Trong nước

Luật sư: "Yêu cầu khởi kiện của HAGL không có căn cứ"

"Các đội tham gia V-League phải tuân thủ quy định của ban tổ chức, nhập gia tuỳ tục", luật sư Vũ Tiến Vinh - Giám đốc Công ty luật Bảo An - nói với VnExpress ngày 8/2. "HAGL đã biểu quyết thông qua điều lệ giải nên phải chấp nhận. Vì thế, yêu cầu khởi kiện của HAGL không có căn cứ".

HAGL đã nộp đơn kiện VPF lên Toà án Nhân dân quận Nam Từ Liêm hôm qua, không có mục đích đòi bồi thường mà chỉ muốn phán xử đúng sai. Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức muốn "đòi lại chữ 'nước tăng lực' cho nhãn hàng của đội bóng", đồng thời thông qua vụ này buộc VPF sửa đổi điều lệ, tạo điều kiện cho các CLB được khai thác nguồn kinh phí duy trì hoạt động của đội bóng.

"Toà án đã nhận đơn của HAGL, chưa xác định liệu họ có thụ lý hay không", luật sư Vinh nói thêm. "Nếu có, họ sẽ thông báo, còn không sẽ trả lại đơn hoặc yêu cầu bổ sung tài liệu. Sau khi thụ lý, toà cũng sẽ xem xét liệu yêu cầu khởi kiện của HAGL có căn cứ hay không. Nếu không, họ sẽ xử bác đơn".

Bầu Đức bắt tay HLV Kiatisuk trước trận vòng 1 V-League 2023 giữa HAGL và Hà Tĩnh trên sân Pleiku, Gia Lai hôm 4/2. Ảnh: Đức Đồng

Bầu Đức bắt tay HLV Kiatisuk trước trận đấu ở vòng 1 V-League 2023 giữa HAGL và Hà Tĩnh trên sân Pleiku, Gia Lai hôm 4/2. Ảnh: Đức Đồng

Chuyện manh nha từ khi HAGL ký hợp đồng với một nhãn hàng nước tăng lực Thái Lan có thị phần lớn nhất thế giới năm 2020, để nhận tài trợ đội bóng dự V-League 2021 và 2022. Đến đầu mùa 2022, V-League có nhà tài trợ mới là một nhãn hàng nước tăng lực Việt Nam. Điều lệ V-League 2022 đăng trên trang chủ VFF ngày 11/2/2022 quy định "Các đội không được khai thác tài trợ với các nhãn hàng và ngành hàng cạnh tranh với nhà tài trợ chính là nước tăng lực, kể từ ngày ban hành điều lệ giải". Nhưng khi đó, VPF và HAGL chưa có tranh chấp.

VPF đã thông báo về ngành hàng độc quyền nước tăng lực của nhà tài trợ chính V-League 2023 tại Hội thảo bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam hôm 26/12/2022, có sự tham dự của HAGL và họ không phản đối. Hôm 17/1/2023, trang chủ VFF đăng điều lệ V-League 2023, do họ phê duyệt trước đó bốn ngày. Điểm khác biệt so với điều lệ năm 2022 là mùa này ban tổ chức bổ sung câu "ngành hàng độc quyền là nước tăng lực", ở khoản 3, điều I chương 1, về tên nhà tài trợ.

Hôm 14/1, trang chủ HAGL thông báo chia tay nhà tài trợ giai đoạn 2021-2022, sau đó một ngày công bố ký hợp đồng với một nhà tài trợ mới cũng là một nhãn hàng nước tăng lực đến từ Thái Lan, giai đoạn 2023-2024. Vì thế, VPF cho rằng HAGL đã phạm quy, đề nghị đội bỏ tên nhãn hàng nước tăng lực.

Đáp lại, đội bóng của bầu Đức tuyên bố có thể phải bỏ giải vì thiếu kinh phí. Ít ngày trước giải, HAGL nhượng bộ và bỏ ngành hàng nước tăng lực khỏi vị trí quảng cáo, xác nhận vẫn dự V-League 2023, nhưng kiến nghị VPF sửa điều lệ. Đến 4/2, họ hoàn tất đơn kiện để gửi lên toà án.

Bầu Đức cho rằng hôm 4/1/2023, VFF ban hành Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp do Chủ tịch Trần Quốc Tuấn ký không có nội dung độc quyền, nhưng một ngày sau VPF ra điều lệ giải đấu lại có điều khoản về độc quyền ngành hàng tài trợ. Về ý này, luật sư Vinh cho rằng quan trọng là các đội đã đồng ý với điều lệ giải. Vấn đề là liệu VPF có thay đổi điều lệ giải so với lúc HAGL thông qua hay không. Nếu không, đội bóng này phải chấp nhận.

Ông chủ HAGL cũng nói rằng điều lệ giải của VPF vi phạm luật cạnh tranh. Để giải thích cho quyết định này, bầu Đức viện dẫn Luật Cạnh tranh doanh nghiệp được Quốc hội thông qua và ban hành năm 2018, trong đó có quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, luật sư Vinh cho rằng dẫn chiếu Luật Cạnh tranh trong trường hợp này là không đúng. Ông nói: "Vấn đề này không liên quan đến Luật Cạnh tranh. VPF tổ chức giải, nên nhận đối tác nào là quyền của họ. Các cổ đông đã thông qua điều lệ, nên phải thực hiện theo. Giống như các đài truyền hình, ai thuê họ quảng cáo thì họ làm, không vi phạm luật cạnh tranh".

Án phí cho một vụ tranh chấp kinh doanh thương mại không có giá ngạch (không đòi bồi thường) là 3 triệu đồng. Bên nào thua sẽ phải trả án phí

Trong cơ cấu sở hữu VPF, VFF là cổ đông lớn nhất nắm giữ 35,4% vốn điều lệ (tỷ lệ có quyền phủ quyết). Các đội V-League đóng góp 54,6% vốn điều lệ, và các đội Giải hạng Nhất (V-League 2) sở hữu 10% còn lại.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm