Các môn khác

Lâm Quang Nhật: "Runner có lợi thế lớn khi chuyển sang triathlon"

- Hôm 23/4, Liên đoàn Triathlon Việt Nam (VTRIF) được thành lập. Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào với các VĐV đang tập luyện môn này như Lâm Quang Nhật?

- Đầu tiên, có một tổ chức được công nhận về mặt pháp lý là một lợi thế cực kỳ lớn để phát triển bộ môn theo hướng chuyên nghiệp, quy củ hơn. Tôi đánh giá VTRIF sở hữu ban lãnh đạo có chuyên môn, kiến thức và kinh nghiệm trong bộ môn, những người có thể tư vấn, hỗ trợ để nâng cao chất lượng các giải triathlon phong trào. Đồng thời, VTRIF sẽ là đơn vị chủ chốt hỗ trợ VĐV như tôi trong tập luyện và thi đấu.

Cụ thể hơn, VTRIF là thành viên của Liên Đoàn Triathlon thế giới World Triathlon (WT). Hằng năm, WT tổ chức nhiều giải triathlon ở các khu vực, ví dụ hệ thống giải châu Á Asia Triathlon Cup. Tùy vào quốc gia đăng cai và nguồn kinh phí, WT sẽ gửi thư mời, dành suất tham gia thi đấu cho VĐV chuyên nghiệp đến từ các quốc gia thành viên. Nhờ đó, các VĐV chuyên nghiệp như tôi sẽ có cơ hội thi đấu cọ xát ở các giải quốc tế với các đối thủ mạnh hơn.

Trên phương diện tập luyện, thông qua tư cách pháp nhân của VTRIF, VĐV sẽ dễ liên hệ với các HLV trên thế giới hay tham gia các khóa tập huấn quốc tế, nhờ đó được tiếp cận với nguồn kiến thức mới.

Lâm Quang Nhật tập luyện phần đạp xe trong môn triathlon. Ảnh: NVCC

Lâm Quang Nhật tập luyện phần đạp xe trong môn triathlon. Ảnh: NVCC

- Để chơi triathlon chuyên nghiệp ở Việt Nam, một VĐV phải chi trả khoản kinh phí khoảng bao nhiêu?

- Triathlon (Bơi-Đạp-Chạy) là tên gọi chung của bộ môn. Tại Việt Nam, bộ môn này còn bao gồm aquathlon (Bơi-Chạy) và duathlon (Chạy-Đạp-Chạy). Tôi chỉ chia sẻ về triathlon (Bơi-Đạp-Chạy), do đang theo đuổi môn này. Triathlon có thêm phần xe đạp và tính chất nặng về chiến thuật, các khoản chi phí tốn kém nhất có thể kể đến là xe đạp road (giá khoảng 170 triệu đồng), bảo dưỡng xe đạp hằng tháng (khoảng 2 đến 5 triệu đồng mỗi tháng), dinh dưỡng trong thi đấu và tập luyện (khoảng 500.000 đồng đến 2 triệu đồng mỗi tháng), điều chỉnh tư thế đạp bike fit (khoảng 9 triệu đồng nếu mua trọn gói hoặc 1 đến 2 triệu mỗi lần), Massage và điều trị thể thao (khoảng 300 đến 500 nghìn đồng mỗi tháng), phí vé hồ bơi (khoảng 300 nghìn đồng mỗi tháng), phí trang phục thi đấu (khoảng 1 đến 5 triệu một bộ đồ trisuit thi đấu). Đây là loại trang phục chuyên dụng sẽ dãn theo thời gian nên thường sau 3 đến 4 giải là phải đổi một bộ. Phí trang phục tập luyện xe đạp (khoảng 1 đến 3 triệu một bộ đồ đạp xe). Đồ đạp xe khác với đồ thi đấu vì là áo jersey và quần bỉm dày hơn, còn đồ trisuit là áo liền quần. Phí giày tập và giày thi đấu (khoảng 3 đến 5 triệu một đôi). Khoảng 2 đến 3 tháng, tôi sẽ thay đôi mới vì tập nhiều.

- Chi phí nhiều như vậy thì liệu triathlon có tiềm năng để trở thành một môn thể thao xã hội hóa như tham vọng của VTRIF?

- Liên Đoàn Triathlon của một quốc gia chắc chắn phải lo cho rất nhiều VĐV. Cấp cho mỗi người một chiếc xe đạp thôi đã là rất khó rồi. Tôi biết một số đội triathlon ở các tỉnh còn phải luân phiên sử dụng lại xe đạp, vì số lượng VĐV nhiều hơn số lượng xe mà đội có.

Tôi rất may mắn là một trong số các VĐV triathlon nhận được tài trợ cá nhân nhờ nguồn lực xã hội hóa. Bản thân tôi cũng mở lớp dạy bơi riêng để kiếm thêm thu nhập, nhờ đó, có kinh phí để theo đuổi bộ môn này. Theo đánh giá chủ quan của tôi, những năm đầu sau khi thành lập, VTRIF khó có thể bao quát, chăm lo cho mọi VĐV đủ tốt.

Với những môn thi đấu ngắn như Aquathlon (khoảng 20 phút) thì khối lượng tập luyện sẽ ít hơn, không cần đầu tư quá nhiều về dinh dưỡng, không cần những chi phí liên quan đến xe đạp. Có thể, Aquathlon sẽ phát triển mạnh hơn trong thời gian đầu. Tôi rất trân trọng nỗ lực định hướng phát triển nhờ nguồn lực xã hội hóa của VTRIF, và tin rằng triathlon Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai.

Quang Nhật tập luyện ở một bể bơi tại TP HCM. Ảnh: NVCC

Quang Nhật tập luyện ở một bể bơi tại TP HCM. Ảnh: NVCC

- Triathlon Việt Nam có tiềm năng thế nào so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á?

- Tôi nghĩ triathlon Việt Nam khá non trẻ so với lịch sử hàng chục năm phát triển của bộ môn này ở Philippines. Ngoài ra, Indonesia, Singapore hay Thái Lan cũng đầu tư nhiều cho triathlon. Tôi không có số liệu cụ thể về số lượng VĐV triathlon ở các quốc gia khác, nhưng may mắn từng được tập huấn với nhiều VĐV chuyên nghiệp ở các nước châu Á hay Châu Âu để có cái nhìn rộng hơn về môn này. Hầu hết các quốc gia đều bồi dưỡng VĐV triathlon theo kiểu "nuôi quân" từ nhỏ. Thái Lan là một ví dụ, họ có nhiều đội triathlon thiếu niên, tập môn này từ khi mười mấy tuổi. Singapore thì thường xuyên tài trợ cho VĐV triathlon đi thi đấu cọ xát trên khắp thế giới. Ở Việt Nam, số lượng VĐV triathlon còn hạn chế, chủ yếu vì chi phí cho môn này khá cao.

Về trình độ VĐV, những quốc gia có nhiều năm phát triển môn này như Philippines hay Indonesia sẽ vượt trội. Họ cũng rất chủ động gửi VĐV đi thi đấu quốc tế và lo toàn bộ chi phí. Khi đó, VĐV chỉ cần lo tập luyện để cải thiện thành tích.

Ở Việt Nam, VĐV sẽ gặp thử thách lớn hơn. Tôi xin lấy ví dụ trường hợp của tôi. Trong quá khứ, nếu có suất mời dự giải Asia Triathlon Cup, biết chắc mình không có cơ hội tranh chấp tiền thưởng, tôi phải cân đo từng khoản chi phí. Thường thì ban tổ chức chỉ đài thọ chi phí ăn ở. Những khoản còn lại như vé máy bay, chi phí vận chuyển xe đạp (hành lý quá khổ), chi tiêu trong ba ngày, có thể ngốn hết cả tháng lương của tôi. Hiện tại, Việt Nam cũng chưa có nhiều HLV triathlon có chuyên môn cao và trải nghiệm thi đấu thực tế ở cự ly ngắn. Tôi thường chủ động liên hệ HLV quốc tế để nâng cao trình độ.

Một trong những yếu tố quan trọng khác trong tập luyện thể thao là phải có đội, nhóm. Khi ấy, các VĐV sẽ cạnh tranh, thúc đẩy nhau phát triển. Điều này chưa có ở Việt Nam. VĐV như tôi muốn tìm hồ bơi để tập tốc độ hay đường đẹp để đạp xe ở TP HCM cũng khá vất vả. Vì những lý do trên, tôi thường sang Phuket, Thái Lan, để vừa có cơ hội tập huấn với HLV quốc tế, vừa có điều kiện tập luyện tốt. Để làm điều này, tôi phải nhờ đến kinh phí tài trợ của đội tuyển Triathlon TP HCM, bên cạnh một phần nhỏ chi phí tôi tự trang trải.

- Lâm Quang Nhật từng là VĐV bơi trước khi chuyển sang triathlon. Nhật thấy sao về triển vọng các VĐV từ các môn bơi, đạp xe hay chạy bộ chuyển sang thi đấu triathlon như bạn?

- Tôi nghĩ triathlon là một cánh cửa mới, một cơ hội thứ hai để các VĐV bơi, đạp, chạy tranh chấp huy chương nếu chuyển sang môn này. VĐV chuyên nghiệp thường có tuổi đời thi đấu rất ngắn, không như các công việc văn phòng có thể làm hàng chục năm. Vậy nên, càng có nhiều cơ hội để các bạn trẻ thử sức thì càng tốt.

Khi chuyển môn như vậy, VĐV sẽ phải làm quen với hai môn mới. Như tôi là VĐV bơi thì phải tập chạy bộ và đạp xe từ đầu, vì hai môn này sử dụng các nhóm cơ khác. Thời gian dành cho triathlon sẽ nhiều hơn vì phải tập ba môn thay vì một, chưa kể các bài brick phối hợp (đạp-chạy). Ngoài ra, VĐV sẽ phải điều chỉnh cơ thể để thích ứng. VĐV bơi freestyle như tôi sẽ có đặc điểm cơ thể khác với VĐV chạy. VĐV bơi sẽ có thân trên khỏe, cổ chân dẻo, nhưng VĐV chạy lại cần một đôi chân khỏe, thân trên nhỏ để chạy nhanh hơn.

Tại Việt Nam, tôi thấy phần lớn VĐV triathlon chuyển từ môn bơi sang. Tuy nhiên, dù xuất phát điểm là VĐV bơi, tôi không cho rằng việc giỏi môn này mang lại lợi thế lớn nhất trong triathlon. Bản thân tôi có một số thành tựu trong triathlon không phải chỉ nhờ bơi tốt, mà còn nhờ có một chút năng khiếu đạp xe. Chưa kể khi còn là VĐV bơi, tôi từng giành HC vàng SEA Games bơi đường dài và HC vàng lứa tuổi châu Á, chứ không phải một VĐV bơi bình thường.

Quang Nhật tham gia giải đấu Ironman tại Thái Lan vào năm 2023. Ảnh: NVCC

Quang Nhật tham gia giải đấu Ironman tại Thái Lan vào năm 2023. Ảnh: NVCC

- Theo Nhật, VĐV chuyên về bơi, đạp hay chạy sẽ có lợi thế lớn nhất khi chuyển sang thi đấu triathlon?

Quan điểm của tôi hơi ngược một chút so với số đông. Nhưng tôi nghĩ những VĐV chạy bộ giỏi mới thật sự có lợi thế lớn nhất khi chuyển sang triathlon. Vì khi chạy tốt thì cơ đùi, cơ chân của VĐV rất khỏe. Nhờ đó, khả năng đạp xe cũng sẽ tốt hơn. Trong nội dung sprint của triathlon chuyên nghiệp hiện tại, bơi chỉ chiếm 750m, còn lại là đạp 20km và chạy 5km. Trung bình, các VĐV bơi khoảng 12 phút là xong. Nhưng tổng thời gian thi đấu của cả ba môn lên tới hơn 60 phút, tức là bơi chiếm chưa tới 1/5 thời lượng thi đấu.

Thực tế, phần đạp xe chiếm một nửa thời gian thi đấu triathlon, nhiều hơn cả chạy bộ. Nhưng VĐV xe đạp có đặc thù thường tập theo đội, nhóm và nặng về chiến thuật. Nếu không có nền tảng cơ bản về bơi hay chạy bộ thì khi chuyển sang triathlon, họ sẽ gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, tôi nghĩ các VĐV chạy bộ chưa mặn mà chuyển sang triathlon, phần lớn do chạy bộ vẫn đang là một bộ môn hấp dẫn với cộng đồng lớn, nhiều giải chạy phong trào và nhiều cơ hội để các bạn tỏa sáng. Một lý do quan trọng khác là học bơi để thi triathlon không đơn giản. Học bơi thông thường, VĐV sẽ bung 100% sức ở dưới nước nhưng học bơi để thi triathlon thì phải tính toán, vừa làm sao tốn ít sức dưới nước, vừa phải bơi đủ nhanh để sau đó lên bờ còn đạp và chạy tiếp nữa. Học bơi với người trưởng thành cũng khó hơn nhiều so với khi còn nhỏ. Nên một VĐV chạy hay đạp xe chinh phục được môn bơi là điều rất đáng nể.

Lâm Quang Nhật sinh năm 1997 tại TP HCM. Anh từng là thành viên của đội tuyển bơi lội quốc gia và giành HC vàng bơi tự do 1500m ở SEA Games 27 (Myanmar) và 28 (Singapore). Năm 2017, Quang Nhật giành HC vàng và phá kỷ lục nhóm tuổi bơi tự do 1500m châu Á.

Sau năm 2017, Quang Nhật chuyển sang tập luyện và thi đấu triathlon. Anh vô địch ngay giải đầu tiên tham dự - Sunset Bay Triathlon 2019. VĐV 26 tuổi sau đó khẳng định vị thế số một quốc gia ở môn triathlon với ba chức vô địch Trifactor Vietnam liên tiếp.

Tại SEA Games 30 ở Philippines vào năm 2019, Lâm Quang Nhật lần đầu đại diện Việt Nam thi đấu ba môn phối hợp cá nhân nam. Sau đó, anh tiếp tục tham gia nội dung này ở SEA Games 31 và 32 nhưng chưa thể giành huy chương.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm