Ngoại hạng Anh

10 điểm nhấn ở Ngoại hạng Anh 2022-2023

10 điểm nhấn ở Ngoại hạng Anh 2022-2023

Xu hướng hậu vệ biên bó vào trung lộ, sự hồi sinh của các trung phong hay tình trạng câu giờ gia tăng... là những điểm nhấn tại Ngoại hạng Anh 2022-2023.

Nền tảng thể chất của Man City. Sẵn sàng thích nghi và phát triển là một trong những thế mạnh lớn nhất của Pep Guardiola. Nhưng mùa vừa qua, ông đưa phẩm chất này lên tầm cao mới. Sky Sports cho rằng sự thay đổi từ kỹ thuật sang thể chất từ giữa mùa đã truyền cảm hứng giúp Man City bay cao với chuỗi 13 chiến thắng ở giai đoạn nước rút để vượt mặt Arsenal và lần thứ ba liên tiếp vô địch Ngoại hạng Anh.

Mọi chuyện bắt đầu khi Guardiola đẩy Joao Cancelo sang Bayern theo hợp đồng cho mượn, rồi thử nghiệm Rico Lewis và thậm chí Bernardo Silva ở vị trí hậu vệ biên bó vào trung lộ. Nhưng sau đó ông giải quyết lỗ hổng phòng thủ chỉ bằng những trung vệ. HLV Tây Ban Nha sử dụng bộ tứ Kyle Walker, Ruben Dias, Manuel Akanji và Nathan Ake trong trận thắng Newcastle 2-0 vào đầu tháng 3, rồi thay thế Walker bằng John Stones để "trình làng" hàng thủ với cả bốn người đều có sở trường đá trung vệ trong trận thắng Crystal Palace 1-0 một tuần sau đó.

"Bước tiến lớn nhất mùa này là tất cả cầu thủ ở hàng phòng ngự đều là những hậu vệ thực thụ", Guardiola nói. "Hãy chiến thắng trong các cuộc đấu tay đôi, đặc biệt trong vòng cấm. Trong quá khứ, chúng tôi không có điều".

Trung vệ Man City Akanji trong một tình huống tranh chấp với Martin Odegaard ở vòng 33 Ngoại hạng Anh ngày 26/4. Ảnh: AFP

Thay đổi này không chỉ giúp Man City vượt mặt Arsenal tại Ngoại hạng Anh, mà còn hạ hai ứng viên vô địch Bayern rồi Real ở Champions League. CLB thành Manchester chỉ thủng lưới chín bàn qua 20 trận trên mọi đấu trường trong thời gian đó và thể hiện sức mạnh thể chất vượt trội. "Tôi nghĩ đây là đội hình giàu thể chất nhất trong sự nghiệp cầm quân của Guardiola", cựu hậu vệ Gary Neville bình luận trên Monday Night Football tuần trước.

Cùng với việc bổ sung Erling Haaland - tiền đạo cao 1,94 m có khả năng không chiến và làm tường tốt, Man City thay đổi cả trong phòng ngự lẫn tấn công khi Guardiola luôn tận dụng tối đa điểm mạnh về thể chất xuyên suốt mùa giải. Thay đổi này được thể hiện rõ ở trận thắng Arsenal 3-1 tại sân Emirates vào tháng 2, nơi Man City chỉ kiểm soát bóng 36% - thông số thấp nhất trong một trận của một CLB dưới trướng Guardiola.

"Điều đó dường như bất thường với Guardiola, người từng góp phần làm thay đổi bóng đá hiện đại bằng cách đề cao yếu tố kỹ thuật ở Barca", Sky Sports bình luận. "Nhưng khi Guardiola thay đổi, phần còn lại chắc chắn sẽ đi theo. Có thể việc tập trung vào thể chất của HLV trưởng Man City sẽ lan tỏa khắp Ngoại hạng Anh và hơn thế nữa".

Sự đa dạng vị trí. Mùa này, việc sắp xếp đội hình ra sân không nói lên được câu chuyện thực tế về cách CLB đó sẽ triển khai và xếp sắp nhân sự thế nào khi có bóng và không có bóng xuyên suốt trận đấu. Những sơ đồ truyền thống như 4-3-3, 4-4-2 hay 4-2-3-1 dường như quá đơn giản so với những vị trí phức tạp hơn mà các HLV đang yêu cầu.

Từ đầu mùa, Oleksandr Zinchenko luôn được xếp ở vị trí hậu vệ trái nhưng thường xuyên bó vào trung lộ khi Arsenal cầm bóng để gia tăng quân số ở khu vực giữa sân. Đây là thay đổi quan trọng giúp "Pháo thủ" nắm lợi thế trong phần lớn mùa giải.

Sau đó, cầu thủ 18 tuổi Lewis gây ấn tượng với Guardiola trong vai trò tương tự bên cánh phải của Man City, khi dành nhiều thời gian thi đấu ở khu trung tuyến, tạo thành bộ đôi tiền vệ với đàn anh Rodri. Tới nửa cuối mùa, Stones thích nghi với vai trò này và có thể đá tốt ở cả vị trí hậu vệ phải lẫn trung vệ.

HLV Jurgen Klopp cũng đi theo xu thế khi yêu cầu Trent Alexander-Arnold vai trò tương tự tại Liverpool, rồi Pascal Gross sử dụng kỹ năng đá tiền vệ từ vị trí hậu vệ phải cho Brighton. Mục đích của việc hoán đổi linh hoạt này là có thêm cầu thủ ở khu trung tuyến khi cầm bóng và tạo ra tình trạng quá tải ở những khu vực quan trọng. Với Alexander-Arnold, đây còn là giải pháp để anh phát huy khả năng làm bóng, kiến tạo xuất sắc và hạn chế điểm yếu trong các tình huống phòng ngự một đối một.

Bản đồ nhiệt cho thấy Bernardo (Man City), Stones (Man City), Caicedo (Brighton), Alexander-Arnold (Liverpool), Zinchenko (Arsenal) và Gross (Brighton) xu hướng chơi ở cả tiền vệ trung tâm lẫn hậu vệ biên tại Ngoại hạng Anh mua vừa qua. Ảnh: Sky Sports

Nhưng các CLB không chỉ thể hiện sự linh hoạt khi kiểm soát bóng. Việc các đội phòng ngự theo một cách bố trí khác với cách tấn công không phải là phong cách mới, nhưng trở nên rõ ràng ở mùa này. Sơ đồ 4-4-2 cổ điển như được hồi sinh, với việc các cầu thủ tấn công dàn trải để thiết lập hệ thống phòng ngự nhiều lớp khi mất bóng.

Chính những thay đổi này đã khiến cách xác định vị trí rõ ràng của từng cầu thủ trở nên phức tạp, và làm tăng yếu tố hấp dẫn cho các cuộc chiến chiến thuật tại Ngoại hạng Anh.

Các tân binh sớm trụ hạng. Cả ba tân binh đều trụ hạng là điều chưa từng có ở Ngoại hạng Anh. Mùa này, họ không những làm nên lịch sử, mà còn trụ hạng trước nhiều vòng, thay vì chiến đấu ở khu vực cầm đèn đỏ đến những trận cuối cùng.

Cả Fulham, Bournemouth và Nottingham Forest đều là những ứng viên nặng ký cho suất xuống hạng khi Ngoại hạng Anh trở lại sau World Cup 2022. Nhưng tất cả đều thản nhiên về đích mà không bị cuốn vào vòng xoáy nguy hiểm.

Fulham, CLB lên xuống hạng liên tục như chiếc yo-yo, cuối cùng đã phá vỡ thành tích tệ hại chỉ góp mặt tại Ngoại hạng Anh một mùa ở lần thứ thứ ba. Lần gần nhất Fulham thi đấu trong hai mùa Ngoại hạng Anh liên tiếp đã diễn ra cách đây hơn một thập kỷ. Thậm chí, họ còn gây ấn tượng khi cán đích nửa trên bảng điểm - thứ 10 với 52 điểm, trên cả Chelsea.

Nottingham chỉ thắng ba trong 17 trận đầu trước kỳ nghỉ nhường chỗ cho World Cup 2022, nhưng sớm hoàn thành mục tiêu với ba chiến thắng trong sáu trận cuối, gồm trận thắng Arsenal 1-0 trên sân nhà City Ground. Nottingham giành 38 điểm mùa này, 30 điểm trong đó đến từ các trận đấu trước khán giả nhà.

Không ai nghĩ Bournemouth có thể trụ hạng sau thảm bại 0-9 trên sân Liverpool hồi tháng 8 - kết quả khiến HLV Scott Parker mất việc và Gary O'Neil là người thế chỗ. O'Neil đã vực dậy Bournemouth, đặc biệt từ đầu tháng 3, khi họ thu về số điểm chỉ kém Newcastle, Aston Villa và Man City. Nhờ đó, Bournemouth cán đích thứ 15, trên Nottingham và hơn nhóm xuống hạng tới bốn điểm.

Gia tăng tình trạng câu giờ. Hồi tháng 1, Sky Sports thống kê thời gian bóng lăn trong các trận tại Ngoại hạng Anh chỉ dưới mức 56% trong cả năm tính đến thời điểm đó - mức thấp nhất mọi thời đại. Mọi thứ thậm chí còn tồi tệ hơn sau đó, khi trung bình chỉ có 55,7% thời gian bóng lăn mỗi trận. Như vậy, trong gần 45% thời gian mỗi trận người hâm mộ có mặt trên khán đài, bóng ở ngoài cuộc, vì nhiều lý do.

Người hâm mộ đang bị rút ngắn thời gian xem bóng lăn gần năm phút so với một thập kỷ trước, và Ngoại hạng Anh là giải đấu tệ thứ hai về thời gian bóng lăn trên sân trong năm VĐQG hàng đầu châu Âu.

Khi tiếp quản Cơ quan Quản lý trọng tài chuyên nghiệp Anh (PGMOL) vào dịp Giáng sinh, Howard Webb cho biết sẽ không áp dụng quy định mới của FIFA về việc bù giờ như tại World Cup 2022, và trao quyền cho các trọng tài kiểm soát vấn đề này.

Sáu tháng trôi qua, quyết định này không mang lại hiệu quả khi phần lớn thời gian bóng ngoài cuộc đến từ việc câu giờ. Ví dụ, Newcastle mất trung bình ba giây để phát bóng từ vị trí thủ môn nhiều hơn so với CLB xếp sau ở thông số này. "Chích chòe" cũng mất 36 giây để bắt đầu lại trận đấu, tức chậm hơn 14 giây so với Liverpool - CLB dẫn đầu ở thông số này. HLV Erik ten Hag của Man Utd là người gay gắt nhất, khi nhiều lần chỉ trích và muốn các trọng tài trừng phạt thói câu giờ của Newcastle.

Niềm cảm hứng Guardiola. Những kỹ năng và tầm ảnh hưởng của Guardiola không chỉ được chứng minh qua thành công của Man City, mà còn xuất hiện trong phong cách huấn luyện của nhiều đồng nghiệp khác.

Rõ ràng nhất là Arteta - người có hơn ba năm làm trợ lý cho chính Guardiola tại Man City - trước khi trở lại Arsenal trong vai trò mới. HLV 41 tuổi giúp "Pháo thủ" dần cải thiện và trở thành thế lực tại Ngoại hạng Anh mùa này, nổi bật với việc sử dụng Zinchenko ở vị trí mới.

Man Utd trở lại Champions League với Ten Hag - người phụ trách đội B của Bayern trong khi Guardiola huấn luyện đội một. Brighton thì lần đầu dự Cup châu Âu nhờ tài thao lược của Robert De Zerbi - người tiết lộ Guardiola là cảm hứng để ông theo nghiệp HLV.

Ten Hag (phải) thời còn cầm đội Bayern B khi Guardiola nắm đội một Bayern. Ảnh: PA

Tầm ảnh hưởng của Guardiola không chỉ bó hẹp ở Ngoại hạng Anh. Burnley thống trị Championship để trở lại Ngoại hạng Anh dưới thời Vincent Kompany, cựu đội trưởng Man City, người đã đại tu đội hình và lối chơi trong mùa giải đầu tiên làm HLV ở Anh.

Xabi Alonso - người được Guardiola đưa về Bayern giai đoạn cuối sự nghiệp - giúp Bayer Leverkusen từ nửa dưới bảng điểm lên thứ sáu Bundesliga và vào bán kết Europa League. Xavi - trò cưng của Guardiola tại Barca - giúp chủ sân Camp Nou lần đầu vô địch La Liga kể từ mùa 2018-2019.

Sự phục hưng của 4-4-2? Hệ thống 4-4-2 từng bị mang tiếng xấu, thường được gắn với một phong cách chơi cũ, ít chiến thuật hơn, với những đường bóng dài hướng cho các tiền đạo cao lớn. Trong những mùa giải gần đây, Burnley và Southampton là hai CLB hiếm hoi sử dụng hệ thống này bất chấp chỉ trích.

Thực tế, 4-4-2 vẫn là sơ đồ hệ thống được sử dụng nhiều nhất ở Ngoại hạng Anh kể từ mùa 2006-2007 - phần lớn là do sự thống trị của nó trong những năm trước đó. Cụ thể, sơ đồ 4-4-2 đã được sử dụng 498 lần ở mùa 2006-2007, nhiều hơn bất kỳ hệ thống nào tính trong một mùa kể từ đó.

Mùa này, sơ đồ 4-4-2 được 13 CLB dùng trong đội hình xuất phát ở 62 trận tại Ngoại hạng Anh, chỉ kém 4-2-3-1, 4-3-3 và 3-4-2-1. Trong đó, Aston Villa có 15 lần sử dụng hệ thống 4-4-2, Brighton ba lần, Liverpool và Tottenham cùng hai lần và Man City có một lần.

Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc 4-4-2 lại trở thành xu thế ở sân chơi hàng đầu xứ sở sương mù. Các HLV ngày càng đa dạng hóa các cách tiếp cận chiến thuật, bất chấp sự ưu tiên dành cho sơ đồ 4-2-3-1 vốn lấy đà từ mùa 2009-2010, và 4-3-3 bắt đầu thịnh hành ở mùa tiếp theo. 4-5-1 cũng được triển khai 151 lần trong mùa 2010-2011, nhưng chỉ được sử dụng bảy lần mùa này.

Sự hồi sinh của trung phong. Erling Haaland chắc chắn là trường hợp tiêu biểu. Tiền đạo Na Uy tỏa sáng với 36 bàn tại Ngoại hạng Anh mùa này, phá vỡ kỷ lục ghi 34 bàn do Alan Shearer và Andrew Cole thiết lập cách đây gần 30 năm. Nhờ đó, anh đoạt cả "Vua phá lưới", "Cầu thủ hay nhất" lẫn "Cầu thủ trẻ xuất sắc" Ngoại hạng Anh 2022-2023, do ban tổ chức giải đấu trao, và cả giải "Cầu thủ hay nhất Ngoại hạng Anh 2022-2023" do Hiệp hội ký giả bóng đá Anh (FWA) bầu chọn. Không chỉ Ngoại hạng Anh, Haaland là nhân tố quan trọng giúp Man City hướng tới cú ăn ba khi còn đấu chung kết Cup FA và Champions League.

Harry Kane ghi tới 30 bàn dù Tottenham trải qua mùa giải thất vọng và chỉ cán đích thứ tám, không dự Cup châu Âu mùa tới. Các tiền đạo đồng hương của Kane, Ivan Toney (20 bàn) và Calum Wilson (18) cũng vào top 5 cầu thủ ghi bàn hàng đầu tại giải. Aleksandar Mitrovic ghi 14 bàn dù bị cấm thi đấu tám trận, bằng thành tích của Ollie Watkins. Marcus Rashford cũng trải qua mùa giải thành công nhất sự nghiệp với 17 bàn.

Mùa trước, Mohamed Salah và Son Heung-min chia sẻ "Chiếc giày vàng" với 23 bàn, còn Sadio Mane đứng thứ năm với 16 bàn. Chỉ Cristiano Ronaldo và Kane là những trung phong cắm lọt vào top 5. Tính xa hơn, trong top 10, các tiền đạo cắm chỉ ghi tổng cộng 50 bàn mùa trước - so với 133 mùa này, không tính Rashford.

Sự thống trị của cầu thủ chạy cánh phải thuận chân trái. Mohamed Salah - người thuận chân trái - đã tàn phá hành lang phải tại Ngoại hạng Anh trong 5 năm qua. Tương tự, Riyad Mahrez và Bernardo Silva được ưu tiên sử dụng bên cánh phải của Man City, còn Bukayo Saka là nhân tố chủ chốt trong đội hình Arsenal và vừa lập kỷ lục ra sân 80 trận liên tiếp tại Ngoại hạng Anh.

Thực tế, gần như tất cả các CLB xếp nửa trên đều áp dụng chiến thuật này, với Antony ở Man Utd, Miguel Almiron ở Newcastle, Solly March ở Brighton hay Bryan Mbeumo ở Brentford. Chelsea chỉ cán đích thứ 12 nhưng thường xuyên sử dụng tân binh Noni Madueke bên cánh phải, trong khi Jarrod Bowen và Harry Wilson lần lượt đảm nhiệm vị trí tương tự tại West Ham và Fulham.

Những cầu thủ thuận chân trái nhưng đảm nhiệm vai trò chạy cánh phải tại Ngoại hạng Anh mùa này.

Bẫy việt vị của Aston Villa. Aston Villa là khối Rubik của Ngoại hạng Anh. Kể từ khi Unai Emery thế chỗ Steven Gerrard tháng 11/2022, đối thủ đã phải đau đầu tìm cách xuyên thủng cấu trúc phòng ngự của Aston Villa, khi họ chỉ thủng lưới chín bàn ở 16 trận cuối và không thủng lưới quá hai lần trong bất kỳ trận đấu nào.

Trong đó, hàng thủ Aston Villa lột xác nhờ khả năng bắt việt vị bậc thầy với khả năng đồng bộ của cặp trung vệ Tyrone Mings và Ezri Konsa. Kể từ khi Emery lên nắm quyền, chủ sân Villa Park đã bẫy việt vị thành công 102 lần, nhiều hơn 34 lần so với CLB xếp sau ở thông số này là Liverpool.

Một trong chín tình huống Aston Villa bẫy việt vị thành công trong trận thắng Tottenham 2-0 hồi tháng 1/2023. Ảnh: chụp màn hình

Khả năng bẫy việt vị này giúp Aston Villa lần đầu giành vé dự Cup châu Âu sau 13 năm. Nhưng ở mùa 2009-2010 và 2010-2011, họ đều bị loại ở vòng play-off Europa League. Lần gần nhất Aston Villa góp mặt ở vòng bảng Cup châu Âu là mùa 2008-2009, khi họ vào tới vòng 1/16 UEFA Cup - tiền thân của Europa League.

Kỷ lục 14 HLV bị sa thải. Mười trong số đó đến từ các CLB đua trụ hạng, trong đó có Bournemouth, Wolves, Aston Villa, Everton, Crystal Palace, Leicester. Riêng Southampton và Leeds sa thải HLV tới hai lần, nhưng vẫn không thể trụ hạng.

Các HLV bị sa thải và thay thế tại Ngoại hạng Anh mùa này.

Graham Potter chủ động rời Brighton để thay thế Thomas Tuchel tại Chelsea vào tháng 9 - trước khi bị sa thải vào tháng 4/2023 - nâng số HLV mất việc mùa này lên con số 14, không tính những HLV tạm quyền, nhiều hơn bốn lần so với bất kỳ mùa giải nào khác trong lịch sử Ngoại hạng Anh.

Nhưng quyết định này không phải lúc nào cũng lại mang hiệu quả. Southampton, Leeds và Leicester đều xuống hạng, còn Chelsea lần đầu đứng nửa dưới bảng điểm Ngoại hạng Anh kể từ năm 1996. Ngược lại, Aston Villa, Crystal Palace, Everton, Bournemouth và Wolves dường như đã cải thiện phong độ sau khi thay tướng.

Theo Transfermarkt, trước mùa này, chỉ 31 trong số 73 CLB thay HLV khi đứng ở khu vực cầm đèn đỏ trụ hạng thành công, tương đương 42%.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm