Các môn khác

Thể thao Việt Nam chạy đua tìm suất dự Olympic 2024

Tính đến tháng 3/2024, Việt Nam mới có bốn suất chính thức dự Olympic. Đó là Nguyễn Huy Hoàng ở nội dung bơi tự do 800m nam, Trịnh Thu Vinh - 10m súng ngắn hơi nữ, Lê Thị Mộng Tuyền -10m súng trường hơi nữ, và Nguyễn Thị Thật - đua xe đạp đường trường nữ.

Bên cạnh đó, có ba VĐV khác đang nắm chắc, hoặc ở rất gần tấm vé dự Thế vận hội. Tay vợt cầu lông Nguyễn Thùy Linh được đánh giá chắc suất đến Paris nếu không dính chấn thương. Cô hiện đứng thứ 22 đơn nữ thế giới và thứ 16 trên bảng thứ bậc vòng loại Olympic 2024. Ở môn cử tạ, mỗi hạng cân sẽ lấy 10 VĐV dẫn đầu trên bảng thế giới, và Trịnh Văn Vinh đang đứng thứ chín hạng 61 kg nam. Trong khi đó, boxing đang chờ suất chính thức đầu tiên nếu Võ Thị Kim Ánh đánh bại Islem Ferchichi ở hạng 54 kg nữ vào tối nay 11/3, ở vòng loại thứ nhất Olympic.

Nguyễn Huy Hoàng là VĐV nam Việt Nam duy nhất có vé dự Olympic 2024. Ảnh: Lâm Thoả

Nguyễn Huy Hoàng là VĐV nam Việt Nam duy nhất có vé dự Olympic 2024. Ảnh: Lâm Thỏa

Vòng loại các môn sẽ kết thúc muộn nhất vào ngày 30/6, trước khi Olympic khai mạc vào ngày 26/7. Trong hơn ba tháng tới, các VĐV Việt Nam phải chạy đua tham dự các giải để tích lũy điểm, hoặc giữ vị trí trong nhóm có vé đi Paris.

Theo Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao (TDTT) Đặng Hà Việt, ngành đã tính toán kỹ khi đặt chỉ tiêu có 12 đến 15 suất dự Thế vận hội, căn cứ trên thực tế các VĐV có trình độ châu lục trở lên. Chỉ tiêu này tương đương với 14 suất chính thức của Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020, kết hợp ba suất đặc cách ở môn điền kinh (Quách Thị Lan), bơi (Nguyễn Thị Ánh Viên), bắn súng (Hoàng Xuân Vinh) và một suất môn judo (Nguyễn Thị Thanh Thủy) do có VĐV nước khác bỏ cuộc.

Từ báo cáo của các bộ môn, Cục TDTT chọn lọc ra 65 VĐV trọng điểm từ 14 môn thể thao hướng tới Olympic, gồm bơi, xe đạp (1 VĐV), cầu lông, judo (2), canoeing, taekwondo, thể dục dụng cụ, bóng bàn (4), cử tạ (5), bắn cung, rowing (6), điền kinh (7), boxing (8) và bắn súng (11). Trừ xe đạp, canoeing và bóng bàn, 11 môn còn lại đều có VĐV Việt Nam tranh tài ở Olympic Tokyo.

Ngoài Trịnh Văn Vinh, môn cử tạ còn đặt kỳ vọng vào Quàng Thị Tâm hạng 59kg nữ hiện đứng thứ 15 trên bảng thế giới, Phạm Thị Hồng Thanh hạng 71kg nữ đang đứng thứ 12 thế giới. Cơ hội bứt phá cho hai đô cử được xác định là World Cup cử tạ đồng thời là vòng loại Olympic cuối cùng, diễn ra tại Thái Lan từ ngày 31/3 đến 11/4.

Đội tuyển bắn súng Việt Nam, với lực lượng đông nhất, được kỳ vọng giành thêm từ một đến hai suất. Niềm hy vọng số một là nhà vô địch ASIAD 19 Phạm Quang Huy cùng đồng đội Lại Công Minh ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam, Hà Minh Thành – 25m súng ngắn bắn nhanh và Phí Thanh Thảo – 10m và 50m súng trường. Cơ hội cuối cùng cho các xạ thủ là vòng loại Olympic tổ chức tại Brazil từ ngày 11/4 đến 19/4.

Tay vợt số một Việt Nam Nguyễn Thuỳ Linh gần như nắm chắc tấm vé dự Olympic 2024. Ảnh: badminton photo

Tay vợt cầu lông số một nữ Việt Nam Nguyễn Thùy Linh gần như nắm chắc tấm vé dự Olympic 2024. Ảnh: badminton photo

Ở môn điền kinh, hy vọng được gửi gắm vào tổ tiếp sức 4x400m nữ với Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Ngọc, Hoàng Thị Minh Hạnh - những người từng vô địch châu Á 2023, cùng Quách Thị Lan - nhà vô địch ASIAD 18 trở lại sau khi mãn án doping, thế chỗ Nguyễn Thị Huyền đã giải nghệ. Ban huấn luyện tính toán điểm rơi cho đội là các giải điền kinh châu Á, thế giới vào tháng 5 và 6/2024. Trong khi đó, tài năng trẻ Trần Thị Nhi Yến, với kỷ lục cá nhân chạy 100m hết 11 giây 55, được kỳ vọng tạo bước đột phá tiến đến chuẩn A 11 giây 07.

Boxing đặt niềm tin hoàn toàn vào các võ sĩ nữ với tám cái tên. Ngoài Kim Ánh, bảy gương mặt còn lại chỉ còn cơ hội ở vòng loại thứ hai tổ chức tại Thái Lan từ ngày 23/5 đến 3/6. Á quân thế giới hạng 50kg Nguyễn Thị Tâm và HC đồng ASIAD 19 hạng 75kg Lưu Diễm Quỳnh được kỳ vọng cao nhất.

Ngược lại boxing, môn thể dục dụng cụ dựa hoàn toàn vào đội nam với Trịnh Hải Khang (thể dục tự do, nhảy chống), Đặng Ngọc Xuân Thiện (ngựa tay quay), á quân ASIAD 19 vòng treo Nguyễn Văn Khánh Phong và Văn Vĩ Lương (xà kép, toàn năng). Bốn VĐV này còn World Cup TDDC ở Qatar vào tháng 4 để tích lũy điểm số, trước khi dự giải vô địch châu Á tại Uzbekistan vào đầu tháng 5 để xét vé Olympic trực tiếp theo kết quả của từng VĐV.

Trương Thị Kim Tuyền (trái) hướng tới lần thứ hai liên tiếp dự Olympic. Ảnh: Bùi Lượng

Trương Thị Kim Tuyền (trái) hướng tới lần thứ hai liên tiếp dự Olympic. Ảnh: Bùi Lượng

Một số môn dựa trên tích điểm như taekwondo đặt niềm tin vào Trương Thị Kim Tuyền, Bạc Thị Khiêm. Trong khi đó, Đỗ Thị Ánh Nguyệt là tuyển thủ trọng điểm ở nội dung bắn cung một dây nữ. Rowing vẫn chú trọng vào nội dung thuyền đôi nữ. Những môn được dự báo khó khăn nhất trong cuộc giành vé đi Paris 2024 là canoeing, judo và bóng bàn.

Từ ngày 1/2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch duyệt danh sách 65 VĐV trọng điểm, cùng 24 HLV hưởng chế độ dinh dưỡng đặc biệt 640.000 đồng/người/ngày, gấp đôi mức bình thường cho một VĐV cấp ĐTQG. Chế độ này gồm bữa sáng 95.000 đồng, bữa trưa 240.000 đồng, bữa chiều 240.000 đồng, bữa tối 45.000 đồng và 20.000 đồng tiền bổ sung vitamin.

Tuy nhiên, các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, Cần Thơ, TP HCM vẫn phục vụ ăn theo mâm. Một số HLV và VĐV đánh giá cao chất lượng bữa ăn, nhưng cũng đề xuất sớm được phục vụ theo hình thức buffet và có định lượng calo.

Cục TDTT cũng đang cố gắng tháo gỡ sự thiếu hụt bác sĩ thể thao cho các đội tuyển. Quy định tập trung tập huấn của ngành hiện chưa có quy định cụ thể về lực lượng bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng, thể lực đi cùng, nên không có chế độ, kinh phí. Điều này là thiệt thòi lớn cho các VĐV đỉnh cao trong bối cảnh phải tập luyện, thi đấu, cạnh tranh ở tầm thế giới.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm