyết Chiến hay Phương Vinh vẫn sẽ được dự giải vô địch thế giới carom 3 băng tại Bình Thuận từ 25/9 đến 29/9.
Trong khi đó, các nhà tổ chức hệ thống billiards chuyên nghiệp như WNT hay PBA cũng tiếp tục tìm kiếm sự trợ giúp pháp lý trong cuộc xung đột này. Vấn đề có thể chỉ được giải quyết tại Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS).
Phong trào billiards tại Việt Nam gần đây nở rộ, từ cấp nghiệp dư đến chuyên nghiệp. Tại giải Scottish Open 2024 thuộc WNT, khi cơ thủ pool số một Việt Nam, Dương Quốc Hoàng vô địch, có lúc thu hút hơn 100.000 lượt xem đồng thời trên một kênh trong nước, cao gấp nhiều lần khán giả quốc tế trên kênh của Matchroom. Chiến thắng của Quốc Hoàng cũng là lần đầu một cơ thủ pool Việt Nam vô địch giải đẳng cấp thế giới.
Carom Việt Nam cũng thăng tiến mạnh mẽ, hiện có năm cơ thủ trong Top 30 thế giới, trong đó Trần Quyết Chiến đứng số hai, còn Bao Phương Vinh là đương kim vô địch thế giới. Tháng 5/2024, cơ thủ Trần Đức Minh dù chỉ đứng vị trí 250 thế giới do ít dự giải quốc tế, bất ngờ vô địch carom 3 băng World Cup của UMB.