Trong nước

Cựu HLV Malaysia: "Việt Nam nhiều cơ hội dự World Cup 2026"

"Dựa trên thành tích hiện tại trong khu vực Đông Nam Á, tôi thấy Việt Nam có cơ hội tốt hơn cả để dự World Cup 2026", ông Sathianathan nói với báo Malaysia Sinar Harian của Malaysia sáng nay 25/12.

Sathianathan là trong một cuộc họp báo tại Malaysia. Ảnh: NST

Sathianathan là trong một cuộc họp báo tại Malaysia. Ảnh: NST

World Cup 2026 tổ chức ở ba quốc gia Bắc, Trung Mỹ là lần đầu tiên số đội tham dự nâng từ 32 lên 48. Số suất châu Á tăng từ 4,5 lên 8,5, qua đó, mở ra thêm cơ hội cho các đội vốn gặp khó khi phải cạnh tranh với những ông lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Iran hay Saudi Arabia.

Ở hai kỳ gần nhất, Thái Lan và Việt Nam lần lượt là những nước Đông Nam Á lọt vào vòng loại cuối cùng. Nhưng kết quả cho thấy khoảng cách trình độ chênh lệch với các đội tốp đầu. Thái Lan xếp chót bảng với chỉ hai điểm, không thắng được trận nào ở vòng loại 2018. Việt Nam thắng một, hoà một, nhưng vẫn đứng cuối. Dù vậy, cả hai vẫn là những lá cờ đầu bóng đá khu vực với lứa cầu thủ chất lượng và ổn định.

Trong 5 năm qua, Việt Nam vô địch AFF Cup 2018, giành hai HC vàng SEA Games, là á quân U23 châu Á 2018. Trong khi đó, Thái Lan vô địch AFF Cup 2020, vào tứ kết U23 châu Á 2020 và luôn có 3-4 cầu thủ tốt tại giải vô địch quốc gia Nhật Bản – J-League 1. Mục tiêu của hai đội cùng là vào vòng loại cuối cùng World Cup 2026, điều Malayia chưa từng làm được.

Sathianathan làm HLV ĐTQG và đội U23 Malaysia giai đoạn 2006-2009, nhưng không thành công. Người kế nhiệm ông, Rajagobal lại giúp Malaysia lần lượt giành HC vàng SEA Games 2009 và vô địch AFF Cup 2010. Sau đó, ông Sathianathan dẫn dắt nhiều CLB trong nước như Kelantan, Felda United, Selangor và hiện tại là Sarawak United.

Sathianathan cho rằng nếu muốn dự World Cup, Malaysia cần một kế hoạch tổng thể cẩn thận với nhiều bên tham gia chứ không chỉ LĐBĐ nước này (FAM). "Các bên liên quan như CLB, Bộ thanh niên và thể thao, Bộ Giáo dục và Phụ huynh cũng đóng vai trò quan trọng", ông nói.

Theo HLV sinh năm 1958, Malaysia cần bắt đầu từ bóng đá học đường để tạo nên nét văn hoá như Nhật Bản và Hàn Quốc. "Bóng đá không phải trò chơi theo mùa kiểu học kỳ 1, đá bóng, còn sang học kỳ 2 là điền kinh. Bóng đá cần được chơi hàng ngày", Sathianathan diễn giải.

Ngoài ra, cựu HLV Malaysia cũng chỉ ra rằng cầu thủ trong nước nên sang châu Âu chơi bóng, nhưng phải có sức bền cả về thể chất lẫn tinh thần. Sathianathan kể lại chuyện từng đưa các cầu thủ trẻ Malaysia sang Pháp hay Morocco tập luyện, tại đây các cầu thủ có chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt rất kỷ luật. "Ở Malaysia thì khác, cửa hàng tiện lợi mở 24/24. Nếu muốn thành công, chúng ta cần kỷ luật bao gồm cả chế độ dinh dưỡng", ông nói thêm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm