Trong nước

Thủ môn Bùi Tấn Trường: 'Tôi òa khóc khi mẹ định tự vẫn'

Thủ môn Bùi Tấn Trường: 'Tôi òa khóc khi mẹ định tự vẫn'

Mẹ tôi khi đó định uống chai thuốc sâu thì tôi vồ lấy được. Đó là khoảnh khắc mà tôi đau xót nhất trong cuộc đời đầy sóng gió mà mình từng trải qua”, Tấn Trường đỏ hoe mắt khi kể lại những thăng trầm của số phận với đạo diễn Nguyễn Lê và phóng viên Bóng đá, trong buổi giao lưu xoay quanh bộ phim: “Tấn Trường: Tôi là ai?” 

“TÔI KHÓC. MẸ TÔI CŨNG KHÓC KHI NHÌN LẠI THƯỚC PHIM CỦA QUÁ KHỨ” 

“Tấn Trường: Tôi là ai?” là bộ phim tự truyện đầu tiên về cầu thủ bóng đá Việt Nam trong lịch sử. Đạo diễn Nguyễn Lê cùng các thành viên trong đoàn làm phim đã mất 6 tháng thai nghén, đầu tư công sức với nhiều tâm huyết để có thể khắc họa một cách hoàn chỉnh, chân thực về Bùi Tấn Trường, thủ môn có một tuổi thơ dữ dội, sự nghiệp gai góc của bóng đá Việt Nam. 

Nói với phóng viên Bóng đá trong buổi giao lưu xoay quanh bộ phim “Tấn Trường: Tôi là ai?”, đạo diễn Nguyễn Lê tâm sự: “Từ lâu, tôi đã có ý định làm một sản phẩm nghệ thuật xen lẫn thể thao. Tôi nung nấu về một sản phẩm khác biệt nhưng chưa tìm thấy câu chuyện phù hợp để triển khai. Và rồi một hôm, tôi tình cờ đọc một dòng tiêu đề rất sốc trên mạng: Tấn Trường bị đuổi khỏi ĐT Việt Nam vì livestream trong lúc tập trung đội tuyển. Tôi tò mò vào xem để biết thực hư thế nào. Ban đầu, tôi nghĩ mình chỉ xem cho biết. Nhưng sau cùng, tôi bị lôi cuốn về câu chuyện của Tấn Trường tới 2 tiếng đồng hồ. Tôi hiểu rằng, câu chuyện mình tìm kiếm bấy lâu nay chính là đây”. 

Ý tưởng gặp được sự ủng hộ đến từ Tấn Trường. Anh tâm sự: “Tôi từng trộm nghĩ rằng nếu cuộc đời của mình lên phim chắc cũng thú vị lắm. Rồi khi anh Nguyễn Lê đặt ý tưởng, tôi nghĩ rằng đó là quyết định của số phận. Tôi đồng ý và đoàn làm phim triển khai từ tháng 6 cho tới cuối năm nay. Khi xem bản hoàn thiện của bộ phim, tôi rùng mình. Tôi gọi cho anh Nguyễn Lê: “Trời ơi anh Lê, anh làm phim về tôi mà tôi xem còn muốn khóc. Tôi không ngờ cuộc đời tôi qua bàn tay của anh Nguyễn Lê lại cảm động đến như vậy. Tôi khóc. Mẹ tôi cũng bật khóc khi nhìn lại những ngày tháng cực khổ trong quá khứ. Tôi không sao kìm nén nổi nước mắt khi xem lại đoạn phim tôi và em gái đi ăn cắp cá. Không hiểu sao nỗi niềm trong tôi trực trào. Đó đúng là cuộc đời tôi. Một tuổi thơ đầy dữ dội”. 

Tấn Trường (phải) kể lại những  thăng trầm của số phận trong buổi giao lưu tại Tạp chí Bóng đá

MẸ, CALISTO, PARK HANG SEO VÀ ĐẠO DIỄN NGUYỄN LÊ

Theo dòng cảm xúc hồi tưởng lại quá khứ, Tấn Trường khóc ngay trong trường quay của Tạp chí Bóng đá. “Nói đến mẹ thì tôi nhớ về một kỷ niệm buồn. Khi đó tôi mới 7-8 tuổi. Lúc tôi đang nằm trên giường thì mẹ cầm một chai thuốc sâu, nói nấc lên trong dòng nước mắt: “Trường, con ở lại sống tốt nhé!”. Mẹ tôi khi đó định uống chai thuốc sâu ấy thì tôi vồ lấy được. Đó là khoảnh khắc mà tôi đau xót nhất trong cuộc đời đầy sóng gió mà mình từng trải qua. Ba tôi rời khỏi nhà mà chẳng để lại gì cho gia đình. Mẹ phải bản lĩnh, bươn chải, vất vả để lo cho hai anh em tôi. Sau này, tôi theo nghiệp thủ môn, mẹ cũng từng bước đồng hành với tôi ở mọi CLB. Em gái vẫn bảo rằng mẹ thương tôi nhất. Và khi xem lại bộ phim về tôi, mẹ khóc, khóc nhiều lắm. Cuộc đời là vậy. Khi ta trải qua những cung bậc cảm xúc, khó khăn, vất vả thì mới có thành công như ngày hôm nay. Tôi cảm ơn bóng đá đã thay đổi đời tôi. Và tôi biết ơn mẹ vì đã hy sinh cho mình”. 

Thủ môn Bùi Tấn Trường tâm sự, hai người thầy có ảnh hưởng lớn nhất với sự nghiệp của anh là HLV Calisto và Park Hang Seo. Cả hai nhân vật này đều được tạo hình rất sống động dưới bàn tay của đạo diễn Nguyễn Lê. Trong đó, khoảnh khắc Calisto… “bóp cổ” Tấn Trường từng trở thành định kiến đeo bám thủ môn này suốt cả sự nghiệp cũng được đầu tư đầy công phu trong bộ phim. 

“Đó là trận đấu mà Việt Nam thua Malaysia. Tôi định vào trong đường hầm để khóc thì thầy Calisto có can lại. Thầy đè tôi xuống và nói: Cậu phải ngồi đây, chứng kiến, nhìn nhận thất bại để tự mình trưởng thành”, thủ môn Tấn Trường lý giải. Thực tế, việc Tấn Trường bị oan suốt hơn 10 năm cũng bởi một bức hình. Và thực sự khi đó, không có thước phim nào để mô tả khoảnh khắc ấy ngoài tấm ảnh đến từ phóng viên. Nhưng dựa trên những trần tình của Tấn Trường, đạo diễn Nguyễn Lê đã làm rất tốt để tái hiện lại thời điểm ấy. 

“Trong bức ảnh chỉ có 3 nhân vật. Đó là HLV Calisto, thủ môn Tấn Trường và một thành viên của đội bóng. Nhưng trong bộ phim Tấn Trường: Tôi là ai, chúng tôi còn có sự xuất hiện của một nhân vật nữa. Đó chính là phóng viên chụp bức ảnh đó”, đạo diễn Nguyễn Lê nói. “Cảnh quay ấy khó nhất là làm thế nào để bạn diễn viên trẻ đóng vai Tấn Trường cảm nhận được đúng tâm trạng của chính Tấn Trường khi đó. Và bằng nghiệp vụ, chúng tôi đã huy động toàn bộ thành viên với gần 100 người trên sân vận động để… chửi, quát mắng bạn diễn viên đó. Khi bạn diễn đã xuống đáy cảm xúc, thất thần, chán nản thì đoạn quay thật sự chân thực”. Thủ môn Tấn Trường nói thêm: “Tôi bất ngờ luôn. Tôi còn hỏi anh Nguyễn Lê: “Ủa anh, làm sao mà anh làm giống đến vậy”. 

Tấn Trường muốn chơi bóng chuyên nghiệp thêm 2-3 năm nữa
Ở tuổi 36, Tấn Trường cho biết anh muốn thi đấu đỉnh cao thêm 2-3 năm nữa, trước khi giải nghệ “người gác đền”. Sau khi treo găng, Tấn Trường hy vọng anh có thể theo nghiệp huấn luyện viên.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm