World Cup 2022

Vị đầu bếp may mắn của tuyển Nhật Bản

Tối 23/11, Nhật Bản trở về khách sạn mà chưa hết hân hoan sau màn ngược dòng đánh bại Đức – đội bốn lần vô địch World Cup. Và ở phòng ăn tập thể, một nồi cà-ri nóng hổi đã chờ sẵn họ. "Dành cho chiến thắng đầu tiên! Cảm ơn sự khích lệ từ mọi người – Cà-ri", đầu bếp Nishi viết lời nhắn.

Nồi cà ri được Yoshiteru Nishi chụp lại và đăng lên Twitter nhận được hơn 15.000 lượt tương tác từ người hâm mộ, trong đó, hầu hết là lời cảm ơn. Ảnh: Twitter / Dream24_Nishi

Nồi cà ri được Yoshiteru Nishi chụp lại và đăng lên Twitter nhận được hơn 15.000 lượt tương tác từ người hâm mộ, trong đó, hầu hết là lời cảm ơn. Ảnh: Twitter / Dream24_Nishi

Theo tờ Yomiuri Shimbun, các thành viên trong đội đều hiểu dụng ý của Nishi, nhất là những cầu thủ kỳ cựu như đội trưởng Maya Yoshida hay hậu vệ Yuto Nagatomo. Tại World Cup 2010 tại Nam Phi và 2018 tại Nga, cà ri thịt lợn là món ăn mừng đội tuyển vượt qua vòng bảng, hoặc đạt thành quả đặc biệt. "Chúng tôi thắng là nhờ Nishi", một cầu thủ nói.

Trước trận đấu ba ngày, vị đầu bếp 60 tuổi phục vụ toàn đội thực đơn chuẩn của đội tuyển quốc gia nhằm cung cấp dinh dưỡng tối ưu, gồm hamburger bò ba ngày trước trận, cá tuyết nướng hai ngày trước trận và lương nướng sốt kabayaki vào đêm trước trận. Yoshiteru Nishi sẽ tham khảo thêm ý kiến các cầu thủ và nhân viên đội để quyết định phục vụ thêm những gì khác.

Qatar 2022 là kỳ World Cup thứ năm liên tiếp Nishi góp mặt trong vai trò bếp trưởng, phục vụ các bữa ăn cho tuyển Nhật Bản. Ông khởi đầu là bếp trưởng tại Trung tâm Đào tạo Bóng đá Quốc gia J Village ở Fukushima. Từ năm 2004, ông đồng hành cùng "Samurai xanh" trong hơn 130 chuyến thi đấu nước ngoài và trở thành thành viên không thể thay thế của đội.

Ba yếu tố tạo nên thương hiệu của Nishi là món ăn ngon, sự chu toàn và may mắn. "Một số cầu thủ nói rằng họ chỉ mong đến giờ ăn", Nishi nói với Yomiuri Shimbun. "Không chỉ là công việc, tôi xem việc nấu ăn cho đội tuyển cũng như nấu ăn cho gia đình mình, và cố gắng tạo nên bầu không khí vui vẻ".

Tháng 9 năm nay, vị bếp trưởng này là thành viên phái đoàn LĐBĐ Nhật Bản (JFA) đến Doha, Qatar kiểm tra cơ sở vật chất của khách sạn. Nishi kiểm tra cẩn thận kỹ càng hệ thống điều hoà không khí trong nhà bếp, lối vào nhà ăn cũng như các vấn đề liên quan đến thực phẩm.

Đầu bếp Yoshiteru Nishi (phải) đã gắn bó với đội tuyển Nhật Bản 18 năm, trải qua 5 kỳ World Cup liên tiếp. Ảnh: JFA

Đầu bếp Yoshiteru Nishi (phải) đã gắn bó với đội tuyển Nhật Bản 18 năm, trải qua 5 kỳ World Cup liên tiếp. Ảnh: JFA

Qatar là quốc gia Hồi giáo, nên thịt lợn ngon rất khan hiếm. Nishi khó thực hiện các món ăn từ thịt lợn mà theo ông là giàu Vitamin B1 giúp các cầu thủ có nhiều năng lượng và phục hồi sức khoẻ vì trung bình các cầu thủ chạy hơn 10km trong 90 phút mỗi trận. "Tôi sẽ sử dụng nhiều thịt bò và gan gà hơn để thay thế", Nishi đưa ra giải pháp.

Trong hơn 18 năm gắn bó, kỷ niệm khiến Nishi nhớ nhất là khi Nhật Bản đấu Triều Tiên ở Bình Nhưỡng, diễn ra vào tháng 11/2011 ở vòng loại World Cup 2014. Do không thể có, và cũng không thể mang theo những nguyên liệu ưng ý, đầu bếp này đã chủ động ra ngoài, tìm gặp người dân địa phương để mua được những thứ cần thiết, tạo nên bữa ăn ngon cho các cầu thủ.

Đến vòng loại cuối cùng World Cup 2022 vào tháng 3, đội trưởng Maya Yoshida đã tặng Nishi chiếc áo đầu bếp màu đỏ nhân dịp sinh nhật lần thứ 60 của ông. Toàn đội mong muốn nhận được may mắn trước trận đấu quan trọng với Australia. Và cuối cùng, họ đã có thắng lợi như ý để đoạt vé đến Qatar.

Nhật Bản luôn giành kết quả tốt từ đó đến nay, và vì thế, các cầu thủ yêu cầu Nishi mặc chiếc áo đỏ đó vào ngày thi đấu như một thứ bùa may mắn. Ông giữ đúng lời hứa và như một phép màu, Nhật Bản thật sự tạo địa chấn trước Đức tại sân Khalifa. Ở khách sạn, nồi cà ri đỏ của đầu bếp Yoshiteru Nishi đã sẵn sàng chờ toàn đội về thưởng thức.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm