Ngoại hạng Anh

Arab Saudi đang rót tiền để cứu vớt Chelsea?

Tiền vệ N'Golo Kante đã gia nhập Al Ittihad. Thủ môn Edouard Mendy, trung vệ Kalidou Koulibaly và tiền vệ Hakim Ziyech cũng đạt thỏa thuận gia nhập một CLB ở Saudi League. Tiền vệ Callum Hudson-Odoi, tiền đạo Pierre-Emerick Aubameyang và trung phong Romelu Lukaku cũng nhiều khả năng rời Chelsea để tới Arab Saudi. Dự kiến sẽ có bảy cầu thủ chuyển nhượng giữa Chelsea và Saudi League trong hè 2023, và điều này khó có thể là ngẫu nhiên.

Al Ittihad thông báo chiêu mộ NGolo Kante theo dạng tự do ngày 21/6/2023. Ảnh: AI

Al Ittihad thông báo chiêu mộ N'Golo Kante theo dạng tự do ngày 21/6/2023. Ảnh: AI

"Ngoại hạng Anh cần phải cấm các đội chuyển nhượng cầu thủ tới Arab Saudi để đảm bảo tính toàn vẹn của giải", cựu hậu vệ Gary Neville nói với BBC. "Họ cần kiểm tra các giao dịch có hợp lệ không, trước khi thông qua thương vụ. Nếu nhìn vào cơ cấu sở hữu Chelsea, tôi tin rằng các giao dịch nên dừng lại".

Chelsea đang bị tố lách luật Công bằng Tài chính, với những thương vụ nói trên. Trong mùa 2021-2022, họ có lợi nhuận âm 154 triệu USD. Còn ở mùa trước đó, đội bóng lỗ tới 195 triệu USD. CLB thành London có thể tiếp tục thua lỗ ở mùa 2022-2023, khi tình hình tài chính báo động.

Quỹ Đầu tư Công Arab Saudi (PIF) gần đây mua lại phần lớn cổ phần của bốn đội hàng đầu giải, gồm Al Ittihad, Al Nassr, Al Hilal và Al Ahli. Họ cũng đã đầu tư vào Quỹ Clearlake - chủ sở hữu chính của Chelsea. PIF cũng kết nối với tỷ phú Todd Boehly - đồng sở hữu Chelsea - để đầu tư vào một chuỗi khách sạn.

Chelsea đang gấp rút bán cầu thủ hưởng lương cao, thanh lọc đội hình sau một mùa giải họ đã chi tới 672 triệu USD chiêu mộ tân binh. Còn bên mua dường như có túi tiền không đáy, muốn thu hút những ngôi sao về Saudi League, đồng thời có quan hệ với bên bán. Họ dường như dùng tay này để rửa tay kia.

"Đây là một phần vấn đề với các quỹ đầu tư", chuyên gia tài chính thể thao Christina Philippou từ Đại học Portsmouth nói. "Xung đột lợi ích là vấn đề trong phần lớn ngành công nghiệp, vì thế các bên phải khai báo minh bạch thông tin sở hữu. Vì thế, các CLB bóng đá cũng cần tuyên bố danh sách chủ sở hữu để đưa thông tin vào Sách Trắng về bóng đá".

Theo cấu trúc đội bóng do Chelsea công bố, Boehly và các nhà đầu tư khác, cùng những lãnh đạo Clearlake như Behdad Eghbali và Jose Feliciano nằm trong danh sách cổ đông. Công ty sở hữu Chelsea có tên là Blues Partners Limited, liên doanh giữa Boehly và hai thành viên Clearlake. Clearlake góp 60% trong khoản tiền 3,2 tỷ USD mua lại Chelsea. Đến đây chưa có vấn đề gì.

Điều gây tranh cãi nằm ở chỗ Clearlake lấy tiền từ đâu để đầu tư.

PIF thành lập năm 1971, đã đầu tư vào những nguồn nguyên liệu hóa thạch ở Trung Đông. Năm 2014, chính phủ Saudi cho phép PIF đầu tư vào các công ty nước ngoài. Một năm sau, Hoàng tử Saudi Mohammed bin Salman (MBS), sau này trở thành Thái tử, được giao nhiệm vụ quản lý PIF. Quỹ này đóng vai trò quan trọng giúp MBS khẳng định vị thế, thông qua chính sách đa dạng hóa, hiện đại hóa kinh tế Saudi. Dưới trướng MBS, PIF phát triển mạnh về tầm vóc, và thể thao là một phần quan trọng của danh mục đầu tư. Ví dụ năm 2021, PIF mua lại 80% cổ phần của Newcastle.

Clearlake có trụ sở ở ngoại ô Los Angeles, được Eghbali, Feliciano và đối tác cũ Steven Chang sáng lập năm 2006, tập trung vào các danh mục như hàng hóa tiêu dùng, công nghệ và công nghiệp. Trong 10 năm qua, Clearlake trở thành quỹ đầu tư hiệu quả bậc nhất cho những công ty cỡ vừa tại Mỹ. Quỹ này mượn khoảng hai phần ba số tiền để mua lại các doanh nghiệp, lên chiến lược vận hành để phát triển rồi bán lại sau vài năm để lấy lãi. Chiến lược của Clearlake hiệu quả, khi họ đã đầu tư vào khoảng 450 doanh nghiệp trong 17 năm vận hành, hiện quản lý số tài sản lên tới 75 tỷ USD.

Tỷ phú Todd Boehly trong trận Chelsea gặp Wolverhampton trên sân Stamford Bridge, thành phố London, Anh ngày 7/5/2022. Ảnh: Reuters

Tỷ phú Todd Boehly trong trận Chelsea gặp Wolverhampton trên sân Stamford Bridge, thành phố London, Anh ngày 7/5/2022. Ảnh: Reuters

Khi Eghbali và Feliciano bán 20% cổ phần Clearlake cho ba quỹ đầu tư khác năm 2018, công ty của họ được định giá 4 tỷ USD. Nhưng nó đã phát triển nhanh kể từ đó. Các nhà đầu tư cho Clearlake gồm 300 cá nhân, tổ chức, ngân hàng, các công ty bảo hiểm hay quỹ đầu tư quốc gia từ 40 nước trên thế giới.

Theo Clearlake, không nhà đầu tư nào của họ cấp vốn quá 5% cho một dự án. Và trung bình một nhà đầu tư không được góp vốn quá 1% cho dự án. Điều này có nghĩa nếu đầu tư vào Chelsea, cổ phần của PIF ở đội bóng sẽ không quá 5%.

Gần như chắc chắn PIF đầu tư vào Clearlake. Nhưng liệu PIF có sẵn sàng trả Chelsea 100 triệu USD cho những cầu thủ chỉ đáng giá 50 triệu, để đội bóng lách luật không?

Theo một cố vấn bóng đá tên Jordan Gardner, Clearlake hoạt động hiệu quả đến nỗi bất cứ ai đầu tư vào họ đều hài lòng. Những quỹ lớn trên thế giới như Clearlake đều có những cổ đông chính là quỹ đầu tư công, từ Australia, đến Canada, UAE hay Arab Saudi, và các tỷ phú thuộc nhóm giàu nhất. "Vì thế PIF đầu tư vào Clearlake là bình thường và không có xung đột lợi ích nào", Gardner nhấn mạnh.

Giới học thuật cũng có quan điểm tương tự. Tiến sĩ, chuyên gia vùng Trung Đông Christopher Davidson cho rằng các cáo buộc không đúng với phương thức hoạt động của PIF. "Các quỹ đầu tư Công của Qatar có thiên hướng mạo hiểm hơn khi đổ tiền nhiều vào nhiều quỹ tư nhân của Mỹ. Còn PIF truyền thống và an toàn hơn khi tập trung vào những tập đoàn lớn của phương Tây hay bất động sản Anh", Davidson nói.

Philippou cho rằng vấn đề ở Chelsea hiện có thể gặp phải tại bất cứ đội bóng lớn nào. Bởi họ trả quá nhiều tiền cho cầu thủ, khiến những đội nhỏ hơn không thể mua hàng thanh lý từ đội mạnh. Nhưng Arab Saudi tuyên bố họ sẵn sàng tuyển mộ những ngôi sao, vì thế Chelsea không ngại đàm phán với họ.

Chelsea và Clearlake khẳng định PIF không liên quan gì đến đội bóng này. Theo quy định Ngoại hạng Anh, mọi giao dịch trên 1 triệu bảng (1,28 triệu USD) cần được ban tổ chức kiểm tra để đề phòng chúng vượt quá giá trị trường. Vì thế ban tổ chức có quyền ngăn cản thương vụ nếu họ chứng minh được giá chuyển nhượng cao vô lý.

Hiện vẫn chưa có lý do để kết luận liệu Chelsea có đang lách luật hay không. Nhưng dù thế nào đội bóng này cũng đã tìm được phao cứu sinh sau một mùa giải thảm họa từ trong đến ngoài sân cỏ.

(theo Athletic)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm