La Liga

Perez dạy Laporta thế nào là kinh doanh có lãi?

Perez dạy Laporta thế nào là kinh doanh có lãi?

Sau hơn 2 năm, Laporta vẫn là gã "trẻ trâu" ngày trước với những kế hoạch kinh doanh như phim viễn tưởng, đối diện với cơ ngơi hoành tráng dựa trên tính toán khoa học của "bố già" Perez.

Florentino Perez điều hành Real Madrid giống hệt một công ty, cứ có lợi là làm. Mục tiêu chính của Perez là mang lại lợi nhuận mỗi năm, làm hài lòng các cổ đông, gia tăng sự giàu có của thương hiệu Real Madrid. Năm ngoái, Real của Perez làm ăn có lãi với lợi nhuận 13 triệu euro. Đừng nghĩ con số này nhỏ, bởi phần lớn các đại gia khác tại châu Âu đều thua lỗ từ hệ lụy vẫn chưa thể khắc phục hoàn toàn của đại dịch Covid-19. 

Mùa này, Real tính toán sẽ có doanh thu 769 triệu euro nếu đội bóng vào tới ít nhất tứ kết Champions League. Và với việc thầy trò Carlo Ancelotti vào tới tận bán kết như hiện tại, doanh thu sẽ vượt mốc 800 triệu euro, đem lại lợi nhuận từ 15-35 triệu euro. Nếu Los Blancos bảo vệ thành công chức vô địch châu Âu thì chẳng cần tới La Liga, đây vẫn là một mùa giải đại thành công trên cả phương diện chuyên môn lẫn kinh doanh.

Laporta chưa phải là đối thủ của Perez trên thương trường

Nhưng tầm nhìn siêu việt của Perez đâu chỉ gói gọn trong mùa này. Đội bóng đã duyệt chi ngân sách 800 triệu euro nhằm cải tạo sân Bernabeu. Trong đó, riêng khoản tiền để làm hầm chứa cỏ đã tiêu tốn tới 225 triệu. Mục đích của Real là khi hoàn thành sân mới, họ có thể tận dụng Bernabeu toàn phần để kinh doanh hàng ngày. Doanh thu ước tính mà sân Bernabeu mới mang lại có thể lên tới 400 triệu euro/năm, chưa kể những hoạt động bóng đá.

Vậy Real lấy đâu ra số tiền lớn như vậy? Đương nhiên là đi vay. Ai kinh doanh cũng phải vay. Nhưng cái tài của Perez là ông biết rõ vay ai và sẽ trả như thế nào. Real vay 360 triệu euro từ tập đoàn Legends, đổi lại doanh nghiệp tới từ Mỹ này được phép hưởng 30% doanh thu từ các cửa hàng của sân Bernabeu mới trong 25 năm.

Chưa hết, 800 triệu euro mà Real vay sẽ được trả trong 30 năm. Khoản vay ban đầu 575 triệu euro sẽ có lãi suất 2,5%/năm, với mức đóng cố định hàng năm là 29,5 triệu từ 2023 tới 2049. Phần còn lại 225 triệu euro sẽ có lãi suất thấp hơn, chỉ 1,53%/năm, với mức đóng cố định 7 triệu euro trong 27 năm tới tận 2050.

Theo cách này, mỗi năm Real sẽ chỉ phải đóng 36,5 triệu euro, một con số chấp nhận được trong bối cảnh doanh thu hàng năm xấp xỉ 800 triệu euro. Con số này sẽ còn tăng hơn nữa khi sân mới được khánh thành và mức doanh thu dự kiến 400 triệu euro từ sân nhà có thể đạt tới sau vài năm đưa vào hoạt động.

Ở chiều ngược lại, những con số mà Laporta công khai trên truyền thông chỉ “vẽ” cho những người mơ mộng một bức tranh phi thực tế. Chủ tịch của Barca tuyên bố, trên con đường dần trở thành công ty trách nhiệm hữu hạn, Barca có thể đạt doanh thủ kỷ lục 1,25 tỷ euro. Tuy nhiên, thực tế thì doanh thu của đội bóng chưa bao giờ vượt quá 855 triệu euro.

Mức trần lương của Barca hiện tại là -144 triệu euro, con số âm duy nhất tại La Liga. Tổng quỹ lương của họ là 518 triệu euro và theo chia sẻ mới nhất của Laporta, nó có thể tăng lên thành 656 triệu. Trong khi đó, La Liga tuyên bố tới tháng 6, đội chủ sân Camp Nou bắt buộc phải giảm 290 triệu euro tiền lương nếu không muốn nhận thêm các án phạt, có thể là cấm chuyển nhượng. Tình hình tài chính của Barca thực sự nguy cấp, chứ không “màu hồng” như Laporta tô vẽ.

Barca bị phạt vì gian lận kê khai
Cơ quan thuế Tây Ban Nha đã xử phạt mạnh tay với Barcelona, sau khi phát hiện đội bóng này kê khai không chính xác khoản tiền bồi thường cho Alex Song (3,5 triệu euro) và Arda Turan (1,3 triệu). Số tiền mà Barca phải nộp phạt lên tới 15,7 triệu euro.

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm