World Cup 2022

Dấu ấn Nam Mỹ trong đội tuyển Hà Lan

"Chúng tôi là người da màu. Thật vui khi thấy người da màu thành công. Chúng tôi rất tự hào", Nigel Marengo, 18 tuổi, cầu thủ trẻ của Heerenveen, đội đang thi đấu tại giải bóng đá hạng nhất Hà Lan Eredivisie, nói hôm 8/12.

Họ thần tượng những cầu thủ Hà Lan như Virgil van Dijk, có bố là người Hà Lan còn mẹ là người Suriname, hay Denzel Dumfries, có mẹ là người Suriname còn bố là người Aruba, hòn đảo ở Caribe thuộc Hà Lan. Xavi Simons, tiền vệ của đội tuyển Hà Lan, cũng có bố là người gốc Suriname.

Hậu vệ Virgil van Dijk kiểm soát bóng trong trận đấu vòng loại World Cup Qatar ngày 3/12 với đội tuyển Mỹ trên sân vận động Khalifa ở Doha. Ảnh: AFP

Hậu vệ Virgil van Dijk kiểm soát bóng trong trận đấu với đội tuyển Mỹ tại vòng loại World Cup ngày 3/12 trên sân vận động Khalifa ở Doha. Ảnh: AFP

Marengo và bạn bè sẽ cổ vũ cho đội tuyển Hà Lan trong trận đấu tứ kết với Argentina ngày 9/12 (2h sáng 10/12 giờ Hà Nội), trận đấu mà cậu nhận xét sẽ rất khó khăn, nhưng "cơn lốc màu da cam" sẽ có cơ hội chiến thắng nhờ Van Dijk ở hàng thủ.

"Tôi rất vui vì anh ấy chọn chơi bóng cho Hà Lan" thay vì Suriname, quốc gia Nam Mỹ nhỏ bé ven biển Caribe được FIFA xếp hạng thứ 139, Marengo nói.

Bạn của cậu, Divayo Olf, 18 tuổi, nhận xét việc các cầu thủ gốc Suriname chơi cho đội tuyển Hà Lan "sẽ kéo bóng đá Suriname xuống, nhưng tất cả họ đều sinh ra hoặc lớn lên ở đây. Họ đều bắt đầu sự nghiệp ở đây, nên tôi hiểu tại sao họ lại đưa ra lựa chọn này".

Hà Lan có hàng loạt huyền thoại bóng đá mang dòng máu Suriname, từ Ruud Gullit và Frank Rijkaard những năm 1980 tới Clarence Seedorf và Edgar Davids những năm 1990.

Nhưng điều này cũng phản ánh lịch sử cai trị loạt thuộc địa của Hà Lan, trong đó có Suriname, quốc gia giành độc lập năm 1975.

Tại thủ đô Paramaribo của Suriname ngày 6/12, hai màn hình tivi khổng lồ treo trên tường quán cà phê thể thao Munder, với lá cờ Suriname treo ở giữa. Căn phòng được trang trí bằng nhiều biểu ngữ tiếng Hà Lan.

"Tôi hâm mộ đội tuyển Hà Lan từ năm 1978, bởi tôi lớn lên ở Hà Lan. Tôi cũng yêu mến đội tuyển vì trong đội có nhiều cầu thủ gốc Suriname đang chơi bóng", Ramesh Jagesar, chủ quán, nói.

Ramesh Jagesar giới thiệu áp phích các tuyển thủ thuộc câu lạc bộ Ajax Amsterdam năm 1996 ở thủ đô Paramaribo, Suriname, ngày 6/12. Ảnh: AFP

Ramesh Jagesar giới thiệu áp phích các tuyển thủ thuộc câu lạc bộ Ajax Amsterdam năm 1996 ở thủ đô Paramaribo, Suriname, ngày 6/12. Ảnh: AFP

Trong trận đấu ngày 9/12 với Argentina, quán sẽ phục vụ món thịt viên Hà Lan, trang trí cờ Hà Lan trên đồ uống.

Ruben del Prado, bác sĩ nghỉ hưu, ủng hộ đội tuyển Hà Lan. "Tôi yêu Hà Lan nhưng trái tim tôi ở Suriname. Giữa hai nước có mối quan hệ lịch sử tự nhiên", ông nói.

Trong khi đó, Micky van Leeuwaarde, một khách hàng trong quán, tuyên bố sẽ mặc trang phục màu xanh nhạt vì ông là thành viên câu lạc bộ người hâm mộ bóng đá Argentina ở Suriname.

"Thế hệ cầu thủ gốc Suriname hiện nay không có ý nghĩa gì với tôi", ông nói. "Tôi thích thế hệ cũ hơn: Seedorf, Davids và Rijkaard".

Leeuwaarde sinh năm 1978, khi Argentina đánh bại Hà Lan trong trận chung kết World Cup. Ông yêu mến Maradona và là người hâm mộ suốt đời của huyền thoại bóng đá người Argentina.

Monique Sandriman, 41 tuổi, giới thiệu món ăn Suriname trong nhà hàng P&G Roti ở Amsterdam ngày 7/12. Ảnh: AFP

Monique Sandriman, 41 tuổi, giới thiệu món ăn Suriname trong nhà hàng P&G Roti ở Amsterdam ngày 7/12. Ảnh: AFP

Gần sân vận động Ajax nổi tiếng của Amsterdam, Urbian Fitz-James mở một cửa hàng bán đồ xuất xứ Suriname. Ông tự hào khi thấy "có cầu thủ gốc Suriname trong đội tuyển quốc gia".

Nhưng Xafiera Schipper, 34 tuổi, nhân viên cửa hàng, cho rằng các cầu thủ gốc Suriname, nơi bố mẹ cô sinh ra, "tốt hơn nên chơi cho quê hương mình". "Điều đó nghĩa là đội tuyển Hà Lan sẽ không còn mạnh nữa", cô nói thêm.

(Theo AFP)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm