Điền kinh

Những điểm mới tại giải điền kinh thế giới 2023

Xếp làn chạy. Từ đề xuất của các VĐV và HLV elite, World Athletics sẽ thay đổi cách xếp làn chạy, dựa trên thành tích. Theo đó, các người có thông số tốt sẽ được xếp vào các làn bên trong và thành tích giảm dần sẽ được xếp ra các làn bên ngoài.

Việc xếp làn thi đấu này áp dụng cho các nội dung 100m (Straight, vì thường đoạn chạy 100m được đặt trên phần thẳng nhất của sân vận động), 200m và 400m.

Cách phân làn mới và cũ.

Cách phân làn mới và cũ.

Ở nội dung 100m, 4 VĐV có thành tích tốt nhất vẫn chạy ở làn 3-4-5-6 như luật cũ. Nhưng với nội dung 200m, những VĐV có thành tích tốt nhất từ trên xuống dưới sẽ được xếp lần lượt là 5-6-7 (trước đây là 3, 4, 5, 6). Với nội dung 400m, thứ tự này là 4-5-6-7.

Nhóm VĐV có thứ bậc căn cứ trên thành tích tốt tiếp theo cũng thay đổi cách xếp làn. Trước đây, thứ tự xếp làn cho hai vị trí tiếp theo là 7-8 (với 100m) cho cả ba nội dung, còn bây giờ là 2-7 (100m), 3-4-8 (200m) và 3-8 (400m).

Tám VĐV trong khoảnh khắc về đích nội dung 100m nam giải VĐTG 2022 tại Oregon, Mỹ. Ảnh: AP

Tám VĐV trong khoảnh khắc về đích nội dung 100m nam giải VĐTG 2022 tại Oregon, Mỹ. Ảnh: AP

Hai VĐV có thành tích xếp cuối vẫn chạy ở các làn 1-2 như trước đây với với 200m và 400m. Thứ tự ở nội dung 100m sẽ đổi thành 1-8, tức là hai VĐV có thành tích thấp nhất sẽ chạy ở các làn ngoài cùng là làn 1 và làn 8.

Cách xếp làn như trước đây vẫn được áp dụng cho hai nội dung nhiều môn phối hợp là heptathlon (7 môn phối hợp) và decathlon (10 môn phối hợp ).

Điều kiện đi tiếp của các nội dung cự ly trung bình. Bắt đầu từ giải tại Budapest năm nay, các cự ly chạy 1.500m, 3.000m vượt chướng ngại vật và 5.000m sẽ chọn suất đi tiếp theo thành tích từ cao xuống thấp đến khi đủ số lượng của tất cả đợt chạy (Heat) vòng loại, thay vì chọn các vị trí về nhóm đầu các vòng loại để nghiễm nhiên đi tiếp như trước đây. Thay đổi này tạo ra sự cạnh tranh công bằng hơn so với luật cũ, khi VĐV thi ở các Heat sau được hưởng lợi vì biết trước mốc thời gian đủ để đi tiếp nhờ kết quả của các Heat trước.

Theo luật cũ, nội dung 1500m có vòng loại (R1) và bán kết (SF) rồi mới đến chung kết. R1 sẽ xác định 24 suất đi tiếp theo cách chia làm bốn Heat để chọn ra năm VĐV về đầu mỗi Heat vào bán kết, bốn suất còn lại dành cho những VĐV có thành tích tiếp theo tốt nhất tính trong cả bốn Heat.

24 VĐV vào bán kết sẽ được chia làm hai Heat để chọn ra 12 người vào chung kết. Theo đó, năm VĐV về đầu mỗi Heat vào thẳng chung kết. Hai suất vớt còn lại sẽ chọn từ thành tích tiếp theo tốt nhất của cả hai Heat.

Thay đổi ở cách chọn suất đi tiếp ở ba nội dung trung bình.

Thay đổi ở cách chọn suất đi tiếp ở ba nội dung trung bình.

Nhưng từ Budapest năm nay, thể thức chọn VĐV đi tiếp sẽ thay đổi ở cả R1 và bán kết. Cụ thể, R1 vẫn có bốn Heat, nhưng ban tổ chức lấy luôn sáu VĐV về đầu mỗi Heat vào bán kết. Tương tự, tại bán kết, từ hai Heat, sáu VĐV về đầu mỗi Heat sẽ đi tiếp vào chung kết.

Tương tự cho cự ly 3000m chướng ngại vật và 5000m, BTC sẽ bỏ các suất đi tiếp bằng cách xét thành tích tiếp theo tốt nhất, mà căn cứ luôn vào thứ hạng ở các lượt chạy để chọn suất đi tiếp.

Chính sách thay thế VĐV. Từ giải ở Budapest lần này, nếu có VĐV xin rút lui, suất thi đấu của họ sẽ được trao cho VĐV có thành tích tiếp theo tốt nhất (ở dạng chờ).

Quy định này sẽ có hiệu lực ở bán kết và chung kết mọi nội dung, gồm các nội dung trên sân (ném - đẩy - nhảy) và tiếp sức. Sẽ không có việc bốc thăm lại làn chạy, hay sắp xếp lại thứ tự chạy như trước.

Một hệ thống "ghế nóng" ảo sẽ được triển khai. VĐV hoặc đội tiếp sức xếp hạng tốt nhất tiếp theo sẽ được thông báo để chờ khả năng vào thi đấu khi có VĐV hoặc đội khác rút lui. Sẽ có hai VĐV hoặc đội được xem xét cho mỗi lần thay thế.

Phòng chờ. Với tất cả nội dung chạy nước rút, chạy vượt rào và 800m, ban tổ chức sẽ bố trí một phòng cho những VĐV không nằm trong nhóm vào thẳng vòng tiếp theo để họ chờ xem có được đi tiếp hay không nhờ kết quả căn cứ theo thành tích. Căn phòng này sẽ có vài chiếc sofa để VĐV ngồi thư giãn, TV để theo dõi các cuộc thi tiếp theo, con lăn hoặc dụng cụ giãn cơ, đồ uống giải khát. VĐV cũng được phép gặp, trao đổi hoặc nhận chỉ đạo từ HLV trong căn phòng này.

Các VĐV có thể ở trong phòng chờ này tối đa 20 phút và sau đó sẽ được đưa qua khu vực hỗn hợp. Phòng chờ này sẽ có máy quay truyền hình trực tiếp, và người hâm mộ có thể xem phản ứng của các runner.

Mô phỏng một phòng chờ cho các VĐV tại giải vô địch điền kinh thế giới từ năm nay. Ảnh: World Athletics

Mô phỏng một phòng chờ cho các VĐV tại giải vô địch điền kinh thế giới từ năm nay. Ảnh: World Athletics

Tiếp tục chạy nếu xuất phát sai. Theo luật cũ, nếu phát hiện ra một VĐV mắc lỗi xuất phát, hệ thống cảm biến điện tử sẽ có báo động và VĐV sẽ đó bị loại. Lỗi xuất phát được tính là khi các VĐV xuất phát sớm hơn so với quy định, có sự tác động từ chân lên bàn đạp ở khoảng thời gian nhanh hơn cho phép là 0,1 giây. Ngay cả "Ông hoàng Nước rút" Usain Bolt cũng mắc lỗi này và mất ngôi vô địch thế giới ở chung kết 100m kỳ giải 2011 tại Deagu, Hàn Quốc.

Trọng tài xuất phát hiện có quyền cho phép một hay nhiều VĐV tiếp tục được thi đấu nếu nghi ngờ về khả năng mắc lỗi xuất phát nhưng hệ thống cảm biến tự động không báo hiệu. Trọng tài này có thể tiếp tục cho VĐV thi đấu xong nội dung, rồi sau đó mới thông báo quyết định cho khán giả trên sân hoặc xem truyền hình được biết.

Yếu tố này được tính đến khi trọng tài xuất phát, dựa trên kinh nghiệm cá nhân, có thể nghi ngờ về tính hợp lệ của VĐV trong động tác xuất phát.

Dụng cụ ném. Trước đây, VĐV dự thi các nội dung ném (ném đĩa, phóng lao) không thể dùng dụng cụ thi đấu của riêng họ nếu dụng cụ đó trùng với mẫu do ban tổ chức cung cấp. Ví dụ, nếu chiếc lao hoặc đĩa có cùng thương hiệu, kích cỡ như mẫu của ban tổ chức, VĐV phải thi bằng dụng cụ của ban tổ chức, chứ không được dùng đồ của cá nhân.

Nhưng từ Budapest sắp tới, quy định này được dỡ bỏ. Dù vậy, VĐV chỉ được sử dụng không quá hai dụng cụ cá nhân để thi đấu và các dụng cụ này vẫn phải tuân thủ các thông số kỹ thuật theo quy định của ban tổ chức.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm