Trong nước

Vì sao sân Hà Đông chưa đủ điều kiện tổ chức trận đấu V.League?

Vì sao sân Hà Đông chưa đủ điều kiện tổ chức trận đấu V.League?

Theo quy định của LĐBĐ châu Á (AFC), 3 CLB tại Hà Nội gồm Thể Công Viettel, Hà Nội, Công an Hà Nội sẽ không thể cùng sử dụng sân Hàng Đẫy để thi đấu giải chuyên nghiệp quốc gia như hiện tại. Ít nhất 1 trong 3 đội bóng sẽ phải chia tay sân Hàng Đẫy sau mùa giải này. Được biết vào tuần tới, đại diện của 3 CLB kể trên sẽ gặp nhau và chia sẻ quan điểm với LĐBĐ Việt Nam. Quyết định đội bóng nào ở lại, đội bóng nào phải chia tay sân Hàng Đẫy sẽ thuộc thẩm quyền của Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội.

Nhiều thông tin cho rằng nếu phải rời Hàng Đẫy, 1 trong 3 CLB kể trên sẽ lên kế hoạch sử dụng sân Hà Đông từ mùa giải năm sau. Điều này đem đến niềm vui cho một số CĐV ở quanh khu vực sân Hà Đông. Bởi đã lâu rồi, sân vận động này chưa tổ chức một sự kiện thể thao có quy mô nói chung cũng như bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nói riêng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Danh Thanh – Phó Ban Quản lý sân Hà Đông cho biết: “Hiện tại, sân Hà Đông được sử dụng cho mục đích tập luyện, cũng như là nơi mà đội xe đạp, đội điền kinh thuộc Trung tâm Thể thao Hà Nội cùng đội nữ Hà Nội sinh hoạt. Mới đây, CLB Công an Hà Nội có liên hệ với Ban Quản lý sân, nhằm tìm địa điểm sinh hoạt và tập luyện cho U17, U19 của đội”.

Một chi tiết đáng chú ý được ông Nguyễn Danh Thanh xác nhận. Đó là chưa có bất cứ CLB nào (bao gồm Công an Hà Nội, Hà Nội, Thể Công Viettel) đề nghị sử dụng sân Hà Đông tại mùa giải sang năm.

Tìm hiểu trực tiếp sân Hà Đông cũng như trao đổi với đại diện Ban Quản lý sân, sức chứa của sân ở mức khiêm tốn chỉ khoảng 3.000 chỗ ngồi. Nếu đạt ngưỡng tối đa, một sự kiện chỉ đón tối đa 4.000 – 5.000 khán giả. Số lượng ghế được lắp đặt chỉ là 320 ghế. Đa số khán đài A và B là những bậc bê tông, không lắp ghế ngồi. Ngoài ra, 4 bên sân chưa lắp đèn chiếu sáng.

Điều này khiến khả năng sân Hà Đông có thể tổ chức V.League khó có thể xảy ra. Hoặc nếu sử dụng, 1 trong 3 CLB kể trên sẽ phải đầu tư nhiều về cơ sở hạ tầng. Theo khoản 20.3, điều 20: Sân thi đấu và các hạng mục cơ sở vật chất liên quan, thuộc Điều lệ giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cập nhật đến mùa giải này có ghi: “Sân thi đấu CLB đăng ký phải đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định tại các Điều 11 và Điều 51 của Quy chế BĐCN hiện hành và các quy định, hướng dẫn cụ thể liên quan của Công ty VPF”.

Điều 11 của Quy chế BĐCN:  Cơ sở vật chất, theo Quy chế bóng đá chuyên nghiệp (sửa đổi, bổ sung năm 2023) có ghi: “Mỗi câu lạc bộ phải có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng một sân vận động trong thời gian thi đấu giải, đảm bảo an toàn về tiêu chuẩn kỹ thuật, kết cấu, đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 51 Quy chế này. Sân vận động phải có khán đài có sức chứa tối thiểu là: 10.000 (mười nghìn) khán giả đối với câu lạc bộ Ngoại hạng; 4.000 (bốn nghìn) khán giả đối với câu lạc bộ hạng Nhất”. Như vậy với sức chứa chỉ dao động từ 3.000 đến 5.000 chỗ ngồi, sân Hà Đông chưa thể đáp ứng.

Điều 51 của Quy chế BĐCN cũng tiếp tục đưa ra những khoản gồm: “Toàn bộ khu vực khán đài A và khán đài B của sân vận động phải được lắp đặt ghế ngồi đầy đủ và có mái che (khoản h); Câu lạc bộ tham gia giải Vô địch quốc gia phải có hệ thống đèn chiếu sáng tối thiểu 900 (chín trăm) lux, đến năm 2023 tối thiểu là 1.200 (một nghìn hai trăm) lux; nguồn cung cấp điện ổn định và phải có nguồn dự phòng để phục vụ thi đấu (khoản k).

Như vậy, với cơ sở vật chất hiện tại, sân Hà Đông chưa thể đáp ứng các tiêu chí để đưa vào sử dụng tại V.League. Hoặc nếu như sử dụng sân vận động này, CLB sẽ phải đầu tư về hệ thống ghế ngồi, mở rộng sức chứa (do khán đài C và D chưa xây dựng) và lắp đặt hệ thống chiếu sáng theo đúng quy chuẩn.

Cận cảnh sân Hà Đông, đại bản doanh của 3 đội Hà Nội nhưng không phải ở V.League

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm