Ngoại hạng Anh

Vì sao Arsenal mua sắm "thả phanh"?

Từ 2018 trở về trước, mỗi khi đề cập đến chuyển nhượng ở Arsenal, những tranh biếm họa thường vẽ HLV Arsene Wenger và con lợn đất. Nhưng năm năm sau, hình ảnh đó chỉ còn là quá khứ.

Declan Rice - cầu thủ chuẩn bị phá kỷ lục chuyển nhượng Anh - làm đội trưởng West Ham trong trận gặp Gent trên sân London tại Conference League ngày 20/4/2023. Ảnh: Reuters

Declan Rice - cầu thủ chuẩn bị phá kỷ lục chuyển nhượng Anh - làm đội trưởng West Ham trong trận gặp Gent trên sân London tại Conference League ngày 20/4/2023. Ảnh: Reuters

Chỉ trong ít ngày, Arsenal đạt thỏa thuận chiêu mộ tiền vệ Havertz và Rice với phí chuyển nhượng hơn 200 triệu USD. Chưa dừng ở đó, họ đang hỏi mua thêm hậu vệ Jurrien Timber từ Ajax với giá 51 triệu USD. Nếu thương vụ này thành công, "Pháo Thủ" sẽ lập kỷ lục chi tiêu mới ở đội bóng qua các mùa giải, dù kỳ chuyển nhượng hè vẫn còn hơn hai tháng.

Trong bảy mùa cuối cùng thời Wenger, có tới ba mùa Arsenal đạt cán cân chuyển nhượng dương, tức là thu về nhiều tiền hơn từ việc bán cầu thủ, so với mua. Nhưng trong năm mùa gần đây, họ chi gấp 5 đến 10 lần số tiền thu được. Ở hai mùa gần nhất, họ cũng chi xấp xỉ 200 triệu USD mỗi năm để tuyển nhân tài.

Tình hình tài chính của Arsenal cũng không đến mức dư thừa để họ "phá két", bởi luật Công bằng Tài chính vẫn còn hiệu lực. Chelsea đang phải thanh lọc đội hình sau một mùa giải mua sắm kỷ lục. Man Utd và Newcastle có tiền nhưng không dám mạnh tay chi tiêu vì lo phạm luật, còn Everton đã thuộc diện bị cảnh báo. Ba năm qua, Arsenal báo lỗ lũy kế lên tới 285 triệu USD, nhưng con số đó vẫn không ngăn cản họ làm náo loạn thị trường chuyển nhượng.

Lý do quan trọng nhất và được công khai, chính là sự thay đổi chiến lược chuyển nhượng từ gia đình chủ sở hữu Kroenke, gồm tỷ phú Stan và con trai Josh. Kroenke đã là cổ đông chính của đội bóng từ 2011 ở mức 62% cổ phần. Bảy năm sau, ông chi hơn 750 triệu USD để mua gần 30% cổ phần của tỷ phú Alisher Usmanov. Do sở hữu hơn 90% cổ phần đội bóng, Kroenke có nghĩa vụ mua nốt số cổ phần còn lại, để là chủ sở hữu duy nhất.

Kể từ đó, chiến lược chuyển nhượng của Arsenal thay đổi, từ thận trọng sang quyết liệt.

"Kể từ năm 2018, chúng tôi đã áp dụng chính sách chuyển nhượng táo bạo hơn do đã là chủ duy nhất", Josh Kroenke nói với Daily Mail ngày 29/6. "Hè năm ngoái, chúng tôi có chi tiêu ròng cao nhất Ngoại hạng Anh, liên tục phá kỷ lục chuyển nhượng. Arsenal sẽ tìm xem những khía cạnh nào của đội bóng cần được cải thiện, để tiếp tục chi tiêu".

Josh nhắc tới cách bố con ông tái cấu trúc khoản nợ của Arsenal như một yếu tố quan trọng để cải thiện dòng tiền trong đội bóng. Kroenke dùng tiền từ công ty của chính ông Kroenke Sports & Entertainment (KSE), để trả khoản nợ hơn 200 triệu USD còn lại từ hồi xây sân Emirates. Arsenal được gán nợ sang KSE, với mức lãi suất thấp hơn nhiều so với trước đó. Điều này có thể giúp họ tiết kiệm vài chục triệu USD mỗi năm.

Arsenal cũng không quá lo ngại luật Công bằng Tài chính, bởi UEFA nới lỏng tay cho các đội bóng ở những mùa ảnh hưởng bởi Covid-19. Theo giảng viên tài chính Kieran Maguire từ đại học Liverpool, Arsenal lỗ 212 triệu USD mùa 2021-2022, nhưng 96% khoản tiền đó không cần đưa vào quá trình giám sát của UEFA.

Quỹ lương của Arsenal cũng thấp hơn đáng kể so với các đội hàng đầu khác, tương ứng khoảng một nửa so với Chelsea hay Man Utd. Arsenal chỉ cần dùng 58% doanh thu để trả lương mùa 2021-2022, trong khi giới hạn của UEFA ở mức 90%. Việc chiêu mộ những cầu thủ trẻ và tiềm năng thay vì ngôi sao đã được khẳng định, cũng giúp đội không tốn quá nhiều tiền lương.

Không chỉ giảm áp lực chi phí, Arsenal còn đứng trước những luồng doanh thu khổng lồ. Do đứng thứ nhì Ngoại hạng Anh mùa trước, Arsenal dự kiến tăng gần 230 triệu USD doanh thu. Khoản tiền này tới từ việc được chia bản quyền truyền hình ở Ngoại hạng Anh nhiều hơn, và tiền thưởng từ các nhà tài trợ toàn cầu. Số tiền này tương ứng gần một nửa doanh thu của họ mùa 2021-2022.

Trở lại Champions League mùa sau cũng giúp Arsenal nhận ít nhất 63 triệu USD tiền bản quyền truyền hình giải này. Nếu tiến sâu hay vô địch, họ có thể tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần nguồn thu này. Và Havertz, Rice hay Timber là xúc tác để "Pháo Thủ" hướng tới mục tiêu đó.

Một nguồn thu khác dự kiến tăng lên đáng kể chính là tiền bán cầu thủ. Ba mùa gần đây, Arsenal chỉ thu tổng cộng 81 triệu USD từ khoản này. Nhưng khi Granit Xhaka, Thomas Partey, Kieran Tierney và Folarin Balogun không còn nằm trong kế hoạch của HLV Mikel Arteta, họ có thể ra đi và đem về cho đội bóng khoảng 120 triệu USD.

Tiền đạo Balogun được Arsenal rao giá 44 triệu USD, khởi động trước trận gặp Sunderland ở tứ kết Cup Liên đoàn Anh trên sân Emirates ngày 21/12/2021. Ảnh: Reuters

Tiền đạo Balogun được Arsenal rao giá 44 triệu USD, khởi động trước trận gặp Sunderland ở tứ kết Cup Liên đoàn Anh trên sân Emirates ngày 21/12/2021. Ảnh: Reuters

Arsenal không chỉ tiêu tiền, mà còn "gãi đúng chỗ ngứa". Rice sẽ trám vào vị trí của Partey, còn Havertz đá thay Xhaka, đúng theo nguyện vọng của Arteta. Hai tân binh này vừa trẻ, lại giàu tiềm năng hơn. Đội hình chính của họ mùa tới hứa hẹn còn đáng sợ hơn, dù chiều sâu đội hình vẫn còn là vấn đề.

Năm sau đánh dấu 20 năm Arsenal vô địch Ngoại hạng Anh với thành tích bất bại, cũng là mùa gần nhất họ đoạt danh hiệu này. Thầy trò Arteta đã tiến rất gần đến chức vô địch mùa trước, với dàn cầu thủ trẻ có thể tiến bộ nhanh chóng. Nhà Kroenke cũng đặt niềm tin vào HLV người Tây Ban Nha dù vài mùa đầu không thành công.

Vì thế, nếu không "đập lợn" lúc này, Arsenal sẽ lỡ thời cơ vàng để trở lại thành thế lực bóng đá Anh.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm