World Cup 2022

Fan nữ bất ngờ về sự an toàn ở Qatar khi xem World Cup

Andrea M, 29 tuổi, người Mỹ, sống tại thành phố New York, đến Qatar cổ vũ đội tuyển quốc gia. Trước khi lên đường, cô phải trấn an gia đình và tự hứa với bản thân sẽ cẩn thận trong thời gian ở quốc gia Trung Đông này. Thời điểm đó, Andrea đọc nhiều tin tức về Qatar và nhận thấy đây là nơi có nhiều luật lệ nghiêm khắc với du khách. Bạn bè cô thậm chí còn kiên quyết từ chối đi du lịch.

"Miêu tả của truyền thông về Trung Đông rất khác so với những gì tôi đã trải nghiệm", nữ du khách Mỹ nhận xét sau vài ngày nhập cảnh. Cô vui vì đã đến đây. Andrea có thể đi dạo quanh thành phố vào buổi đêm mà không gặp sự cố nào, cũng không cần lo lắng gì. Đây là điều mà cô không thể làm khi ở nhà.

Tatiana Lopez, fan của tuyển Brazil, chụp ảnh lưu niệm khi ra ngoài chơi vào đêm muộn. Ảnh: Aljazeera

Tatiana Lopez, fan của tuyển Brazil, chụp ảnh lưu niệm khi ra ngoài chơi vào đêm muộn. Ảnh: Aljazeera

Nhiều trận bóng ở Qatar kết thúc vào 22h. Cổ động viên và người dân phải rời sân muộn, sẽ sử dụng các phương tiện công cộng và đổ ra fanzone để vui chơi vào lúc nửa đêm. Không ít fan nữ, đi theo nhóm hoặc một mình, vẫn ca hát, nhảy múa cùng những người khác hoặc đi lại khắp thành phố mà không lo lắng về sự nguy hiểm.

Joy Nkuna cũng đã được trải nghiệm những điều hoàn toàn không giống những gì cô phải đối mặt khi ở quê nhà Nam Phi, quốc gia thường nằm trong top "điểm đếm nguy hiểm đối với nữ du khách", theo Aljazeera. Theo số liệu của chính phủ nước này, hơn 1.000 phụ nữ đã bị sát hại ở Nam Phi trong ba tháng, từ tháng 7 đến 9. "Ngay từ khi trời tối, phụ nữ đã không ra ngoài một mình. Nếu không, họ sẽ gặp nguy hiểm. Còn ở Doha, tôi và con gái đi dạo lúc 3h. Không ai đuổi bắt, đe dọa hay nhìn chúng tôi theo cách khiến chúng tôi cảm thấy thiếu an toàn", Nkuna nói.

Tatiana Lopez, cổ động viên 33 tuổi đến từ Colombia, cùng hai bạn gái đồng quan điểm. Cô cho biết đàn ông ở nơi công cộng rất lịch sự. "Mặc dù thật kỳ lạ khi thấy nhiều nam giới ở nơi công cộng hơn phụ nữ (tại Qatar). Nhưng họ đều tôn trọng phụ nữ". Lopez đã tận hưởng giải đấu mà không phải lo lắng về việc mất đồ. "Tôi có thể đeo balo trên lưng, để điện thoại trong túi và biết rằng không ai giật đồ của mình".

Dalia Abushullaih, người Arab Saudi, nói: "Nơi này đảm bảo phụ nữ cảm thấy thoải mái khi tới xem các trận đấu. Thế giới cuối cùng cũng được chứng kiến tận mắt nền văn hóa Ảrập tốt đẹp của chúng tôi. Thật tuyệt khi thấy mọi người trải nghiệm chúng, và trở về nhà với những ấn tượng đó", cô nói.

Khadija Suleiman dẫn các con và cháu đi xem đá bóng lúc 22h. Cô không cần chồng, hay đàn ông trưởng thành đi cùng để bảo vệ, vì tự tin rằng ở Qatar lúc nào cũng an toàn.  Ảnh: Aljazeera

Khadija Suleiman dẫn các con và cháu đi xem đá bóng lúc 22h. Cô không cần chồng, hay đàn ông trưởng thành đi cùng để bảo vệ, vì tự tin rằng ở Qatar lúc nào cũng an toàn. Ảnh: Aljazeera

Với những người sống ở Qatar lâu năm, việc phụ nữ được an toàn tại quốc gia Hồi giáo này là điều hiển nhiên. Sự an toàn này, không liên quan đến World Cup. Dù Qatar có tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh hay không, phụ nữ ở đây vẫn luôn an toàn khi ra khỏi nhà, đến bất kỳ đâu hay thời điểm nào trong ngày.

Theo chỉ số tội phạm Numbeo, website dữ liệu lớn nhất thế giới chuyên xếp hạng các điểm đến về chất lượng cuộc sống, Doha là thành phố an toàn nhất thế giới ba năm liên tiếp, từ 2020 đến 2022.

Khadija Suleiman, một người Ethiopia 32 tuổi sống ở Qatar được 10 năm, cho biết đến sân vận động Lusail lúc 22h cùng ba đứa con, hai cháu gái: "Tôi thấy không cần đàn ông đi cùng để cảm thấy an toàn khi đến đây". Suleiman nói thêm an ninh được thắt chặt trong thời gian diễn ra World Cup và sự an toàn của phụ nữ và trẻ em tại nơi công cộng chưa bao giờ là mối quan ngại của cô ở Qatar.

Quyết định cấm bán đồ có cồn quanh sân vận động cũng khiến nhiều phụ nữ thấy thoải mái, tự tin hơn khi đi cổ vũ vì họ sẽ không gặp đám đông say xỉn, gây rối nơi công cộng.

Camilla Ferrierra, một tình nguyện viên đến từ Brazil, nói việc không bị các fan say xỉn vây quanh ở các sân vận động khiến cô an toàn hơn. "Qatar đã cho thế giới thấy rằng chúng ta có thể thưởng thức các trận bóng mà không cần bia, rượu. Phụ nữ có thể xem các trận đấu mà không phải lo sợ về sự an toàn. Tiêu chuẩn này đã được đặt ra rất cao và giờ đây, thế giới sẽ phải nỗ lực để đạt chuẩn như Qatar", Ferrierra cho biết.

Dalia Abushullaih, 29 tuổi, bay từ Ả Rập Saudi đén Qatar xem World Cup. Ảnh: Aljazeera

Dalia Abushullaih, 29 tuổi, bay từ Arab Saudi đến Qatar xem World Cup. Ảnh: Aljazeera

(Theo Aljazeera)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm