Trong nước

V-League 2023 sẽ có VAR

Trong lễ ký kết hợp tác chiến lược chiều 1/11, VPF và Công ty TNHH Truyền hình FPT cam kết thúc đẩy phát triển hình ảnh và khai thác thương mại ba giải đấu hàng đầu mà VPF đang quản lý, tổ chức và điều hành, bao gồm: V-League, hạng Nhất và Cup Quốc gia trong năm mùa giải liên tục, từ 2023 đến 2027.

Theo Chủ tịch VPF Trần Anh Tú, mùa tới các giải bóng đá chuyên nghiệp sẽ chuyển giao từ lịch thi đấu châu Á sang châu Âu, vì vậy VPF có nhiều việc để làm và nét mới của giải có lẽ là VAR. "Chúng tôi đã được Liên đoàn Bóng đá Thế giới phê duyệt kế hoạch. Sắp tới, VPF, VFF và Ban trọng tài sẽ cùng làm VAR. Chúng tôi sẽ tiến hành nhập thiết bị và thí điểm VAR luôn trong một số trận đấu. Hợp đồng bản quyền truyền hình mới này giúp chúng tôi vững tin hơn vào kế hoạch triển khai VAR", ông Tú nói.

Đại diện VPF và FPT Play ký cam kết hợp tác tại Hà Nội.

Đại diện VPF và FPT Play ký cam kết hợp tác tại Hà Nội.

VPF từng nhiều lần lên kế hoạch đưa VAR vào áp dụng ở V-League 2019 rồi 2020 nhưng đến nay chưa thành công. Chủ yếu do vấn đề tài chính, bên cạnh việc chưa được FIFA cấp phép cũng như vấn đề đào tạo đội ngũ và vận hành.

Để tiết kiệm chi phí, VPF dự định làm VAR theo kiểu xe lưu động. Cụ thể, sẽ có một đến hai xe VAR lưu động làm nhiệm vụ ở hai đến bốn trận đấu mỗi vòng. Nhưng FIFA không đồng ý. Tháng 10/2019, đại diện FIFA đã sang Việt Nam để khảo sát tình hình và hướng dẫn các thủ tục cần thiết. Nhưng mọi thứ sau đó chưa thể triển khai do Covid-19 bùng phát.

Đến tháng 10 vừa qua, FIFA mới lại cử các chuyên gia sang Việt Nam, đào tạo bước đầu về việc sử dụng công nghệ VAR. Nếu hoàn thiện nhanh nhất các yêu cầu từ FIFA, VAR sẽ có mặt ở V-League vào mùa 2023-2024 (dự kiến khai mạc vào tháng 11/2023 và kết thúc vào tháng 6/2024). Đây là mùa đầu tiên bóng đá Việt Nam chuyển đổi lịch thi đấu giống như châu Âu nhằm đồng bộ hóa lịch thi đấu toàn cầu theo yêu cầu của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC).

Tất cả trận đấu trong khuôn khổ các giải đấu của VPF sẽ được FPT Play tường thuật trực tiếp trên các hạ tầng: mặt đất, cáp, vệ tinh, IPTV, Internet, di động, trình chiếu công cộng và khai thác trên mạng xã hội. FPT Play cũng sẵn sàng đàm phán, tạo mọi điều kiện chia sẻ quyền lợi liên quan đến bản quyền giải đấu này cùng tất cả các đơn vị truyền hình, truyền thông trong cả nước, nhằm lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh các giải đấu.

Dù không tiết lộ giá trị hợp đồng nhưng theo một số nguồn tin, mỗi năm FPT trả cho VPF khoảng 57 tỷ đồng tiền bản quyền.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm