Các giải khác

Ông Phan Anh Tú: "Đừng bỏ phí khí thế hiện tại của bóng đá nữ Việt Nam"

Hậu vệ Hoàng Thị Loan chụp ảnh cùng người hâm mộ sau trận gặp Mỹ. Ảnh: Đức Đồng

Hậu vệ Hoàng Thị Loan chụp ảnh cùng người hâm mộ sau trận gặp Mỹ ở World Cup nữ 2023. Ảnh: Đức Đồng

- Việt Nam kết thúc World Cup 2023 với ba trận thua, không ghi được bàn và thủng lưới 12 lần. Theo ông, các cô gái Việt Nam đã thu hái được gì ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh?

- Phải khẳng định ngay rằng World Cup vẫn là sân chơi quá lớn với Việt Nam. Qua ba trận đấu, dễ dàng nhận thấy các đối thủ vượt trội thế nào. Họ không chỉ hơn thể hình, thể lực mà còn có kỹ thuật điêu luyện. Có những lúc kỹ năng của Việt Nam không tệ, nhưng sự thua thiệt quá lớn về thể hình, thể lực đã tạo ra giới hạn khiến chúng ta không thể vượt qua.

Dù vậy, các nữ tuyển thủ cũng đã nỗ lực rất lớn. Bước ra một sân chơi lớn nhưng họ cho thấy rõ sự tự tin. Điều này cũng được thể hiện ở những trận giao hữu với các đối thủ châu Âu như Đức, Ba Lan hay thậm chí New Zealand. Không ít lần cầu thủ Việt Nam xử lý kỹ thuật một cách tự tin, dù kỹ năng cần cải thiện nhiều. Họ ý thức được bản thân có gì và không tỏ ra hốt hoảng, choáng ngợp trước các đối thủ ở trình độ cao hơn. Họ còn có những pha bóng tinh quái, cho thấy bản lĩnh dám chơi dám đá.

Dương Thị Vân để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất. Đó là một tiền vệ nhỏ con nhưng có khả năng khống chế bóng và phối hợp tốt. Vân cũng có những pha cài bóng rất có ý đồ và sẵn sàng lăn xả dù thua kém đối thủ rất nhiều về thể hình. Hàng hậu vệ của Việt Nam cũng chơi đầy ấn tượng, trong đó có dấu ấn của các hậu vệ trẻ như Diễm My. Những gì các cầu thủ thể hiện khiến tôi khá bất ngờ.

- Đâu là bước đi tiếp theo để tuyển nữ Việt Nam cải thiện đẳng cấp và trở lại World Cup?

- Việc trở lại World Cup không phải mục tiêu khó với Việt Nam. Dù sao chúng ta cũng là đội tuyển hàng đầu Đông Nam Á. World Cup vừa qua tăng từ 24 lên 32 đội tham dự. Đông Nam Á có hai đội nên khả năng Việt Nam trở lại World Cup là có cơ sở.

Tuy nhiên, để tiệm cận đẳng cấp các đội hàng đầu châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, hoặc các đội châu Âu, là một quá trình gian nan, tiêu tốn nhiều thời gian và đòi hỏi nhiều yếu tố. Trong đó, tôi đánh giá hai yếu tố quan trọng nhất cần cải thiện với bóng đá nữ Việt Nam lúc này là vấn đề con người và tiềm lực kinh tế.

Chúng ta đã chứng kiến yếu tố thể hình, thể lực quan trọng như thế nào với bóng đá nữ, đặc biệt ở trận thua Hà Lan. Đây là vấn đề của cả một thế hệ, không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Tiềm lực kinh tế càng quan trọng hơn. Một kế hoạch phát triển dài hơi, bài bản và có quy mô luôn đòi hỏi kinh phí lớn.

Tiền vệ Dương Thị Vân trong trận gặp Mỹ. Ảnh: Đức Đồng

Tiền vệ Dương Thị Vân trong trận gặp Mỹ. Ảnh: Đức Đồng

- Từng làm trưởng đoàn bóng đá nữ Việt Nam, theo ông, việc tuyển nữ Việt Nam dự World Cup tạo ra cú hích gì cho giải bóng đá nữ quốc gia và sự quan tâm của khán giả với môn này?

- Tôi cho rằng hành trình của tuyển nữ tại World Cup đã làm thay đổi nhận thức xã hội về môn này khá nhiều. Đây là cái được lớn nhất và đáng mừng. Giờ đây, rào cản với các em gái mê bóng đá đã được tháo dỡ khi mong muốn của họ được xã hội và gia đình chào đón. Chúng ta cứ nói xa xôi rằng muốn bóng đá Việt Nam vươn tầm khu vực hay thế giới. Nhưng sự thật là các gia đình còn ngần ngại cho con em theo đuổi bóng đá nữ chuyên nghiệp. Nhiều thành viên của đội tuyển từng bị ngăn cản theo con đường này trước khi có ngày hôm nay. Bây giờ, tôi tin điều đó đã thay đổi.

Các tuyển thủ nữ đã tạo ra nguồn cảm hứng cho hàng triệu thanh thiếu niên Việt Nam và một khí thế rất lớn để phát triển bóng đá nữ. Các em ở nhà tự hào khi thấy các chị thi đấu World Cup nên sẽ có động lực theo đuổi con đường này hơn. Có lẽ trong tương lai, bóng đá nữ Việt Nam sẽ không còn gặp khó trong việc tuyển chọn cầu thủ nữa, không còn cảnh các đội bóng phải giải thể vì thiếu người nữa. Các cầu thủ nữ giờ là niềm tự hào của gia đình.

Tuy nhiên, điều quan trọng là cần làm gì để không uổng phí khí thế ấy. Làm thế nào để huy động nguồn lực xã hội, các địa phương cần có trách nhiệm thế nào để đưa bóng đá nữ lên tầm cao mới. Vấn đề này rất nan giải. Ngay cả bóng đá nam, các đội hạng Nhất, V-League còn thiếu ổn định, gặp nhiều khó khăn để duy trì. Nên bóng đá nữ khó tránh khỏi khó khăn. Chúng ta hy vọng sau World Cup sẽ có thêm nhiều đội nữ, nhiều giải đấu bóng đá nữ.

- Ông nghĩ sao về đề xuất các CLB dự V-League cần thành lập đội nữ như những giải hàng đầu thế giới?

- Đây cũng là một sáng kiến hay, nhưng khả thi hay không thì cần phải xem lại. Các CLB nam mà thành lập đội nữ nữa thì quá tuyệt vời. Nhưng bóng đá nam còn chưa ổn định, liệu họ có làm được hay không? Chúng ta biết các CLB lớn trên thế giới như Real, Barca, Man City hay Lyon đều có đội nữ. Cầu thủ của họ là những ngôi sao lớn nhất tại World Cup 2023. Nhưng đó là khi đội nam của họ đã mạnh, chơi ở một giải đấu có doanh thu hàng tỉ USD. Họ chỉ cần áp dụng mô hình của bóng đá nam sang bóng đá nữ. Còn ở Việt Nam, ngay cả V-League còn vô vàn vấn đề.

Một số nước không có CLB nữ mạnh và cầu thủ của họ phải ra nước ngoài thi đấu để theo đuổi sự chuyên nghiệp. Chúng ta mới có Huỳnh Như, người đã đi bước đầu tiên để sau này Việt Nam có thêm cầu thủ nữ xuất ngoại. Theo tôi, mỗi quốc gia, mỗi nền bóng đá có hoàn cảnh riêng, chúng ta không nên so sánh. Học tập những mô hình tốt ở quốc tế là điều tốt, nhưng không phải mô hình nào cũng hiệu quả với hoàn cảnh riêng của bóng đá Việt Nam.

Đồng đội chia vui cùng thủ môn Kim Thanh sau khi cô đẩy cú sút phạt đền của Alex Morgan trong trận ra quân World Cup nữ trên sân Eden, thành phố Auckland, New Zealand ngày 22/7/2023. Ảnh: Đức Đồng

Đồng đội chia vui cùng thủ môn Kim Thanh sau khi cô đẩy cú sút phạt đền của Alex Morgan trong trận ra quân World Cup nữ trên sân Eden, thành phố Auckland, New Zealand ngày 22/7/2023. Ảnh: Đức Đồng

- Vậy còn băng ghế huấn luyện, theo ông Việt Nam cần một HLV tầm cỡ để kế thừa di sản của HLV Mai Đức Chung hay một giám đốc kỹ thuật để đẩy mạnh đào tạo trẻ?

- Tôi nghĩ với tiến trình phát triển hiện tại của bóng đá nữ Việt Nam, ban huấn luyện hiện tại vẫn phù hợp. Nhưng rõ ràng để nâng tầm, tiếp cận châu Á hay thế giới, các nhà quản lý cần có tầm nhìn xa hơn nhằm kế thừa thành tựu HLV Mai Đức Chung và đội nữ để lại.

Như tôi đã nói, để bóng đá nữ Việt Nam vươn xa là bài toán cần nhiều yếu tố, trong đó có một HLV có tầm cỡ thế giới hay Olympic. Nhưng điều kiện huấn luyện, tuyển chọn cầu thủ phải ở mức nào mới có thể mời người như vậy. Trước hết, phải xây dựng bóng đá nữ có căn cơ, số lượng cầu thủ dồi dào, giải đấu liên tục để duy trì sự quan tâm từ người hâm mộ. Vấn đề đãi ngộ cho cầu thủ phải được cải thiện. Làm được điều đó rồi mới có thể nghĩ đến việc mời một HLV tầm cỡ về để nâng tầm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm