Mít ướt và tự lập năm 12 tuổi vì yêu bóng đá
“Giống như cái tên của tôi, bóng đá đến một cách tình cờ như một sự sắp đặt trước của số phận. Trước khi nghiêm túc với bóng đá năm 12 tuổi, môn thể thao vua trong suy nghĩ của tôi là những trận đấu tại V.League, Ngoại hạng Anh… Đại loại là xem các anh thi đấu. Tôi không hề biết ở Việt Nam có sự tồn tại của bóng đá nữ. Nhưng qua một tin tức trên thời sự, tôi biết quê nhà Hà Nam có một CLB nữ rất mạnh. Đó là, Phong Phú Hà Nam”, hậu vệ Trần Thị Duyên tâm sự trên VFF Channel. “Thâm tâm tôi muốn được thử sức mình ở CLB đó”.
Trần Thị Duyên chia sẻ: “Gia đình tôi có 5 anh chị em. Tôi là con út. Vậy nên bố mẹ cũng chiều và ngược lại, tôi cũng hay nũng nịu. Tôi không biết đã bao lần khóc để đòi đồ chơi hay búp bê. Vậy nên khi thuyết phục bố mẹ cho mình thử sức với bóng đá, tôi cũng… mít ướt để được chiều lòng”. “Tôi thừa nhận lực học của mình không quá tốt. Tôi chỉ học khá môn Toán và ngược lại rất tệ môn tiếng Anh. Chắc vì thế mà tôi chưa có… anh nào theo cả”, Trần Thị Duyên hóm hỉnh tâm sự.
“Tôi quyết định thử vận may với bóng đá. Bố mẹ ban đầu cũng không đồng ý vì lo con gái khổ cực với môn thể thao khắc nghiệt với nhan sắc. Nhưng thấy tôi quyết tâm và đam mê, cộng thêm một chút ngón mít ướt, bố mẹ cũng ngậm ngùi cho tôi đi. Tôi biết mẹ đã khóc và lo cho mình rất nhiều. Nên khi lên đội, dù nhớ nhà lắm nhưng tôi vẫn nén nhịn. Tôi biết một khi mình đã quyết định thì sẽ không để bố mẹ lo. Lúc trúng tuyển vào Phong Phú Hà Nam, tôi rất vui. Tôi háo hức được ở cùng các bạn cùng lứa và tò mò xem rằng cuộc sống ở môi trường tập thể diễn ra như thế nào”, Trần Thị Duyên nói.
“Ban đầu tôi cũng thấy vui. Nhưng sau một thời gian, tôi cũng bắt đầu lo lắng khi mình chưa thể tự lập. Lúc đấy tôi mới chỉ 12-13 tuổi, chưa trưởng thành nữa. Cũng may các cô ở đội đã giúp đỡ, quan tâm, lo lắng nên chúng tôi cũng vượt qua được”, nữ hậu vệ sinh năm 2000 tâm sự. “Rồi thì con gái mà, tôi cũng nhận ra sự đổi thay trong bản thân mình khi lớn lên. Tôi thường gọi điện trò chuyện với mẹ. Các cô ở đội cũng giúp đỡ trong những ngày con gái của tôi hay toàn thành viên trong đội. Thông thường, chúng tôi sẽ được nghỉ ngơi khi gặp việc đó. Đến bây giờ, mọi chuyện vẫn vậy. Thực ra, ngày con gái với mỗi cầu thủ lại khác nhau. Có người bị đau bụng, có người bình thường. Cũng có người lại rất sung sức khi đến trận đấu. Ngoài ra, nếu bước vào một trận đấu quan trọng mà vô tình gặp sự cố, chúng tôi cũng có thể sử dụng thuốc giảm đau”.
Cú sốc đứt dây chằng năm 19 tuổi
Năm 2019, khi mới 19 tuổi, Trần Thị Duyên bị đứt dây chằng chéo trước. Chấn thương từng ám ảnh nhiều cầu thủ chuyên nghiệp cũng khiến cô gái sinh năm 2000 trải qua cú sốc lớn. “Đó là một kỷ niệm buồn và khó quên với tôi”, Trần Thị Duyên nói. “Trước đó, tôi bắt đầu lên thi đấu chuyên nghiệp năm 17 tuổi, tức là vào năm 2017. Lịch thi đấu 2019 với tôi là khá dày. Tôi vừa thi đấu cùng U19 nữ Việt Nam rồi tham dự giải VĐQG nữ cùng CLB Phong Phú Hà Nam. Có lẽ vì tôi bị quá tải nên dẫn đến việc khi mới ra sân 15 phút thì đã bị đứt dây chằng. Đó là tình huống đơn giản đến mức mà tôi không nghĩ mình có thể đứt dây chằng nữa. Tôi xoay người và tự dưng thấy đầu gối đau điếng. Tôi ngã xuống và bật khóc rất to trên sân. Sau khi bác sỹ hỗ trợ thì tôi còn vào sân. Nhưng chỉ vài chục giây, tôi biết mình không thể tiếp tục thi đấu được nữa”.
Trần Thị Duyên tâm sự: “Tôi đi chụp phim và bị xác định đứt dây chằng. Tôi không tin vào mắt mình. Toi còn gọi điện cho HLV của mình và muốn đi chụp lại lần nữa. Tôi cũng nhờ rất nhiều bác sỹ xem phim cho mình. Nói chung, tôi không tin vào sự thật lúc bấy giờ. Vào phòng phẫu thuật, tôi có nói chuyện với bác sỹ ròi thiếp đi lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy, chân phải tôi tê cứng, không cử động được. Lúc đấy, tôi biết mình đã phẫu thuật xong. Mẹ đến bên tôi, rưng rưng nước mắt rồi nhẹ nhàng nói: Con tỉnh chưa. Lúc bấy giớ, tôi cũng ứa nước mắt”.
Ca phẫu thuật dây chằng mới chỉ là khởi đầu. Quá trình hậu phẫu mới là thách thức lớn đối với bất cứ cầu thủ nào. “Bác sỹ chỉ đồng hành với mình ở ca mổ thôi. Còn trong những ngày tháng bình phục chấn thương, bản thân phải nỗ lực rất nhiều”, Trần Thị Duyên tâm sự. “Người bình thường đã vất vả sau hậu phẫu. Cầu thủ chúng tôi còn vất vả hơn. Chúng tôi cũng thiếu thốn nhiều điều kiện chăm sóc. Tôi tự động viên bản thân phải nỗ lực rồi hỏi han các chị có kinh nghiệm để tìm các bài tập hồi phục. Sau 6 tháng cứ một mình tập luyện như vậy, tôi được bác sỹ Choi Ju Young giúp đỡ. Nhờ đó, chân tôi khoẻ hơn và không còn bị nhát bóng. Nhưng thời điểm ấy, đã có lúc tôi nghĩ mình sẽ chia tay bóng đá và tìm một công việc khác phù hợp hơn”.
Hậu vệ quê Hà Nam thật thà tâm sự: “Tôi đã đi học một số nghề tay trái như làm spa, làm hướng dẫn trong phòng tập gym. Tôi thích làm đẹp, thích những nghề chăm chút cho bản thân. Và tôi trộm nghĩ, nếu không còn gắn bó với bóng đá, tôi sẽ theo đuổi những nghề này. Chỉ là mốc thời gian nào của cuộc đời mình mà thôi. Nhưng cái duyên bóng đá chưa cho tôi chia tay với môn thể thao này. Trong thời gian điều trị hồi phục, tôi được các bạn, các thầy cô động viên. Họ nói tôi còn trẻ, còn thời gian để phấn đấu, cống hiến. Vậy nên, tôi từng bước vượt qua để rồi trở lại thật sự với Phong Phú Hà Nam hay ĐTQG Việt Nam.
Không tin vào định mệnh như phim Hàn Quốc
2 năm trước khi gặp ám ảnh chấn thương dây chằng, ở tuổi 17, Trần Thị Duyên nổi lên như một trong những nữ cầu thủ xinh xắn và đáng yêu bậc nhất giải VĐQG nữ Việt Nam. Thông qua bài báo trên Bongdaplus và được truyền tải trên mạng xã hội, Trần Thị Duyên bỗng nhiên nổi tiếng với cả trăm nghìn lượt theo dõi trên facebook. “Thật vui khi tôi gặp lại anh, tác giả của bài báo đấy”, Trần Thị Duyên nở nụ cười với người phỏng vấn. “Khi tôi mở facebook lên, tôi giật mình khi nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người. Nhiều tin nhắn gửi đến tài khoản facebook của tôi lúc bấy giờ. Khi ấy, giải VĐQG nữ đang diễn ra. Sau trận đấu, một số bạn trẻ xin chụp hình với tôi. Nhưng khi ấy tôi mới 17 tuổi. Bản thân tôi cũng rất lo rằng khi nổi tiếng như vậy, liệu quyền riêng tư của mình có bị ảnh hưởng không?
Có người hỏi tôi lúc đấy nhỡ có người thầm thương trộm nhớ. Hay nhỡ một lúc nào đó, tôi vô tình bỏ qua tin nhắn của một nửa đời mình thì sao? Nhưng tôi không xem phim Hàn và cũng không chờ đợi vào định mệnh lãng mạn như những bộ phim ấy. Đến giờ thì tôi cũng vẫn chưa có bạn trai. Tôi muốn tập trung vào nghề cầu thủ. Còn chuyện xung quanh thì tôi chưa nghĩ tới”.
Nói về kiểu mẫu bạn trai đang kiếm tìm, Trần Thị Duyên nói: “5 năm trước, tôi mới 17 tuổi. Lúc đó tâm sự với bạn bè, tôi cũng có rất nhiều tiêu chí để chọn nửa kia của bản thân. Nhưng sau 5 năm, suy nghĩ của tôi cũng trưởng thành hơn, thay đổi nhiều hơn. Chỉ cần người đó biết yêu thương, quan tâm và trân trọng nghề nghiệp mà tôi theo đuổi. Đơn giản là vậy thôi”.
Duyên nhấn mạnh: “Giờ tôi muốn tập trung cho bóng đá. Tôi muốn cùng Phong Phú Hà Nam giành danh hiệu lớn tại giải nữ quốc gia. Tôi muốn có tên trên ĐTQG để được thi đấu ở SEA Games, giải Đông Nam Á hay vòng loại World Cup. Tôi muốn mình không phải nuối tiếc điều gì khi một ngày nào đó tạm biệt bóng đá”.