Các giải khác

Tuyển Hàn Quốc chìm sâu trong chia rẽ sau "sự cố bóng bàn"

Vụ xô xát được truyền thông Hàn Quốc gọi tắt là "sự cố bóng bàn" diễn ra ngay trước trận Hàn Quốc gặp Jordan ở bán kết Asian Cup 2023 ngày 6/2, nhưng đến hôm qua 14/2 mới được công bố. Son Heung-min muốn toàn đội Hàn Quốc cùng ăn tối để tăng sự đoàn kết, nhưng nhóm cầu thủ trẻ trong đó có Lee Kang-in phớt lờ và đi chơi bóng bàn. Son túm cổ áo đàn em trước khi Lee tung cú đấm. Son tránh được nhưng bị gãy ngón tay khi các thành viên khác trong đội lao vào can ngăn.

Một nhóm cầu thủ kỳ cựu đã gặp riêng HLV Jurgen Klinsmann đề nghị loại Lee Kang-in khỏi đội. Tuy nhiên, HLV người Đức vẫn xếp Lee đá chính ở bán kết để rồi nhận lấy thất bại 0-2 với không một lần dứt điểm, đồng thời kéo dài cơn khát vô địch Asian Cup của bóng đá Hàn Quốc đến năm 2027.

Son Heung-min (trái) và Lee Kang-in (phải) cùng thất vọng sau trận thua Jordan 0-2, ở bán kết Asian Cup 2023. Ảnh: Yonhap

Son Heung-min (trái) và Lee Kang-in (phải) cùng thất vọng sau trận thua Jordan 0-2, ở bán kết Asian Cup 2023. Ảnh: Yonhap

Lee Kang-in phải công khai xin lỗi người hâm mộ và đồng đội trên trang Instagram cá nhân vào tối 14/2, còn Son Heung-min im lặng. Trước đó, sau trận thua Jordan, ngôi sao sinh năm 1992 cho biết: "Tôi cần suy nghĩ xem liệu có thể tiếp tục chơi cho đội tuyển hay không. HLV có thể không nghĩ đến tôi nữa".

Truyền thông Hàn Quốc dậy sóng với "sự cố bóng bàn" và cùng thể hiện sự thất vọng. Kênh truyền hình KBS gọi đây là tình huống chưa từng có trong lịch sử đội tuyển Hàn Quốc. Tờ Goal phiên bản Hàn Quốc đánh giá đây là "sự cố cấp độ bom hạt nhân khi mâu thuẫn giữa hai cầu thủ là trụ cột thế hệ mới và cũ, đã khiến nền bóng đá rung chuyển". Trong khi đó, tờ Kyunghyang giật tít: "Từ túm cổ áo đến nắm đấm, mâu thuẫn và chia rẽ trong đội tuyển đã đi quá xa".

Kênh SBS miêu tả đội tuyển là một mớ hỗn độn. "Trước trận tứ kết, một tiền đạo đang thi đấu ở châu Âu đã nổi giận và xô xát với một hậu vệ kỳ cựu sau va chạm mạnh trong buổi tập", SBS tiết lộ thêm về nội tình đội tuyển. Trận thua sốc trước Jordan là hệ quả của cuộc khủng hoảng toàn diện trong quản lý và kỷ luật lỏng lẻo. Trước đó, đội tuyển Hàn Quốc đã đối mặt với nhiều mâu thuẫn.

Son Heung-min ôm mặt thất vọng sau trận thua Jordan, với hai ngón tay phải băng bó sau vụ xô xát với Lee Kang-in. Ảnh: Yonhap

Son Heung-min ôm mặt thất vọng sau trận thua Jordan, với hai ngón tay phải băng bó sau vụ xô xát với Lee Kang-in. Ảnh: Yonhap

Vào tháng 3/2023, Son Heung-min và trung vệ Bayern Munich Kim Min-jae ngừng theo dõi nhau trên mạng xã hội vì khác biệt trong quan điểm cống hiến cho đội tuyển quốc gia. Khi ấy, Kim thuộc biên chế Napoli, muốn tập trung cho CLB giành chức vô địch Serie A, thay vì cống hiến cho đội tuyển. Ngược lại, Son thể hiện sự trung thành tuyệt đối với màu áo "những chiến binh Taeguk". Cuối cùng, Kim phải công khai xin lỗi các đồng đội và người hâm mộ.

Xa hơn là tại World Cup 2022, An Deok-soo - HLV riêng của Son Heung-min - đã tố giác LĐBĐ Hàn Quốc (KFA) không chuẩn bị điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho cầu thủ, ngay trong lúc đội dự giải. Bố Son Heung-min phải chi trả toàn bộ chi phí, đồng thời thuê căn phòng số 2701 ở khách sạn làm nơi chăm sóc. "Sự cố 2701" chỉ lắng xuống khi Hàn Quốc đánh bại Bồ Đào Nha ở lượt trận cuối vòng bảng, qua đó vào vòng 1/8 gặp Brazil.

HLV Paulo Bento rời đi và Jurgen Klinsmann đến. Tuy nhiên, HLV người Đức đang trở thành tâm điểm chỉ trích của truyền thông xứ sở kim chi. Mâu thuẫn đã âm ỉ từ những hành động nhỏ như việc Klinsmann thường xuyên không có mặt ở Hàn Quốc và chỉ theo dõi công việc từ xa nhờ báo cáo từ trợ lý. Không thể vô địch Asian Cup 2023 trở thành giọt nước tràn ly. Mọi thứ càng khó kiểm soát khi Klinsmann rời Hàn Quốc về Mỹ và chỉ dự họp trực tuyến với KFA liên quan đến thất bại ở Qatar.

Tờ News1 chỉ trích: "Klinsmann bất tài và đã chia rẽ, làm lãng phí thế hệ vàng". Tờ Maekyung đánh giá nhà cầm quân 64 tuổi yếu cả về chiến thuật lẫn khả năng quản lý cầu thủ. Trong khi đó, trang Inter Football muốn Hàn Quốc làm như Pháp sau khi bị loại từ vòng bảng World Cup 2010. Vụ cầu thủ Pháp làm loạn tại Nam Phi năm ấy đã kéo theo HLV Raymond Domenech và chủ tịch LĐBĐ Pháp Jean-Pierre Escalettes phải từ chức. "Đây là thời điểm vàng để chấm dứt kỷ nguyên đen tối. Klinsmann bị sa thải và chủ tịch Chung Mong-gyu từ chức", bài viết trên Inter Football có đoạn.

HLV Jurgen Klinsmann (trái) động viên Son Heung-min sau thất bại trước Jordan. Ảnh: Yonhap

HLV Jurgen Klinsmann (trái) động viên Son Heung-min sau khi Hàn Quốc thua Jordan. Ảnh: Yonhap

Inter Football cũng đặt dấu hỏi về cách xử lý khủng hoảng của Liên đoàn. Mâu thuẫn nội bộ có thể xảy ra ở bất kỳ đội tuyển nào, nhưng vấn đề là KFA đã ngay lập tức thừa nhận có sự cố này. Mọi thứ đáng lẽ phải được xử lý riêng thay vì công khai tạo nên xung đột. Vì thế, truyền thông Hàn Quốc cho rằng KFA muốn hướng mũi dùi công kích vào cầu thủ, thay vì HLV trưởng và các lãnh đạo.

Sau Asian Cup, HLV Klinsmann khẳng định không nghĩ đến chuyện từ chức, đồng thời nhận vẫn được chủ tịch KFA Chung Mong-gyu tin tưởng. Nhưng phó Chủ tịch KFA Lee Seok-jae đã tổng hợp ý kiến của các lãnh đạo khác để chuyển đến cho ông Chung, đồng thời cho biết sự kiên định của chủ tịch về HLV người Đức đã lung lay. Cuộc họp cùng Ủy ban Tăng cường Sức mạnh ĐTQG, trong hôm nay 15/2, sẽ quyết định tương lai của Jurgen Klinsmann.

Theo kênh YTN, chi phí đền bù hợp đồng cho Klinsmann là 7 tỷ won, tương đương 5,3 triệu USD, do hợp đồng kéo dài đến tháng 7/2026. Trong khi đó, KFA đang vật lộn với tình hình tài chính khó khăn sau khi vay 30 tỷ won để xây dựng Trung tâm bóng đá Cheonan. Tuy nhiên, KFA đã bắt đầu xem xét các vi phạm hợp đồng và mức đền bù cho Klinsmann trong trường hợp phải sa thải.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm