Champions League

Wilfried Zaha & hoài niệm chắp vá về những ngày đen tối ở MU

Wilfried Zaha & hoài niệm chắp vá về những ngày đen tối ở MU

Khi Wilfried Zaha, trong ngày sinh nhật thứ 20 của mình, nhảy múa trước hàng thủ của Peterborough United và góp công lớn trong chiến thắng 2-1 của Crystal Palace, trên băng ghế huấn luyện của đội chủ nhà, có một người tỉ mẩn ghi chép không ngơi tay. Người này sớm nhận ra tài năng đặc biệt của Zaha, và quyết tâm giới thiệu anh ta như một món quà dành cho người bố nổi tiếng hơn nhiều của mình.

  • Nhận định MU vs Galatasaray, 02h00 ngày 4/10

Vị HLV ấy là Darren Ferguson, và bố anh, bạn đoán đúng rồi đó, chính là Sir Alex Ferguson vĩ đại. Hôm ấy là ngày 10/11/2012. Đêm ấy, Sir Alex nhận được một cuộc gọi từ con trai. "Bố ạ, thằng nhóc này hay thực sự," Ferguson con nói, "cậu ta có tất cả những gì mà bố tìm kiếm đấy". 

Ít tuần sau, Zaha được mời tới gặp Ferguson bố trong một khách sạn ở trung tâm London. Ở đó còn có cả Sir Bobby Charlton. Zaha được yêu cầu giữ bí mật tuyệt đối sau khi các bên vạch ra một kế hoạch để cậu nhóc tới từ Croydon có thể sớm bắt đầu cuộc sống mới ở Manchester United.

Zaha đến MU vì Sir Alex Ferguson, nhưng lại không được làm việc với ông ngày nào

"Cậu ấy có khả năng biến tốc và kỹ năng một đối một tuyệt vời", trợ lý của Ferguson thời điểm đó là Rene Meulensteen nhớ lại. "Theo nghĩa đó, cậu ấy sở hữu tất cả những phẩm chất cần thiết để trở thành một cầu thủ của Manchester United".

Gần 11 năm sau sự kiện ấy, vào thời điểm Zaha trở lại Old Trafford để chuẩn bị cùng với Galatasaray đối đầu với đội chủ nhà MU ở Champions League, giới CĐV MU vẫn còn bị chia đôi vì cầu thủ này.

Một nửa cho rằng Zaha đã không gặp may. Có thể là anh đã tới đúng nơi, nhưng sai thời điểm. Thực tế, khi Zaha đồng ý trở thành cầu thủ của MU, anh háo hức một phần chính là vì tin rằng mình sẽ được làm việc với Sir Alex. Điều mà Zaha không thể ngờ tới là chỉ sau cuộc gặp ở London vài tháng, vị HLV người Scotland đã đột ngột tuyên bố nghỉ hưu. Khi Zaha chính thức đến Old Trafford, HLV của đội bóng đã là một người khác.

David Moyes không tin Zaha ngay từ đầu. Không ấn tượng với những gì cầu thủ trẻ này thể hiện trong một tiếng đồng hồ của trận tranh Community Shield với Wigan, ông đã thẳng tay loại anh khỏi đội hình. Zaha không được ra sân trở lại cho tới tận cuối tháng 10, trong một trận đấn ở Carabao Cup. Anh còn được ra sân thêm 2 lần ở Premier League, với tổng thời gian là 28 phút.

Zaha và David Moyes hầu như không nói chuyện với nhau

Mùa đông năm đó, Moyes từ chối lời đề nghị mượn Zaha từ Palace. Thay vào đó, ông đẩy anh tới Cardiff City, đội bóng đang vật lộn trụ hạng ở Championship. Kết quả là Zaha gây thất vọng ghê gớm, còn Cardiff thì vẫn rớt hạng. Anh trở lại MU với cảm giác hoài nghi vào bản thân ngày càng lớn. Và nó càng lớn hơn khi anh gặp Louis van Gaal, người được đưa về thay cho Moyes đã bị sa thải trước khi mùa giải khép lại.

Van Gaal không ghét bỏ gì Zaha, nhưng ông cho rằng trong hệ thống 3-5-2 của mình không có chỗ cho một cầu thủ chạy cánh truyền thống như anh. Muốn có chỗ đứng, anh buộc phải học cách chơi ở một vị trí mới, mà cụ thể ở đây là tiền đạo. Đó không phải là vị trí phát huy được hết những điểm mạnh của Zaha. Ngoài ra, ở vị trí ấy, anh phải cạnh tranh với Robin van Persie, Wayne Rooney và sau đó là Radamel Falcao. Cửa thành công hầu như không tồn tại.

Tất nhiên là Zaha "thất bại". Hè năm đó, anh cùng với Shinji Kagawa phải tập riêng trong khi tìm kiếm một đội bóng mới. Ngày được thông báo phải ra đi, Zaha không những không buồn, thất vọng hay giận dữ, mà còn cảm thấy "nhẹ nhõm". "Tôi thấy như được giải thoát," anh nói, "Lúc đó tôi nghĩ, 'cám ơn ông vì đã nói thẳng điều đó ra và để cho tôi được bắt đầu lại sự nghiệp của mình'."

Quãng thời gian ở MU là một quãng thời gian tệ hại với Zaha

Không chỉ có các HLV, Zaha còn không nhận được sự hỗ trợ từ các đồng đội mới. Có thể vì quá bận rộn với những bận tâm của mình trong một giai đoạn hỗn loạn, họ không còn thời gian để lo cho người khác, nhất là khi đó chỉ là một cầu thủ trẻ như Zaha. Chính Rio Ferdinand từng thừa nhận rằng "với tư cách là một cầu thủ trụ cột trong đội, tôi lẽ ra phải làm được nhiều hơn cho cậu ấy."

Nhưng cũng có người nói rằng vấn đề của Zaha là chính anh. Anh đã không đủ mạnh mẽ để vượt qua những khó khăn mà hầu như cầu thủ trẻ nào cũng phải vượt qua. Thay vì mở lòng với các đàn anh, các đồng đội mới để tìm sự chia sẻ, anh lại có xu hướng thu mình lại. Zaha kể rằng trong thời gian ở MU, cứ mỗi khi có cơ hội là anh lại quay về London, có thể là để tìm kiếm sự an ủi từ những ký ức đẹp ở đó.

Nhưng dù thế nào thì Zaha cũng đã không thể trở thành một "Ronaldo mới" của Old Trafford theo cách mà Sir Alex và các CĐV kỳ vọng ở anh. Trước khi tới Galatasaray, anh cũng không khoác áo một đội bóng lớn nào khác, mà gắn bó phần lớn sự nghiệp với Crystal Palace. Zaha có tiếc không, có giận không? Câu trả lời từ chính anh là "không". 

"Tôi không bận tâm," anh nói trong ngày trở lại, "ai cũng phải trải qua một giai đoạn trong sự nghiệp mà hoặc là tận dụng được để phát triển, hoặc tàn lụi. Nhưng tôi chọn biến giai đoạn khó khăn ấy trở thành cơ hội để phát triển bản thân. Tôi không đời nào để cho sự nghiệp của mình tàn lụi." 

Sự nghiệp của Zaha không tàn lụi. Và ở lại gặp lại MU thứ 16 trong sự nghiệp, anh dù cố tình hay không cũng sẽ chứng minh điều đó.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm