Yến Nhi là cơ thủ 3 băng nữ số một Việt Nam. Hôm 13/9, cô trở thành nữ VĐV đầu tiên của Việt Nam giành HC đồng thế giới tại Pháp. Trước đó, cô đoạt HC bạc SEA Games 32, vô địch quốc gia 2023 và 2024.
Sau giải vô địch thế giới 2024, Nhi Yến chia sẻ trên Facebook cá nhân, bày tỏ sự không hài lòng với VBSF vì cô cùng một nữ VĐV khác là Phùng Kiện Tường phải tự bỏ tiền túi đi thi đấu. Số tiền vào khoảng 55 triệu đồng, bao gồm vé máy bay, visa, tiền di chuyển và ăn uống trong sáu ngày. Riêng tiền khách sạn được Liên đoàn carom 3 băng thế giới (UMB) chi trả.
Trước đó, ngày 6/8 Liên đoàn Billiards & Snooker Việt Nam (VBSF) ra quyết định số 23 về việc cử đoàn VĐV tham dự Giải vô địch carom 3 băng thế giới từ ngày 10 đến 12/9. Danh sách có hai VĐV là Yến Nhi và Kiện Tường, bên cạnh Trưởng đoàn Nguyễn Việt Hoà, vốn là Trưởng ban Chuyên môn và đào tạo VBSF. Điều hai của quyết định này ghi "kinh phí của đoàn đi do đơn vị chủ quản của các VĐV bố trí", ở đây là đơn vị Đà Nẵng với Nhi và Bà Rịa – Vũng Tàu với Tường.
Theo quy trình, UMB sẽ đề xuất VĐV, sau đó VBSF xác nhận tư cách thành viên thì UMB mới gửi thư mời tham dự giải VĐTG. "VBSF đã bàn bạc với VĐV rằng không có kinh phí hỗ trợ từ liên đoàn, mà do VĐV hoặc đơn vị chủ quản chi trả", Tổng thư ký VBSF Đoàn Tuấn Anh cho hay. "Chỉ khi đôi bên thống nhất, chúng tôi mới làm quyết định cử VĐV đi thi đấu".
Tuy nhiên, Liên đoàn Billiards & Snooker Đà Nẵng thuộc Sở Văn hoá Thể thao Đà Nẵng theo cơ chế Nhà nước, nên bắt buộc phải có kế hoạch từ đầu năm mới có kinh phí. Trao đổi với VnExpress, Nhi cho biết quyết định này được đưa ra gấp nên không nằm trong kế hoạch từ đầu năm của đơn vị chủ quản, dẫn đến không có kinh phí.
Nhi giành HC đồng, được thưởng 4.000 euro, tương đương 110 triệu đồng. Kiện Tường vào đến vòng 1/8, được thưởng 2.000 euro, tức là vừa đủ kinh phí dự giải. Nhi cũng cho biết nhận được thưởng nóng từ các tổ chức, cá nhân trong nước là 29,5 triệu đồng và 1.700 USD. Ngoài ra, khi bài viết về VBSF được đăng tải, cô nhận được nhiều đề nghị hỗ trợ kinh phí nhưng từ chối.
Ngoài vấn đề trên, nữ cơ thủ sinh năm 1999 đề cập đến các khoản thu của VBSF. Cô cho biết mỗi VĐV phải đóng một lần 200.000 đồng để làm thẻ thành viên của liên đoàn, cùng hội phí hàng năm là 500.000 đồng mỗi người. Ngoài ra, ở Cup VBSF, lệ phí tham dự giải là 500.000 đồng mỗi người với carom 3 băng nam, 300.000 đồng mỗi người với carom 1 băng nam và carom 3 băng nữ. Trong khi đó, mức lương hàng tháng của Yến Nhi là 11,5 triệu đồng.
"Số tiền ấy đang ở đâu?", Yến Nhi đặt câu hỏi. "VBSF đã thu tiền nhưng hoàn toàn không chi trả khoản nào cho VĐV đi thi đấu với tư cách đại diện Việt Nam".
Tổng thư ký VBSF Đoàn Tuấn Anh cho biết tiền hội phí từ các thành viên tối đa là khoảng 350 triệu đồng mỗi năm, ở cả nội dung carom và pool. Trong khi đó, tiền thưởng trong điều lệ hai giải tổng là 700 triệu đồng nên tiền từ hội viên đóng chưa đủ để liên đoàn làm sự kiện trong năm. Ông cho biết thêm: "Ngoài tiền thưởng, chúng tôi phải vận động tài trợ để làm công tác tổ chức các giải, cùng các hoạt động khác của Liên đoàn".
Câu chuyện của Yến Nhi và VBSF tiếp tục xoáy sâu vào vai trò của Liên đoàn và cách hoạt động của một VĐV chuyên nghiệp. Các cơ thủ chuyên nghiệp giống các tay vợt cầu lông, tennis... chủ yếu thi đấu theo kinh phí từ ngân sách phân bổ ở địa phương, hoặc tự bỏ tiền túi để tham dự các giải đấu và dùng tiền thưởng từ thành tích thi đấu để bù đắp chi phí, bên cạnh vận động tài trợ. Trong khi đó, nhiều liên đoàn chỉ đủ kinh phí duy trì hoạt động.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, các liên đoàn cần thể hiện vai trò, chức năng của một tổ chức xã hội nghề nghiệp. "VBSF không sai về việc ra quyết định, nhưng cần thể hiện trách nhiệm để VĐV không cảm thấy bị bỏ rơi, vì họ là thành viên của liên đoàn", ông cho biết. "Các VĐV hàng đầu như Yến Nhi càng cần phải hỗ trợ nhiều hơn vì khi họ chiến thắng, thì liên đoàn cũng hưởng lợi".