Trong nước

Đối thủ của nữ Việt Nam chật vật vì di chuyển xa

Tờ Volkskrant tính toán quãng đường từ trung tâm huấn luyện của Liên đoàn bóng đá Hà Lan (KNVB) đến Dunedin, nơi đội tuyển nước này đá trận ra quân gặp Bồ Đào Nha vào ngày 23/7 ít nhất là 18.729 km. Hà Lan cũng gặp Việt Nam trên sân Forsyth Barr ở thành phố này ở lượt cuối bảng E vào ngày 1/8. Nhưng trước đó, họ phải đến Wellington để đấu ĐKVĐ Mỹ ngày 27/7.

Tuyển Hà Lan ở sân bay Schiphol, trước khi bay đến Australia. Ảnh: ANP

Tuyển Hà Lan ở sân bay Schiphol, trước khi bay đến Australia. Ảnh: ANP

HLV Hà Lan Andries Jonker so sánh tham dự World Cup 2023 giống như một chuyến tàu ngầm, khi ban huấn luyện và cầu thủ phải đi nửa vòng trái đất để đến một nơi xa lạ với họ. Để nhanh chóng thích nghi, Jonker đã thiết lập kỷ luật thép, yêu cầu các cầu thủ không được rời khỏi đại bản doanh của đội và hoàn thành kế hoạch tập luyện khắc nghiệt.

Ngày 9/7, tuyển Hà Lan hạ cánh ở Sydney, Australia, sau khi bay nối chuyến từ Seoul, Hàn Quốc. Họ sẽ ở lại đây một tuần rồi mới sang New Zealand. Dù chuyến bay đến sớm, tuyển Hà Lan không nghỉ ngơi sau gần hai ngày di chuyển. Để thích nghi, họ lập tức ra sân tập bốn tiếng rồi mới về khách sạn.

Múi giờ ở Hà Lan trễ hơn Australia tám tiếng, thêm hai tiếng khi ở New Zealand. Cơ thể con người cần một ngày để thích ứng cho mỗi múi giờ cách biệt. Để đẩy nhanh quá trình này, tuyển Hà Lan tăng cường độ tập luyện - hai lần mỗi ngày. Sau buổi tập kín để chuẩn bị cho trận giao hữu gặp Hàn Quốc, các cầu thủ Hà Lan mới được phép xả trại để ra ngoài.

Tại Australia, Hà Lan sử dụng khu tổ hợp tập luyện của CLB Sydney FC. Nhưng theo HLV Jonker, mặt cỏ tại đây chẳng khác gì một lớp thảm. "Bóng có nảy không ư? Có. Nhưng chân chúng tôi như chạy trên mặt thảm vậy. Đây chắc chắn không phải mặt sân chúng tôi quen dùng, nên đội sẽ tìm xem có sân khác tốt hơn hay không", ông phàn nàn với ESPN.

Hà Lan lọt vào chung kết ở kỳ World Cup nữ gần nhất, trên đất Pháp năm 2019, và thua Mỹ 0-2 trong trận cầu này. Hai năm sau, Hà Lan tái ngộ Mỹ ở tứ kết Olympic Tokyo 2020 và lại thua ở loạt luân lưu. Hai đội bóng nhiều duyên nợ vào cùng bảng E tại World Cup 2023, cùng với Bồ Đào Nha và Việt Nam. Hà Lan từng thắng Bồ Đào Nha 3-2 ở Euro nữ năm ngoái. Chỉ có Việt Nam là đối thủ xa lạ, nên KNVB đã sắp xếp trận giao hữu giữa đội nhà với một đại diện châu Á khác - là nữ Hàn Quốc - để chuẩn bị đấu Việt Nam.

HLV tuyển Hà Lan Andries Jonker. Ảnh: Belga

HLV tuyển Hà Lan Andries Jonker. Ảnh: Belga

Tuyển Hà Lan sẽ đóng quân tại Tauranga, một hòn đảo phía Bắc New Zealand, từ ngày 18/7. Thời tiết ở đây ấm hơn Wellington và Dunedin - nơi tổ chức các trận đấu ở phía Nam và đang có tuyết rơi. Để đánh đổi cho điều này, tuyển Hà Lan phải di chuyển bằng máy bay để đá từng trận. Họ sẽ mất hai tiếng để đến Dunedin và hơn một tiếng để tới Wellington. Nếu vào vòng trong, Hà Lan sẽ phải tính toán cả các chuyến bay đến Australia.

"Mọi dụng cụ phục vụ đội bóng, vì thế, phải được vận chuyển gấp đôi", phát ngôn viên của KNVB Martine Braam nói. Hà Lan đã gửi đến New Zealand và Australia 16 kiện hàng cho mỗi quốc gia. Trong đó có dụng cụ nấu ăn, vật tư y tế, đồng phục (hai bộ mỗi trận)... và cả máy ép để in áo. Mỗi thứ có hai bộ, chia ra đặt tại New Zealand và Australia.

Tuyển Hà Lan đem theo 25 cầu thủ để chuẩn bị dự World Cup 2023. Hai trong số này sẽ bị loại khi HLV Jonker chốt danh sách. Đội ngũ đi theo hỗ trợ có 35 người. Chưa bao giờ KNVB cử đội ngũ hỗ trợ đông đến vậy cho một đội bóng. Vì lẽ đó, nhiều người trong số họ hy vọng World Cup 2027 sẽ tổ chức ở châu Âu để đỡ phải di chuyển và tốn nhân lực.

(theo Volkskrant)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm