Các giải khác

Việc bổ nhiệm HLV tạm quyền Hàn Quốc bị tố thiếu minh bạch

Uỷ ban với 11 thành viên có nhiệm vụ tuyển chọn HLV mới cho ĐTQG sau khi chia tay HLV Jurgen Klinsmann. Ba cuộc họp được tổ chức lần lượt vào ngày 21/2, 24/2 và 27/2.

Sau cuộc họp đầu tiên, Uỷ ban bị phản ứng dữ dội khi thông báo sẽ bổ nhiệm một HLV đang dẫn dắt CLB ở K-League 1 làm HLV chính thức. Dư luận Hàn Quốc cho rằng việc này sẽ khiến giải đấu số một trong nước bị ảnh hưởng, do các CLB vừa hoàn tất quá trình chuẩn bị cho mùa giải mới.

Vì vậy, trong cuộc họp thứ hai, Ủy ban đã thay đổi phương hướng và quyết định sẽ bổ nhiệm một HLV tạm thời. Việc lựa chọn các ứng viên dự kiến sẽ diễn ra vào cuộc họp thứ ba. Nhưng mọi thứ đã không diễn ra như dự kiến.

Ông Chung Hae-seong - Chủ tịch Uỷ ban tăng cường khả năng thi đấu các ĐTQG Hàn Quốc - công bố HLV tạm quyền Hwang Sun-hong hôm 27/2. Ảnh: Yonhap

Ông Chung Hae-seong - Chủ tịch Uỷ ban tăng cường khả năng thi đấu các ĐTQG Hàn Quốc - công bố HLV tạm quyền Hwang Sun-hong hôm 27/2. Ảnh: Yonhap

Theo tờ Osen, Chủ tịch Uỷ ban Chung Hae-seong đã lạm quyền khi đơn phương tuyên bố ông Hwang Sun-hong sẽ làm HLV tạm quyền. "Các thành viên trong Uỷ ban đã phản đối và tranh cãi qua lại", tờ báo này trích lời nguồn tin. "Điều này có nghĩa là Chủ tịch Chung đã đơn phương bổ nhiệm mà không lấy ý kiến các thành viên thông qua cuộc họp".

Ở họp báo ngày 27/2, ông Chung cho biết HLV Hwang là ưu tiên hàng đầu và đã chấp nhận chấp nhận lời đề nghị sau một ngày suy nghĩ để cùng lúc nắm ĐTQG và U23.

Trước đó, ông Hwang và Park Hang-seo là hai ứng viên nặng ký. Người còn lại là Choi Yong-soo. Cả ba đều đáp ứng tiêu chí không dẫn dắt đội bóng nào (ông Park và ông Choi) hoặc đang thuộc quản lý của Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc KFA (ông Hwang).

Ông Chung và Park từng cùng làm trợ lý cho HLV Guus Hiddink ở đội tuyển Hàn Quốc, trên hành trình giành giải tư World Cup 2002. Sau này, Chung dần lấn sân vào KFA, còn Park vẫn theo nghiệp HLV. Năm 2017, HLV Park sang Việt Nam làm việc, bắt đầu hành trình năm năm gặt hái nhiều thành công. Ông Chung cũng đến Việt Nam với vai trò giám đốc kỹ thuật HAGL năm 2018, rồi HLV CLB TP HCM năm 2019 và 2020. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho rằng mối quan hệ của họ không mấy tốt đẹp.

Ông Chung Hae-seong (phải) trao đổi với thành viên Uỷ ban Lee Young-jin - cựu trợ lý của HLV Park Hang-seo ở đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Yonhap

Ông Chung Hae-seong (phải) trao đổi với thành viên Uỷ ban Lee Young-jin - cựu trợ lý của HLV Park Hang-seo ở đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Yonhap

Việc HLV Hwang phải nắm hai đội tuyển cũng nhận nhiều chỉ trích từ truyền thông Hàn Quốc, trong bối cảnh đội U23 chuẩn bị tranh vé Olympic Paris 2024 thông qua vòng chung kết U23 châu Á tại Qatar. Khi vấn đề được chỉ ra, Chủ tịch Chung Hae-seong khẳng định sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Tờ Four Four Two thậm chí đã đặt ra kịch bản tồi tệ nhất với bóng đá Hàn Quốc là HLV Hwang không thể giúp ĐTQG thắng Thái Lan tại vòng loại hai World Cup 2026, đồng thời tuột vé dự Olympic cùng đội U23. Theo ông Chung, đây là câu hỏi không thực tế. "Câu hỏi giả định giống như hỏi một HLV ngay trước trận khai mạc, rằng ông có sẵn sàng từ chức nếu thành tích mùa giải không tốt", ông Chung nói với tờ Seoul.

Bên cạnh những phản đối, vẫn có nhiều ý kiến đồng tình với KFA trong việc lựa chọn HLV Hwang Sun-hong. Đài truyền hình KBS cho rằng HLV Hwang là người duy nhất thường xuyên theo dõi các tuyển thủ, đồng thời có mối quan hệ đáng tin cậy với cả Son Heung-min lẫn Lee Kang-in. Ngoài ra, đội tuyển U23 đã thiết lập được hệ thống quản lý ổn định nên sẽ không gây ra sự chồng chéo với ĐTQG.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm