Đua xe

Loạt tay đua kêu khổ vì lịch đua đêm ở Las Vegas

Cuộc đua chính thức của Grand Prix Las Vegas diễn ra vào tối thứ Bảy 18/11 lúc 22h00 theo giờ địa phương. Nhưng các buổi đua thử cùng vòng phân hạng đều diễn ra vào lúc nửa đêm.

Lịch trình này gây ra tình trạng thiếu mủ và mệt mỏi vào ban ngày cho những người tham gia, vì các nhân viên hậu cần lẫn các tay đua phải chịu đựng hậu quả từ tình trạng lệch múi giờ khi di chuyển về khu vực múi giờ bờ Tây nước Mỹ tại Las Vegas. Mọi việc càng tệ hại thêm với sự cố nắp hố van tại buổi chạy thử đầu, khiến các tay đua phải chạy thử 90 phút từ 2h30 đến 4h00 rạng sáng thứ Sáu.

Các nhân viên hậu cần thay lốp cho Hamilton trên đường đua Las Vegas tối 19/11. Ảnh: F1

Các nhân viên hậu cần thay lốp cho Hamilton trên đường đua Las Vegas tối 18/11. Ảnh: F1

Giám đốc Điều hành Red Bull, Christian Horner tỏ ý thông cảm khi cho rằng những vấn đề nảy sinh khi mới tổ chức chặng đua lần đầu là điều dễ hiểu. Nhưng ông đồng thời cảnh báo rằng hậu quả dành cho các đội đua là rất đáng lo ngại. Horner nói: "Tôi cảm nhận rằng mọi người đều rời Las Vegas với ít nhiều mệt mỏi, sau những ngày cuối tuần vất vả. Có nhiều việc phải xem xét. Tôi nghĩ rằng một trong những điều chúng ta phải xem xét lại là lịch thi đấu, nó quá khắc nghiệt với các nhân sự của đội đua".

Theo người đứng đầu đội đua Áo, các nhà tổ chức nên xem xét để chặng diễn ra sớm hơn một chút vì sẽ không có thời điểm thi đấu nào khiến tất cả khán giả truyền hình hoàn toàn đều hài lòng. "Nếu bắt đầu vào lúc 20h, mọi thứ rất tiện lợi cho khán giả địa phương lẫn nhân viên của các đội đua", Horner gợi ý.

Thành viên Alfa Romeo Zhou Guanyou muốn các nhà tổ chức hạn chế những sự kiện bên lề. Tay đua người Trung Quốc tiết lộ anh và các thành viên còn lại của đội đều không được ngủ đủ giấc trong những ngày ở Las Vegas. "Đây là cuộc đua đầu tiên ở Vegas. Tôi nghĩ năm tới họ có thể giảm bớt các sự kiện bên lề vào hôm thứ Năm để chúng tôi có thể có thêm thời gian trao đổi với các kỹ sư, việc đua xe cần được ưu tiên nhiều hơn những thứ khác", Zhou nói.

Nổi tiếng ham vui và cũng lên tiếng ủng hộ chặng đua trước cuộc đua chính, nhưng Daniel Ricciardo cũng phải thừa nhận việc chạy thử quá muộn ngày thứ Năm khiến tất cả mệt mỏi. Tay đua của AlphaTauri cho biết: "Sau ngày thứ Năm với buổi chạy thử vào lúc rạng sáng, tôi cảm thấy như mình và mọi người như bị mộng du. Kể từ đó, tôi có cảm giác giống như bị một cơn lốc cuốn đi vậy".

Việc chặng đua chính của Las Vegas kết thúc muộn cũng khiến đội ngũ hậu cần và các tay đua thêm mệt mỏi. Vì ngay sau khi hạ màn, họ phải lao vào đóng gói thiết bị, chuyển đi cho chặng đua tuần kế tiếp tại Abu Dhabi - nơi lệch tới 12 múi giờ so với Las Vegas. Thời gian giữa hai chặng đua để đội ngũ hậu cần chuẩn bị cho buổi chạy thử đầu tiên tại Grand Prix Abu Dhabi là tầm ba ngày.

Verstappen thừa nhận mọi thứ quá gấp gáp và khắc nghiệt cho chặng đua cuối tuần này. "Giữa hai chặng đua có chênh lệch múi giờ quá lớn, lại diễn ra vào lúc cuối mùa giải khi ai cũng đã mệt mỏi. Tôi nghĩ mọi việc trở nên khó khăn cho tất cả vì chúng tôi không có thời gian nghỉ ngơi. Các nhà tổ chức cần sắp xếp lịch thi đấu hợp lý hơn", nhà ĐKVĐ F1 nói.

Verstappen giữa trao đổi với tay đua Ferrari Charles Leclerc (trái) và tay đua Red Bull Sergio Perez (phải) sau cuộc đua chính Grand Prix Las Vegas. Ảnh: AFP

Verstappen giữa trao đổi với tay đua Ferrari Charles Leclerc (trái) và tay đua Red Bull Sergio Perez (phải) sau cuộc đua chính Grand Prix Las Vegas. Ảnh: AFP

Nhưng mong muốn của các tay đua - đội đua kể trên nhiều khả năng chưa được đáp ứng, vì lịch mùa 2024 thậm chí còn khắc nghiệt hơn. Las Vegas sẽ mở đầu cho chuỗi ba chặng đua liên tiếp sát nhau vào cuối mùa. Kết thúc chặng đua tại Las Vegas, các tay đua sẽ di chuyển sang Losail đua chặng Qatar, rồi lại sang Abu Dhabi đua chặng chốt mùa. Một số tay đua đã sớm phàn nàn khi biết lịch thi đấu mùa giải mới.

Ricciardo bất ngờ khi biết lịch mùa 2024, với Las Vegas tiếp tục được tổ chức sát các chặng đua ở Trung Đông. "Cái gì cơ? Sao lại thế được? Tôi sẽ không bao giờ ủng hộ lịch đấu kiểu đó. Đua như vậy, chúng tôi sẽ bị kiệt sức nhất là về cuối mùa, vì chúng tôi sẽ bị sập nguồn", tay đua người Australia nói.

Chủ tịch đội đua Ferrari, Fredrick Vasse thừa nhận việc thay đổi lịch thi đấu là rất khó khăn. Ông nói: "Để thay đổi thời gian tổ chức Grand Prix Las Vegas, bạn phải tìm thời gian phù hợp cho khán giả cả tại Châu Á, Châu Âu lẫn Bờ Đông và Bờ Tây nước Mỹ. Trước đây, chúng tôi không gặp vấn đề gì nhiều vì F1 được coi là môn thể thao chỉ dành cho khán giả châu Âu. Lúc đó, tất cả phải theo thời gian của châu Âu và mọi thứ vẫn ổn. Nhưng F1 giờ là môn thể thao toàn cầu và rất khó để tìm được một lịch thi đấu phù hợp cho cả 24 múi giờ".

Ngoài việc than phiền khung thời gian thi đấu lúc nửa đêm khiến mọi người quá mệt mỏi, các tay đua còn bực bội vì tại thời điểm thi đấu thời tiết quá lạnh để làm nóng lốp. Cái lạnh này dễ gây ra tình trạng mất an toàn, nhất là khi có xe an toàn xuất hiện ở đầu chặng đua.

Trên đường đua Las Vegas ngày 18/11, xe an toàn được triển khai lần đầu sau với vụ tai nạn của Lando Norris ở vòng 2. Tay đua của đội McLaren mất lái tại góc cua số 11 rồi va thẳng vào hàng rào chắn. Khi dẫn đoàn xe qua hiện trường vụ tai nạn, tốc độ của xe an toàn là rất thấp. Cộng thêm nhiệt độ mặt đường tại Las Vegas xuống thấp và đường đua thiếu độ bám do cuộc đua mới bắt đầu, nhiệt độ của lốp giảm xuống nhanh chóng.

Nhiều tay đua phàn nàn rằng nhiệt độ lốp xe của họ đã xuống thấp tới mức thấp nhất mà họ trải nghiệm tại Las Vegas. Tay đua Mercedes George Russell kể: "Việc chạy sau xe an toàn thực sự nguy hiểm. Lốp xe rất cứng và nhiệt độ lốp còn thấp hơn cả khi phải đua xe dưới trời mưa, lạnh hơn những gì bạn trải qua khi trời mưa. Điều này đã được chúng tôi cảnh báo từ sớm".

Carlos Sainz thì ví von "như đang lái xe trên băng" lúc chạy qua Turn 1 khi xe an toàn rời đi và cuộc đua xuất phát lại. Tay đua của Ferrari nói: "Tôi nghĩ chúng ta cần tìm ra giải pháp để xe an toàn chạy nhanh hơn một chút trong những tình huống như thế này. Rất khó để giải thích cảm giác kiểu như chạy với tốc độ 340 km/h mà bạn biết rằng khi đạp phanh, xe sẽ không dừng lại. Lúc đó, mọi thứ rất khó khăn".

Xe an toàn xuất hiện ở đầu chặng đua bị chê là chạy quá chậm, ảnh hưởng đến quá trình làm nóng lốp của các tay đua. Ảnh: AFP

Xe an toàn xuất hiện ở đầu chặng đua bị chê là chạy quá chậm, ảnh hưởng đến quá trình làm nóng lốp của các tay đua. Ảnh: AFP

Verstappen cũng không hài lòng khi trao đổi với đội nhà qua radio. Anh nói: "Xe an toàn chạy quá chậm ở đoạn đường thẳng dài. Tôi hiểu xe an toàn chạy qua điểm xảy ra tai nạn mới có thể tăng tốc nhưng họ vẫn cần chạy ở tốc độ cao hơn một chút". Tay đua của Ferrari Leclerc thì thúc giục quá sóng radio: "Tăng tốc lên đi xe an toàn. Họ cần phải chạy hết ga ở đoạn đường thẳng. Chậm thế này thì khi khởi động lại sẽ rất nguy hiểm."

Một số tay đua thậm chí còn báo với đội nhà rằng hãy yêu cầu xe an toàn chạy với tốc độ cao hơn. Tay đua của Alpine Pierre Gasly nổi cáu qua sóng radio khi trao đổi với đội nhà: "Sẽ rất hỗn loạn nếu xe an toàn vẫn giữ nguyên dải tốc độ như thế này". Tay đua người Pháp cho rằng dù không có sự cố nào đáng tiếc xảy ra, các cuộc đua F1 không nên tổ chức vào nửa đêm khi thời tiết quá lạnh. "Mọi thứ diễn ra không hoàn hảo với nhiệt độ như thế này. Tôi nghĩ các nhà tổ chức cần rút kinh nghiệm sau chặng đua năm nay. Các cuộc đua F1 cần thêm chút ánh mặt trời để cuộc đua bớt tệ hơn", Gasly nói sau chặng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm