World Cup 2022

Trận chung kết World Cup 2022 đặc biệt thế nào?

* Argentina - Pháp: 22h ngày 18/12, trên VnExpress.

Pháp và Argentina sẽ lần đầu chạm trán ở chung kết World Cup trên sân Lusail ngày 18/11. Ảnh: Yahoo Sports

Pháp và Argentina sẽ lần đầu chạm trán ở chung kết World Cup trên sân Lusail ngày 18/11. Ảnh: Yahoo Sports

Trước Qatar 2022, Argentina đã 5 lần vào chung kết World Cup. Ở kỳ World Cup đầu tiên năm 1930, họ thua chủ nhà Uruguay với tỷ số 2-4. Sau đó, Argentina hưởng liên tiếp hai niềm vui chiến thắng khi lần lượt hạ Hà Lan 3-1 trên sân nhà năm 1978, rồi đánh bại Tây Đức 3-2 tại Mexico 1986.

Tại Italy bốn năm sau, Tây Đức đã phục thù khi hạ bệ Argentina nhờ cú đá phạt đền của Andreas Brehme. Kết quả tương tự diễn ra trên đất Brazil năm 2014, khi Lionel Messi và đồng đội thua Đức 0-1 bởi pha lập công của Mario Gotze ở hiệp phụ. So với World Cup, thành tích của Argentina trong các trận chung kết Copa America tốt hơn, với 15 chiến thắng và 14 trận thua.

Pháp cũng mới hai lần vô địch World Cup, dù vào chung kết ít hơn Argentina. Đại diện châu Âu lần đầu đăng quang trên sân nhà năm 1998, khi thắng Brazil - khi đó là đương kim vô địch - với tỷ số 3-0 nhờ cú đúp của Zinedine Zidane cùng pha lập công của Emmanuel Petit.

Tại chung kết World Cup 2006, Zidane tiếp tục nổ súng với pha đá phạt đền kiểu panenka ngay phút thứ 7. Hơn 10 phút sau, trung vệ Marco Materazzi đánh đầu gỡ hòa cho Italy. Điểm nhấn trong phần còn lại là việc Zidane húc đầu vào ngực Materazzi và nhận thẻ đỏ trực tiếp ở hiệp phụ. Vắng Zidane, Pháp không thể duy trì được thế trận áp đảo để rồi thua Italy 3-5 trong loạt luân lưu.

Năm 2018, Pháp lại đăng quang sau một chiến thắng áp đảo nữa, khi đè bẹp Croatia 4-2 tại Moscow, Nga. Đoàn quân của HLV Deschamps khi đó được đối phương "biếu" bàn mở tỷ số từ tình huống Mario Mandzukic phản lưới. Ba bàn còn lại của "Les Bleus" được ghi bởi Antoine Griezmann, Paul Pogba rồi Kylian Mbappe.

Deschamps an ủi Messi sau khi tuyển Pháp của ông loại Argentina ở vòng 1/8 World Cup 2018. Ảnh: AFP

Deschamps an ủi Messi sau khi tuyển Pháp của ông loại Argentina ở vòng 1/8 World Cup 2018. Ảnh: AFP

Ngày 14/12, Pháp "giải mã" hiện tượng Morocco bằng thắng lợi 2-0 ở bán kết nhờ hai pha dứt điểm cận thành của Theo Hernandez và Randal Kolo Muani. Nhờ đó, họ tái lập kỳ tích vào chung kết World Cup hai kỳ liên tiếp của Italy (1934-1938), Brazil (1958-1962), Hà Lan (1974-1978) và Argentina (1986-1990).

Nếu tiếp tục vào chung kết tại Mỹ - Mexico - Canada năm 2026, Pháp sẽ thành đội tuyển thứ ba vào chung kết ba kỳ World Cup liên tiếp, sau Đức (1982-1986-1990) và Brazil (1994-1998-2002). Bốn năm sau, những ngôi sao như Kylian Mbappe, Aurelien Tchouameni, Eduardo Camavinga, Christopher Nkunku hay Theo Hernandez vẫn đang ở thời kỳ sung sức nhất trong sự nghiệp.

Nhưng trước mắt, Pháp sẽ hướng đến tham vọng là đội tuyển thứ ba bảo vệ thành công chức vô địch World Cup, sau Italy (1934-1938) và Brazil (1958-1962). Nếu làm được điều này, Didier Deschamps sẽ tái lập kỷ lục vô địch World Cup hai lần liên tiếp của cố HLV Vittorio Pozzo - người từng dẫn dắt Italy tới hai chức vô địch thế giới năm 1934 và 1938.

Deschamps hiện là một trong ba người từng vô địch World Cup trên cả tư cách cầu thủ lẫn HLV, bên cạnh Mario Zagallo của Brazil và Franz Beckenbauer của Đức. Trước khi dẫn dắt đội tuyển quê hương đăng quang tại World Cup 2018, Deschamps là đội trưởng tuyển Pháp vô địch World Cup 1998 và Euro 2000, hồi còn thi đấu chuyên nghiệp.

Chung kết giữa Pháp và Argentina là điều chưa có tiền lệ, nhưng hai đội đã gặp nhau ba lần trong lịch sử World Cup. Năm 1930, Argentina đánh bại Pháp 1-0 ở vòng bảng nhờ công Luis Felipe Monti. Tới World Cup 1978, đại diện Nam Mỹ lại thắng Pháp 2-1 ở vòng bảng, trước khi thẳng tiến đến ngôi vô địch.

Tới vòng 1/8 World Cup 2018, Pháp phục thù trong trận thắng 4-3 giàu cảm xúc. Sau khi Antoine Griezmann đá 11m mở tỷ số, Angel Di Maria và Gabriel Mercado giúp Argentina dẫn ngược. Nhưng siêu phẩm của Benjamin Pavard cùng cú đúp của Mbappe đầu hiệp hai giúp Pháp nhấn chìm Argentina. Đại diện Nam Mỹ chỉ gỡ thêm một bàn nhờ công Sergio Aguero ở phút bù thứ ba.

Bốn năm sau màn rượt đuổi nghẹt thở đó, Pháp vẫn còn bộ khung trụ cột gồm thủ môn Hugo Lloris, trung vệ Raphael Varane, các tiền đạo Griezmann, Mbappe, Olivier Giroud. Ngược lại, trừ thủ quân Messi, Argentina thay máu gần như toàn bộ đội hình khi chỉ còn giữ lại Nicolas Otamendi, Nicolas Tagliafico và Di Maria. Nhưng Tagliafico và Di Maria không có suất đá chính từ đầu giải.

Tổng cộng, hai đội đã chạm trán 12 lần, trong đó Argentina thắng 6, hòa 3 và chỉ thua Pháp 3 lần. Nhưng thành tích đối đầu này chỉ mang tính tham khảo trước trận chung kết trên sân Lusail ngày 18/12, khi Argentina do Messi làm thủ lĩnh gặp Pháp với đầu tầu Mbappe. Cả hai cùng đặt tham vọng giành ngôi sao thứ ba trên ngực áo của đội tuyển.

Trận chung kết World Cup 2022 đặc biệt thế nào? - 2

Cùng chuyên mục

Đọc thêm