Các môn khác

Triathlon Việt Nam đặt mục tiêu dự Asiad

Việt Nam chưa từng có VĐV thi đấu ba môn phối hợp tại Asiad, dù môn này đã xuất hiện đều đặn qua năm kỳ đại hội thể thao châu Á kể từ 2006 đến 2023. Năm ngoái, ở Asiad 19 tại Hàng Châu, 78 VĐV đến từ 19 quốc gia đã tham dự ba nội dung triathlon, trong đó có các VĐV Đông Nam Á đến từ Campuchia, Philippines, Singapore hay Thái Lan.

Ở Việt Nam, triathlon là môn thể thao mới, chủ yếu được tập luyện ở ba thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM. CLB Vietnam Triathlon (TP HCM) hiện có 11.000 thành viên trên Facebook. CLB Hanoi Triathlon thu hút 4.400 thành viên còn Danang Triathlon cũng đạt 3.700 thành viên. Hầu hết VĐV tập triathlon thi đấu một trong ba môn chạy bộ, đạp xe hoặc bơi trước, rồi chuyển sang nội dung phối hợp. Triathlon là một trong hai nhánh chủ yếu mà VĐV yêu thích thể thao sức bền theo đuổi, bên cạnh ultra marathon.

Ban thường vụ VTRIF nhiệm kỳ 2024-2029 được bầu ra sau đại hội thành lập vào sáng 23/4. Ảnh: VTRIF

Ban thường vụ Liên đoàn Triathlon Việt Nam (VTRIF) nhiệm kỳ 2024-2029 được bầu ra sau đại hội thành lập vào sáng 23/4. Ảnh: VTRIF

Bên cạnh triathlon (bơi, đạp, chạy), VTRIF cũng sẽ quản lý các môn aquathlon (bơi, chạy) và duathlon (chạy, đạp, chạy). Tại SEA Games, ba môn này được quản lý chung, gọi là các môn thể thao sức bền. Việt Nam lần đầu tham dự vào năm 2019 tại Philippines (12 VĐV). Khi ấy, Nguyễn Thị Phương Trinh đã giành tấm HC đồng lịch sử ở nội dung duathlon cá nhân nữ.

Tại SEA Games 31, VĐV Phạm Tiến Sản đã giành HC vàng duathlon cá nhân nam. Anh bảo vệ thành công tấm HC vàng này một năm sau đó, tại SEA Games 32 ở Campuchia. Việt Nam cũng giành thêm HC bạc duathlon cá nhân nữ của Nguyễn Thị Phương Trinh và HC đồng aquathlon tiếp sức hỗn hợp. Nhưng riêng môn triathlon, trình độ của VĐV Việt Nam còn kém xa các nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines.

"Phần thử thách nhất với các VĐV theo đuổi triathlon nằm ở phần đạp xe. Đây là kỹ năng còn yếu với các VĐV Việt Nam. Với việc VTRIF ra đời, chúng tôi hy vọng các VĐV triathlon sẽ được tạo điều kiện thi đấu nhiều hơn, đặc biệt ở các giải nước ngoài. Giờ đây, các triathlete Việt Nam tham gia các giải quốc tế sẽ có liên đoàn đại diện, không phải bỏ tiền để mua giấy phép thi đấu nữa", phó Chủ tịch Ban thường vụ VTRIF Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Ở trong nước, các giải triathlon ngày càng được tổ chức nhiều hơn, trong đó nổi tiếng nhất là giải Ironman 70.3. Giải được tổ chức hàng năm kể từ 2015 đến nay. Năm đầu tiên, Ironman chỉ có 20 VĐV Việt Nam tham dự, nhưng năm ngoái, con số này đã tăng lên 1.200 VĐV. Theo ông Tuấn, bên cạnh việc thu hút nhiều VĐV, triathlon Việt Nam cũng cần tổ chức các cự ly theo tiêu chuẩn Asiad hoặc Olympic, chứ không nên chú trọng cự ly 70.3 như hiện nay.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm