Đua xe

Ferrari vuột cơ hội giúp Leclerc về nhì tại Singapore thế nào

Với việc tay đua Ferrari Carlos Sainz về nhất, Grand Prix Singapore ngày 17/9 giúp khán giả không phải chứng kiến kết quả đang dần trở nên nhàm chán vì Max Verstpappen của Red Bull toàn thắng cả 10 chặng trước đó. Hai tay đua về kế sau Sainz lần lượt là Lando Norris và Lewis Hamilton. Tuy nhiên, theo chuyên gia Bernie Collins, Charles Leclerc - tay đua còn lại của Ferrari về thứ tư - có thể cán đích thứ hai nếu được hỗ trợ tốt hơn trên đường đua Marina Bay.

Leclerc rảo bước trong khu vực kỹ thuật của Ferrari sau Grand Prix Singapore kết thúc ngày 17/9. Ảnh: Scuderia Ferrari

Leclerc rảo bước trong khu vực kỹ thuật của Ferrari sau Grand Prix Singapore kết thúc ngày 17/9. Ảnh: Scuderia Ferrari

Hai tay đua của Ferrari xuất phát ở vị trí thứ nhất và thứ ba. Sau đó, nhờ xuất phát bằng lốp mềm, Leclerc dễ dàng vượt qua George Russell để chiếm vị trí thứ hai suốt thời gian đầu chặng. Russell xuất phát bên làn đường bẩn với bộ lốp trung bình nên bị tụt xuống thứ ba ngay từ những giây đầu.

Trong suốt thời gian sử dụng bộ lốp xuất phát, Sainz đã được yêu cầu phải giữ tốc độ an toàn và cố gắng giữ lốp, dù khi đó tay đua người Tây Ban Nha thông báo với đội nhà qua sóng radio rằng với anh việc giảm thời gian thực hiện một vòng đua thêm 1 giây là trong tầm tay. Theo Collins, có hai lý do chính để Ferrari yêu cầu phải Sainz giảm tốc độ.

Thứ nhất, việc khống chế tốc độ đoàn đua sẽ giúp Leclerc chăm sóc tốt bộ lốp mềm, đảm bảo tuổi thọ của lốp được kéo dài đến khi có xe an toàn - vốn thường xuyên xuất hiện trong các cuộc đua trên phố chật hẹp. Và trên thực tế tại Marina Bay, xe an toàn đã xuất hiện ở vòng 20.

Lý do thứ hai sâu xa hơn là so với các tay đua khác, cả hai tay đua của Mercedes đều đã dự trữ được thêm một bộ lốp trung bình cho cuộc đua chính thức. Điều này giúp Mercedes có thêm một tùy chọn cho chiến thuật 2 pit, nếu có biến cố trên đường đua dẫn tới xe an toàn được triển khai vào thời điểm phù hợp. Nhưng bằng cách kìm giữ tốc độ đoàn đua, Ferrari cố gắng giảm khả năng xe an toàn xuất hiện, qua đó ngăn cản Mercedes có cơ hội giảm thời gian khi thay lốp ở thời điểm xe an toàn.

Gần đến giai đoạn thay lốp lần đầu, Ferrari bắt đầu nới rộng khoảng cách giữa các tay đua khi Leclerc được khuyến khích tạo khoảng cách 5 giây với Sainz. Điều này một lần nữa rất quan trọng vì hai lý do. Thứ nhất, nếu có xe an toàn xuất hiện, khoảng cách trên đủ để cho phép cả hai chiếc xe của Ferrari vào pit nối tiếp nhau trong cùng một vòng đua. Thứ hai, khoảng cách trên giúp Sainz bỏ xa các xe phía sau và từ đó loại bỏ nguy cơ bị Max Verstappen - tay đua xuất phát với lốp cứng và chắc chắn về pit muộn, nhảy cóc.

Thực tế là khi xe an toàn được triển khai, Sainz đã thay lốp xong suôn sẻ và trở lại đường đua ngay trước Verstappen. Tuy nhiên, cùng lúc, mọi thứ lại không diễn ra suôn sẻ đối với Leclerc. Khi xe an toàn vừa xuất hiện, khoảng cách giữa tay đua người Monaco với Sainz là 4,9 giây. Khi Sainz tiến đến lối vào pit, khoảng cách giữa hai chiếc SF23 đã tăng lên 9,2 giây. Khoảng trống này là quá đủ để hai xe vào pit nối tiếp nhau mà không cần bắt Leclerc phải chờ đợi. Pha vào pit thay lốp của Leclerc diễn ra suôn sẻ và chiếc xe đã sẵn sàng được giải phóng khỏi khu vực thay lốp.

Tuy nhiên, diễn biến thực tế sau đó lại không nằm trong dự tính ban đầu của Ferrari và vô tình làm thay đổi hẳn cuộc đua của Leclerc. Thông thường dù đã thay lốp xong, xe chỉ được phép rời khỏi khu vực thay lốp khi nhân viên phụ trách cảnh báo phát tín hiệu đèn xanh, người này cần phải quan sát tình hình xe qua lại trên đường pit rồi mới cho phép xe nhà được rời đi an toàn.

Với mỗi chặng đua, các đội thường lấy thước đo đánh dấu một khoảng cách nhất định về phía sau khu vực thay lốp. Khi đảm bảo khoảng cách yêu cầu (vốn khác nhau với mỗi đường đua tùy tốc độ tối đa cho phép chạy trên đường pit, một bảng đánh dấu được gắn cố định tại điểm đó. Khi có xe khác đi qua bảng đánh dấu và tiến gần khu vực thay lốp, nhân viên cảnh báo sẽ phát tín hiệu đèn đỏ, chưa cho phép xe ra khỏi khu vực thay lốp.

Những chiếc xe bám ngay sau Leclerc để thay lốp ở vòng 20 là Russell, Norris và Hamilton. Vì Hamilton đang giãn khoảng cách với Russell để đảm bảo cả hai chiếc W14 vào thay lốp mà không phải chờ đợi trong khu vực kỹ thuật, điều này dẫn đến khoảng cách giữa Hamilton và Norris tăng lên 2,6 giây. Khi Ferrari thay lốp xong cho Leclerc, Hamilton cũng tiến tới bảng đánh dấu của Ferrari.

Khoảng cách giữa Hamilton với Norris lúc này rõ ràng khá lớn, và Hamilton cũng đang chạy chậm lại để chờ đợi Russell. Vì thế, Ferrari có thể vẫn có cơ hội tốt để xử lý táo bạo hơn, giải phóng xe Leclerc mà không làm cản trở Hamilton. Cùng lúc, McLaren với Norris quyết đoán hơn nhiều, giải phóng chiếc MCL60 ra khỏi khu vực thay lốp và nhờ đó, giành vị trí trước Leclerc.

Leclerc trong tình huống rời khu vực kỹ thuật ở Grand Prix Singapore ngày 17/9. Ảnh: Scuderia Ferrari

Leclerc trong tình huống rời khu vực kỹ thuật ở Grand Prix Singapore ngày 17/9. Ảnh: Scuderia Ferrari

Đây là đều là khoảnh khắc quan trọng, quyết định đúng sai mức 50-50 giữa việc giữa xe lại hay giải phóng xe. Vì bị giữ lại, Leclerc mất thêm tầm 3 giây chờ đợi, và tụt hai bậc, xuống sau cả Russell và Norris, qua đó, ảnh hưởng lớn tới kết quả thi đấu của tay đua người Monaco. Từ hình ảnh trên sóng truyền hình, rất khó để phân định rõ ràng đúng sai, rằng việc quyết định của nhân viên cảnh báo của Ferrari là quá cầu toàn hay không. Nếu họ vẫn cho Leclerc đi như bình thường và giả sử sau đó không có va chạm, thì cũng không rõ khả năng đội đua Italy liệu có bị phạt 5 giây vì giải phóng xe không an toàn hay không?

"Cũng có giả thuyết rằng khi cuộc đua đã kết thúc, mức phạt cộng thêm 5 giây vào thành tích sẽ không lớn bằng vị trí Leclerc bị mất. Nhưng nếu quyết đoán hơn, Ferrari có cơ hội giải phóng xe khỏi khu vực thay lốp mà không bị phạt và vẫn giữ được vị trí thứ hai cho Leclerc", Bernie Collins phân tích.

Việc chờ đợi khi giải phóng xe cũng khiến Leclerc, khi trở lại đường đua, phải xếp sau cả Sergio Perez - tay đua không thay lốp khi xe an toàn xuất hiện ở vòng 20. Việc này khiến, sau khi xe an toàn rút đi và đoàn đua khởi động lại, Leclerc lại tụt thêm một bậc và mất vị trí vào tay Hamilton do bị kẹt sau cuộc chiến giữa Perez và Norris. Việc phải loay hoay để tìm cách vượt qua Perez và đối mặt với hàng loạt xe ở nhóm sau khiến lốp của Leclerc bị bào mòn nhanh chóng so với người đồng đội Sainz đang tự do và chủ động ở ngôi đầu.

Ít phút sau khi thay lốp xong, Sainz lại bắt đầu ghim tốc độ đoàn đua để bảo toàn lốp và ngăn Mercedes có cơ hội chuyển sang chiến thuật 2 pit. Tuy nhiên, tốc độ đoàn đua, dù đã khá chậm, vẫn chưa đủ, và đến vòng 42, vẫn có tai nạn xảy ra. Cả hai chiếc Mercedes đều có cơ hội vàng để vào pit thay lốp. Trạng thái xe an toàn ảo được bắt đầu áp dụng từ vòng 44. Do đó, các đội có thời gian là cả một vòng để tính toán về hành động cần thực hiện.

Hai chiếc Mercedes đều về pit để chuyển sang dùng lốp trung bình. Leclerc - lúc đó cũng có sẵn một bộ lốp trung bình mới - đã sớm nhận được thông báo sẵn sàng "về thay lốp để vượt Hamilton". Ferrari dự tính nếu Hamilton về thay lốp, Leclerc sẽ đứng ngoài, nhưng nếu Hamilton không thay lốp thì Leclerc sẽ về pit.

Khi được thông báo về chiến thuật của Mercedes, Leclerc trả lời: "Tôi nghĩ họ lựa chọn hợp lý", và thông báo với đội nhà tính toán để anh về pit ở vòng kế tiếp. Tuy nhiên, sau đó chiếc xe gặp tai nạn của Esteban Ocon sớm được dọn khỏi đường đua, nên trạng thái xe an toàn ảo kết thúc trước khi Ferrari trở tay.

Nếu Leclerc về pit cùng với Mercedes, vẫn có nhiều khả năng chiếc SF23 vẫn sẽ xếp sau hai xe Mercedes khi về đích, dù có chuyển sang cả loại lốp mềm ưa thích của tay đua người Monaco. Nhưng dù tốc độ trên chiếc SF23 của Leclerc chưa đủ để đánh bại Mercedes, việc chuyển sang lốp mềm vẫn là lựa chọn tốt hơn, so với không thay lốp để rồi rơi vào trạng thái đầy rủi ro khi bị Max Verstappen bám đuổi như thực tế đã diễn ra.

Leclerc tại một góc cua trên đường đua Marina Bay, Singapore ngày 17/9. Ảnh: Scuderia Ferrari

Leclerc tại một góc cua trên đường đua Marina Bay, Singapore ngày 17/9. Ảnh: Scuderia Ferrari

"Nếu xử lý quyết đoán hơn, Ferrari sẽ giúp Leclerc có cơ hội tốt về đích thứ hai, sau đồng đội Carlos Sainz để khép lại một chặng đua hoàn hảo. Tôi chắc chắn rằng đội đua Italy sẽ phải xem xét lại kỹ lưỡng hành động của mình trước chặng đua tiếp theo tại Nhật Bản Chủ nhật tuần này 24/9", Bernie Collins nói thêm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm