Theo tạp chí Thể đàn Kinh tế Quan sát, Vương Thiên Nhất được coi là kỳ thủ cờ tướng chuyên nghiệp đầu tiên của Trung Quốc, vì anh tạo ra những nguồn thu nhập không chỉ từ lương thưởng thi đấu, như các hợp đồng tài trợ, truyền hình, truyền thông, phát trực tuyến hay bán sách và khóa học cờ.
Năm có thu nhập cao nhất, anh kiếm khoảng 5 triệu nhân dân tệ (712.000 USD hay 17,5 tỷ đồng) từ các giải đấu, truyền hình hay phát trực tiếp, chưa kể những nguồn khác. Kỳ thủ sinh năm 1989 đã ở đỉnh cao 10 năm qua, vì thế tổng số tiền anh kiếm được từ cờ tướng phải lên tới hàng triệu USD.
Với biệt danh "Ngoại Tinh Nhân" (ngoài ngoài hành tinh), Vương Thiên Nhất là biểu tượng cờ tướng Trung Quốc cũng như thế giới, có hàng triệu người theo dõi trên các mạng xã hội. Là người Bắc Kinh, có chiều cao trên 1,85 m, da trắng và thu nhập cao nhất kỳ đàn, anh ở vị trí mơ ước của mọi kỳ thủ.
Vì thế, thông tin Vương Thiên Nhất mua bán độ rồi bị bắt giam và cấm thi đấu trọn đời khiến nhiều người hâm mộ ngạc nhiên. Theo nhà báo Lý Vi Ngao từ Kinh tế Quan sát Báo, số tiền anh vi phạm vượt quá 800.000 tệ (113.000 USD hay 2,8 tỷ đồng). Khoản tiền này có thể lớn với nhiều kỳ thủ, nhưng chỉ là một phần nhỏ thu nhập hàng năm của anh. Nhiều người hâm mộ không khỏi thắc mắc vì sao Thiên Nhất dính chàm vì số tiền thấp như vậy.
Thực tế chuyện dàn xếp tỷ số hay nhường điểm là vấn nạn tồn tại từ lâu ở kỳ đàn, giữa những kỳ thủ có quan hệ tốt với nhau. Phản hồi về thông tin Thiên Nhất và Đặc cấp đại sư Vương Dược Phi bị phong sát, Tổng cục Thể thao quốc gia Trung Quốc cho biết "việc kiên quyết thanh lọc và chỉnh đốn hệ sinh thái cờ tướng không chỉ là mối quan tâm của xã hội và kỳ vọng của quần chúng, còn là lựa chọn tất yếu để thúc đẩy sự quản lý và phát triển lành mạnh và bền vững của cờ tướng".
Làng cờ tướng được chia làm nhiều phe phái, có thể theo từng CLB, tỉnh thành, lò đào tạo hay quen biết cá nhân. Chẳng hạn tại Giáp Cấp Liên Tái 2023, Thiên Nhất và Dược Phi chơi cho Hàng Châu, Duy Đồng khoác áo Tứ Xuyên, hay Triệu Hâm Hâm thuộc Chiết Giang 1.
Về cơ bản, các kỳ thủ trẻ có năng khiếu sẽ được tuyển chọn vào những lò đào tạo nổi tiếng, được những cao thủ dạy dỗ. Độ tuổi các kỳ thủ cờ tướng có thể trải dài từ 15 đến 70 tuổi. Vì thế ở các giải đấu, thầy trò gặp nhau là chuyện thường tình. Tình huống đó có thể dẫn tới chuyện nhường điểm hay mua bán độ khi cần thiết, và họ sẽ dễ dàng thương lượng với nhau hơn.
Mua độ là trả tiền cho đối thủ để họ thua, còn bán độ là nhận tiền từ đối thủ để chủ động thua. Với sức cờ mạnh của Thiên Nhất, nhiều người đã thắc mắc vì sao anh phải mua độ.
Theo nhà báo Lý, Thiên Nhất đã trả 200.000 tệ (28.500 USD hay 700 triệu đồng) cho một Đặc cấp đại sư sinh ra ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, để người này thua một ván cờ khi gặp "Ngoại Tinh Nhân". Đặc cấp đại sư ở Chiết Giang này đã không liên lạc được trong nhiều tháng qua.
Đặc cấp đại sư là danh hiệu cao nhất được Liên đoàn Cờ tướng Trung Quốc (CXA) trao cho các kỳ thủ vô địch cá nhân quốc gia, hoặc đạt thành tích cao trong các cuộc thi đồng đội. Hiện, kỳ đàn có hơn 30 Đặc cấp đại sư, trong đó có 6 người Chiết Giang, là Tưởng Xuyên, Triệu Hâm Hâm, Vu Ấu Hoa, Từ Thiên Lợi, Trần Hàn Phong và Hoàng Trúc Phong. Trong đó, kỳ thủ số bốn Trung Quốc, Triệu Hâm Hâm đang có dấu hiệu bị phong sát, theo Đại sư Kim Tùng.
Hơn 10 cao thủ Trung Quốc đang bị điều tra, khiến kỳ đàn gần như đóng băng. Giáp Cấp Liên Tái (giải đồng đội cờ tướng Trung Quốc) có quy mô lớn nhất, đã không thể diễn ra năm nay 2024. Còn Ngũ Dương Bôi (giải dành cho các nhà vô địch cá nhân Trung Quốc) cũng bị ngừng lại.
Trên mạng xã hội Zhihu, một bình luận được hàng trăm người đồng tình, cho rằng những cao thủ chấp nhận bán độ khi gặp Thiên Nhất ít nhất là Tạ Tĩnh, Trịnh Nhất Hoằng, Triệu Hâm Hâm, Từ Siêu và Hác Kế Siêu. Họ đều là Đặc cấp đại sư, khoảng một năm qua không xuất hiện trên kỳ đàn.
Kế Siêu chính là nhân vật xuất hiện trong đoạn ghi âm bàn chuyện mua bán độ với Vương Dược Phi, nguồn cơn dẫn tới việc Thiên Nhất bị cấm thi đấu. Bởi trong bản ghi, hai cao thủ này đã nhắc tới việc Thiên Nhất từng mua bán độ. Kế Siêu, Dược Phi và Thiên Nhất là đồng đội, cùng nhau vô địch Giáp Cấp Liên Tái ba lần, cùng ba CLB khác nhau.
Những kỳ thủ khác như Triệu Hâm Hâm không thuộc phe phái của Thiên Nhất, vì thế anh có thể phải trả số tiền cao hơn để mua độ. Khoản 200.000 tệ nói trên ngang ngửa tiền thưởng vô địch một giải tầm quốc gia, nhưng chỉ để Triệu Hâm Hâm thua một ván đấu.
Việc xếp thứ tự kỳ thủ Trung Quốc được tính theo Elo, công bố hai đợt mỗi năm. Elo của các kỳ thủ được tính dựa trên kết quả thi đấu đối kháng, chứ không phải theo thứ bậc ở các giải đấu.
Chẳng hạn Thiên Nhất đang có Elo 2.802, còn Hâm Hâm là 2.628. Nếu thắng Hâm Hâm, Thiên Nhất kiếm thêm 2,7 hệ số, làm tròn lên 3. Còn nếu hòa, Thiên Nhất mất 2,3 Elo và thua sẽ mất 7,3 Elo. Vài Elo có thể không nhiều, nhưng cần thiết để giữ vị trí số một thế giới trong trường hợp Thiên Nhất bị Duy Đồng bám sát.
Thiên Nhất là kỳ thủ số một Trung Quốc liên tiếp từ năm 2014, còn Duy Đồng đứng thứ hai liên tục từ năm 2015. Thời điểm hai kỳ thủ này tiến gần nhau nhất là đợt một năm 2022, khi "Ngoại Tinh Nhân" có Elo 2.751, còn "Thục Sơn thiếu hiệp" có hệ số 2.749, chênh nhau chỉ hai đơn vị.
Giả sử Elo tức thời của Thiên Nhất là 2.748, so với Duy Đồng 2.749. Đối thủ tiếp theo của Thiên Nhất là Hâm Hâm. Theo dữ liệu của Qipu88, Thiên Nhất đã gặp Hâm Hâm 88 ván trong lịch sử, thắng 25, thua 8 và hòa 55 ván. Điều đó có nghĩa tỷ lệ thắng (kiếm thêm Elo) của anh khi gặp Hâm Hâm chỉ khoảng 28%. Nếu đấu sòng phẳng, khả năng Thiên Nhất mất Elo lên tới 72%.
Thiên Nhất chấp nhận mua độ, có thể để giữ vững vị trí số một Trung Quốc. Trên các mạng xã hội, Thiên Nhất tự tin dùng chữ ký "Trung Quốc Tượng kỳ Đệ nhất Nhân" (kỳ thủ số một Trung Quốc). Anh không thể chấp nhận bị Duy Đồng vượt qua, bởi "Thục Sơn thiếu hiệp" là kình địch ở trong lẫn ngoài bàn cờ.
Duy Đồng 30 tuổi, từng vô địch quốc gia hai năm liên tiếp, 2014 và 2015. Trong một ván đấu với Thiên Nhất có tàn cục hòa theo lý thuyết, Duy Đồng vẫn cố chấp đánh và kéo dài thời gian chứ không bắt tay hòa. Sau đó, Thiên Nhất đặt biệt danh cho Duy Đồng là "Trịnh Bất Hòa".
Lâu nay, đã bị nhiều Đặc cấp đại sư nghi ngờ anh gian lận khi thi đấu, bằng cách dùng những thiết bị truyền tín hiệu gắn trong người. Một trong những người nghi ngờ Thiên Nhất chính là kỳ thủ số hai Trung Quốc 10 năm qua, Trịnh Duy Đồng. Trong một trận đấu với Thiên Nhất, Duy Đồng đã đem theo máy phá sóng vào phòng thi. Và trong lúc đến lượt đi của đối thủ, Duy Đồng đứng dậy, ra phía sau và nhìn ngó vào lưng Thiên Nhất.
Khi có bất kỳ cao thủ nào nghi ngờ anh gian lận, Thiên Nhất đều công khai thách đấu họ một trận 10 ván, trong điều kiện thi đấu do đối thủ lựa chọn. "Tôi sẵn sàng chơi ở phòng tắm nếu cần", anh từng nói với Duy Đồng.
Chính Duy Đồng cũng đang bị tố cáo mua bán độ. Kỳ thủ 30 tuổi từng thắng 22 ván liên tiếp tại Giáp Cấp Liên Tái năm 2021, kiếm thêm tới 63 Elo để bám sát Thiên Nhất. Kỷ lục này bị coi là bất thường, vì thành tích tốt nhất trước đó chỉ là chuỗi 10 chiến thắng, thuộc về Hứa Ngân Xuyên và Thiên Nhất.
Vị trí số một Trung Quốc đem lại nhiều lợi ích về danh tiếng cũng như tài chính, giúp lên tới hàng trăm nghìn hay hàng triệu tệ mỗi năm. Nên việc mua độ một số ván với số tiền vài trăm nghìn tệ để đảm bảo vị trí "Kỳ Vương" sẽ không phải câu chuyện vô lý, dù trái luật.
(theo Sina, Sohu, Zhihu)