Deguchi là một trong những kỹ thuật gia hàng đầu hiện nay ở hạng -57kg, và cô không quá khó khăn để vượt qua hai vòng đầu tiên tại Paris 2024. Nhưng hai trận cuối để đến với chức vô địch lại là những thử thách khắc nghiệt cho Deguchi, nhất là trận bán kết nghẹt thở với judoka (võ sĩ judo) người Pháp Sarah-Léonie Cysique - á quân Olympic Tokyo 2020.
Deguchi và võ sĩ chủ nhà ăn miếng trả miếng, không ghi được điểm nào qua 4 phút chính thức, phải vào đấu thêm theo luật Điểm Vàng - ai ghi điểm trước thì thắng trận. Khi cả hai đều đã bị hai điểm phạt Shido và giờ đấu thêm gần sang phút thứ năm, trong một pha tấn công để vào đòn đè, Cysique phạm lỗi đưa ngón tay vào ống tay áo của Deguchi. Lỗi này khiến võ sĩ chủ nhà bị phạt Shido thứ ba, tương đương với "thẻ đỏ" và trận đấu kết thúc. Vào chung kết với VĐV Hàn Quốc Mimi Huh ngày 29/7, Deguchi tiếp tục phải đấu thêm thời gian, và một lần nữa, cô giành chiến thắng nhờ đối thủ bị phạt ba Shido.
Trước tấm HC vàng của Deguchi ngày 29/7, judo Canada mới bốn lần có đại diện trên bục vinh quang Olympic, với HC đồng hạng 86 kg tại Barcelona 1992, HC bạc hạng 100kg tại Sydney 2000 đều của Nicolas Gill, HC đồng hạng -57kg của Jessica Klimkait và hạng 63kg của Catherine Beauchemin-Pinard đều tại Tokyo 2020.
HC vàng Olympic Paris 2024 không phải là lần đầu Deguchi ghi tên cô vào lịch sử của judo Canada. Năm 2019, cô là người đầu tiên mang về ngôi vô địch thế giới môn judo cho quốc gia Bắc Mỹ này. Đến với Thế vận hội tại Pháp, cô mang theo hành trang rất đáng nể: hai lần vô địch thế giới (2019, 2023), 12 lần vô địch Grand Slam... Đó là bộ sưu tập thành tích đáng mơ ước với mọi judoka, nhưng để đặt chân đến đấu trường Olympic, Deguchi đã phải chờ đợi 10 năm.
Deguchi có hai quốc tịch, Canada và Nhật Bản. Cô sinh ra và lớn lên ở quê ngoại, tỉnh Nagano, Nhật Bản. Phong cách và kỹ thuật judo của Deguchi là "100% Nhật Bản", vì cô hoàn toàn được đào tạo, trưởng thành trong hệ thống của xứ sở mặt trời mọc. Năm 2013 rồi 2014, Deguchi vẫn còn dự giải trẻ thế giới cùng Nhật Bản, và về nhì năm 2014.
Nhưng sau giai đoạn ở đội tuyển trẻ, đà thăng tiến của Deguchi chững lại. Cô phải cạnh tranh với quá nhiều đối thủ sừng sỏ trong cuộc đua vào đội tuyển quốc gia, mà nổi bật là Kaori Matsumoto - HC vàng Olympic 2012, hai lần vô địch thế giới, rồi Tsukasa Yoshida - vô địch thế giới 2018, HC đồng Olympic 2020. Trong giai đoạn đó, tại đội tuyển quốc gia "quê ngoại", Deguchi chỉ là VĐV đứng thứ ba ở hạng -57kg.
Nhật Bản sở hữu nhiều võ sĩ giỏi ở mỗi hạng cân. Đây vừa là ao ước và cũng là cơ hội cho những quốc gia có trình độ thấp hơn trong judo tăng cường lực lượng. Với trường hợp Deguchi, Canada nhanh chân hơn cả, khi ông Nicolas Gill - Giám đốc Liên đoàn Judo nước này (Canada Judo), đồng thời là một cựu võ sĩ, từng đoạt HC bạc Olympic Sydney 2000, phát hiện ra Deguchi sinh sống ở Nhật, nhưng có hai quốc tịch vì cha cô là người Canada.
Sau nhiều lần đặt vấn đề, Gill đã thuyết phục được Deguchi. Dù sao, với cô gái sinh năm 1995 này, Canada cũng rất thân thuộc, với quê cha Winnipeg, với môn hockey trên băng vẫn thường xem truyền hình cùng cha và với những bữa tiệc Giáng Sinh đầy đủ gà tây, chocolat... Và trên hết, chỉ có mang màu cờ sắc áo của xứ sở lá phong đỏ, con đường đến với Olympic Tokyo 2020 mới thật sự rộng mở cho Deguchi. "Ba tôi là nhiếp ảnh gia, ông luôn có mặt sát sân đấu để ghi lại những hình ảnh khi tôi thi đấu. Ba không nói ra nhưng nhìn vào mắt ông, tôi biết ông vui thế nào với sự lựa chọn của tôi. Bà nội tôi ở Winnipeg cũng vậy, bà tự hào lắm khi tôi đấu cho Canada", Deguchi kể với Radio Canada năm 2018.
Lựa chọn quê nội cũng đồng nghĩa với việc Deguchi phải chấp nhận không được thi đấu quốc tế một thời gian dài, để đủ thời hạn 3 năm khi thay đổi quốc gia. Đến mùa thu năm 2017, cô mới chính thức mang quốc kỳ của Canada trên ngực áo để tranh tài ở các giải đấu. Canada Judo cũng đồng ý để Deguchi tiếp tục sống và tập luyện tại Nhật, một năm chỉ về nước tập huấn vài đợt.
Từ khi thi đấu cho quê nội, Deguchi từng bước khẳng định tên tuổi, và thậm chí còn vượt qua đồng đội cũ ở tuyển Nhật Bản Tsukasa Yoshida để giành HC Vàng tại giải VĐTG 2019.
Tuy nhiên, con đường tiếp theo của cô không hề dễ dàng. Khi tất cả đều nghĩ rằng Deguchi sẽ cầm chắc vé tham dự Olympic Tokyo 2020, Jessica Klimkait - một VĐV sừng sỏ khác của judo Canada ở hạng -57kg - đột ngột bứt phá, liên tiếp thắng ở các giải Grand Slam, Grand Prix. Việc Thế vận hội tại Nhật bị dời lịch một năm, sang hè 2021, càng giúp Klimkait có cơ hội thể hiện.
Trong những giải đấu cuối cùng trước khi Tokyo 2020 diễn ra, Canada Judo gửi cả hai võ sĩ xuất sắc của họ đi thi đấu, và Deguchi lại thua ở một số lần đối đầu trực tiếp Klimkait. Sau đó, Klimkait đoạt chức vô địch thế giới 2021 ở hạng -57kg và giành luôn tấm vé dự Olympic Tokyo từ tay Deguchi.
Năm 2014, Deguchi từng phải đợi ba năm để có thể thi đấu cho Canada. Nên vào năm 2021, khi cánh cửa đến Olympic đóng sập vào giờ chót, đồng nghĩa với việc phải thêm ba năm nữa để hiện thực hóa giấc mơ góp mặt ở Thế vận hội, judoka này vẫn không nản chí. Và sau cùng, Deguchi không chỉ có mặt tại Paris 2024, mà còn bước lên bục cao nhất để ghi tên mình vào lịch sử.