Các giải khác

Ông Đoàn Minh Xương: "HLV Troussier thiếu kế hoạch trước Indonesia"

- Cảm giác của ông thế nào sau khi chứng kiến Việt Nam thua Indonesia ở lượt ba vòng loại hai World Cup 2026 - khu vực châu Á tối qua?

- Giống đa phần người hâm mộ, xem xong trận đấu, tôi rất bực tức, tắt điện thoại đi ngủ luôn vì không muốn xem những thông tin về đội tuyển nữa. Tôi thất vọng vì Indonesia chẳng có gì hay ho, mà Việt Nam cả trận không dứt điểm được cú nào trúng đích. Bàn thua duy nhất lại đến từ bóng bổng, cái này lẽ ra phải hạn chế, phải tập đi tập lại hàng trăm ngàn lần, bố trí con người, cách chống nó như thế nào. Nhưng có vẻ đội tuyển đã không có phương án đối phó ở chi tiết này.

Tôi thấy thương và đồng cảm với cầu thủ. Họ đã nỗ lực hết mình nhưng cách sắp xếp con người của HLV trưởng quá sai lầm. Ông ấy không có kế hoạch cụ thể nào cho trận đấu, nên đội tuyển thua một cách tức tưởi.

HLV Troussier trao đổi với trung vệ Việt Anh và tiền vệ Hoàng Đức trong trận thua Indonesia 0-1 ở lượt thứ ba bảng F vòng loại hai World Cup 2026 - khu vực châu Á, trên sân Bung Karno, Jakarta tối 21/3. Ảnh: Lâm Thỏa

HLV Troussier trao đổi với trung vệ Việt Anh (số 20) và tiền vệ Hoàng Đức trong trận thua Indonesia 0-1 ở lượt thứ ba bảng F vòng loại hai World Cup 2026 - khu vực châu Á, trên sân Bung Karno, Jakarta tối 21/3. Ảnh: Lâm Thỏa

- Dưới thời Troussier, Việt Nam đã thua Indonesia ba bàn từ ném biên. Trước trận thua hôm qua, đội tuyển cũng thủng lưới từ những tình huống tương tự khi gặp U23 Indonesia ở bán kết SEA Games 32 tại Campuchia. Theo ông, tại sao Việt Nam không tìm ra được giải pháp để hạn chế?

- Rõ ràng, HLV Troussier và các trợ lý không rút ra được bài học nào từ những bàn thua ở SEA Games. Thậm chí, trong các bàn thua từ những pha ném biên của cầu thủ Arhan Pramata, chúng ta đều có mặt Võ Minh Trọng và Phan Tuấn Tài. Tôi không đổ lỗi cho cầu thủ, họ chỉ là nạn nhân. Lỗi ở đây là cách tính toán của HLV. Tại sao biết vũ khí lợi hại của đối phương là bóng bổng, là ném biên, mà vẫn để những Minh Trọng, Tuấn Tài, Tiến Dũng đá hàng thủ? Tại sao các hậu vệ cao hơn như Thanh Bình, Thành Chung, Văn Thanh không được bố trí?

Hơn nữa, ném biên không tính việt vị. Nếu thua về chiều cao, chúng ta cần bố trí các cầu thủ về tập trung phòng ngự trong khung thành, bọc lót cho thủ môn Filip Nguyễn có lợi thế cả chiều cao và đôi tay. Trong bàn thua hôm qua, Filip phải lao lên kèm cầu thủ đối phương khi họ ném biên, sau lưng anh không ai lót, để rồi sau đó Filip phải quay về, bị động rồi nhận bàn thua. Một vấn đề cố hữu như vậy mà đội sửa không xong, làm sao có thể chiến thắng?

- So với Asian Cup 2023, HLV Troussier đã gọi lại nhiều cựu binh hơn ở đợt trập trung hiện tại, nhưng họ vẫn phải dự bị. Theo ông, nguyên nhân ở đây là gì?

- HLV Troussier có quyền quyết định tất cả, nhưng phải làm sao cho phù hợp và mang lại kết quả cuối cùng. Tôi nghĩ ông ấy gọi lại những cựu binh chỉ để xoa dịu dư luận.

Hãy nhìn đội hình ra sân, tại sao một cầu thủ vừa bị kỷ luật như Nguyễn Đình Bắc, mới được thi đấu trở lại, không ghi bàn ở V-League lại đá chính? Tại sao Tiến Linh, Quang Hải, Văn Toàn, Văn Thanh đang phong độ cao, ghi bàn đều đặn ở V-League lại phải dự bị cho một đàn em vừa bị kỷ luật? Bóng đá Việt Nam không dư thừa tài năng để Troussier phải xếp những cầu thủ như thế lên ghế dự bị. Chưa kể, những cầu thủ lớn, đang đạt phong độ cao lấy đâu ra động lực để thi đấu khi họ phải dự bị cho đàn em. Hãy nhìn sang Hàn Quốc, Lee Kang-in, cũng là một cầu thủ trẻ và ngôi sao tầm cỡ, phải cúi đầu xin lỗi và bị cho lên ghế dự bị vì cậu ta đã phạm sai lầm. Đó là kỷ luật cần thiết cho cầu thủ trẻ, làm gương và tạo động lực cho các cầu thủ khác.

Tôi cũng thấy, trước đợt tập trung này, HLV Troussier gặp riêng Thành Chung, Đức Chiến rồi khen họ đá hay, đá tốt. Ông ấy mở ra cho họ một cánh cửa, nhưng cũng đóng sập lại, khi bắt họ ngồi dự bị nhìn các đàn em đá vô hồn. Ông bà ta thường nói "dụng nhân như dụng mộc", phải làm cho họ thoải mái, đưa họ vào đúng vị trí để họ đá, chứ không phải gây ức chế thêm cho họ. Rõ ràng, Việt Nam tự làm mình suy yếu, với sách sử dụng nhân sự như vậy.

- Từng dẫn dắt nhiều đội bóng ở giải VĐQG, nếu được đặt vào vị trí HLV trưởng, ông sẽ lên kế hoạch và sắp xếp cầu thủ ra sao khi đối đầu Indonesia trên sân của họ?

- Tôi từng làm HLV trưởng nhiều đội, làm giảng viên bóng đá và cả đời làm bóng đá, nên tôi hiểu chúng ta cần gì. Bóng đá có nhiều biến số, nên HLV phải có kế hoạch cho từng giai đoạn. Nếu là HLV, tôi sẽ cho đội đá phòng ngự - phản công ngay khi nhập cuộc. Mà nếu như vậy, phải đưa Tiến Linh vào sân từ đầu, xếp Văn Toàn đá chính để tận dụng tốc độ, sức càn lướt. Hoàng Đức phải được lên cao, đá trung lộ vì cậu ấy là chân chuyền, và sau lưng Hoàng Đức cần một cầu thủ càn quét, thu hồi bóng. Quang Hải xứng đáng được sử dụng vì độ quái. Bên cạnh đó, tôi sẽ tận dụng chiều cao và kinh nghiệm của Thanh Bình, Đức Chiến, Văn Thanh để hạn chế bóng bổng đối phương.

Tôi không đánh giá thấp sự hiện diện của Hùng Dũng, nhưng cậu ấy bị lãng quên nhiều trận gần đây nên chưa phát huy đúng khả năng. Thái Sơn năng nổ nhưng chỉ lo phạm lỗi. Nhâm Mạnh Dũng sở trường là tiền đạo lệch trái, nên không thể đá trung phong cắm. Riêng Đình Bắc còn trẻ, cần có thời gian nhìn nhận và học hỏi đàn anh, chứ không thể chỉ vào sân rồi ném biên. Mà nếu hôm qua chúng ta muốn "lấy độc trị độc" khi chọn Đình Bắc cho các quả ném biên vào vòng cấm, thì cũng làm chưa tới, vì chúng ta cũng không có ai cao to hơn đối phương để không chiến những quả biên đó cả.

Những điều tôi phân tích ở trên, có lẽ đến HLV phong trào cũng biết, chỉ ông Troussier không biết hoặc cố tình không biết. Sau khi thủng lưới đầu hiệp hai, đội tuyển lẽ ra cần thay đổi ngay cách chơi, có cầu thủ cầm nhịp, giữ bóng phối hợp kéo dãn hàng thủ của họ. Đằng này, đội lại chọn đá ào ạt, phất bóng dài, không tạo ra được cơ hội nào thì làm sao gỡ hòa?

- Bên cạnh việc HLV Troussier bố trí và sắp xếp con người chưa hợp lý, ông đánh giá thế nào về Indonesia với nhiều cầu thủ nhập tịch?

- Tôi thấy Indonesia không có gì ghê gớm. Các cầu thủ nhập tịch của họ vẫn còn non nớt, và lối chơi của Indonesia cũng chưa thanh thoát, hiện đại. Chúng ta đừng đổ lỗi thua do đối thủ nhập tịch, mà cái chính ở đây là do Việt Nam tự bắn vào chân mình thôi. Hơn nữa, những cầu thủ Indonesia nhập tịch đá rất văn minh, bình tĩnh, còn cầu thủ Indonesia gốc lại đá láo, chơi tiểu xảo. Điều đó không có gì lạ cả. Mọi người để ý phút cuối, khi Ricky Kambuaya được vào sân, anh ta liền kéo tay áo khoe cơ bắp để thị uy cầu thủ của mình. Sau đó, khi Việt Nam phản công, cầu thủ 27 tuổi này thất thế nên đốn ngã cầu thủ của chúng ta để ngăn bóng lên. Nhưng đó vẫn là cách sử dụng con người hợp lý của HLV đối phương. Ông Shin Tae-yong biết rõ tính khí của cầu thủ, điểm mạnh - yếu của họ để sử dụng đúng lúc. Ngược lại, cầu thủ giàu kinh nghiệm của Việt Nam chỉ cam chịu trên băng ghế dự bị.

Dàn cầu thủ nhiều kinh nghiệm của tuyển Việt Nam, gồm Văn Thanh, Tấn Tài, Tiến Linh, Quang Hải, Văn Toàn, ngồi trên ghế dự bị trong trận thua Indonesia 0-1 ngày 21/3. Ảnh: Lâm Thỏa

Dàn cầu thủ nhiều kinh nghiệm của tuyển Việt Nam, gồm Văn Thanh, Tấn Tài, Tiến Linh, Quang Hải, Văn Toàn, ngồi trên ghế dự bị trong trận thua Indonesia 0-1 ngày 21/3. Ảnh: Lâm Thỏa

- Dù thua và Việt Nam rơi vào cửa hẹp trong cuộc đua tranh vé đi tiếp, sau trận, HLV Troussier vẫn tươi cười bắt tay, trò chuyện với cầu thủ và HLV đối phương. Ông ấy cũng lạc quan và khen cầu thủ Việt Nam chơi tốt. Ông thấy sao?

- Thật sự, tôi quá ngán ngẩm. Ông ấy có vẻ xem thường người hâm mộ Việt Nam. Một trận bóng đá diễn ra trong 90 phút, mà Troussier lại đi khen mỗi hiệp một. Theo kiểu khen này, chắc FIFA nên thay đổi luật chơi, chỉ đá một hiệp thôi? Troussier nói 80% người hâm mộ muốn VFF sa thải ông ấy vì đang phá nát bóng đá Việt Nam. Đó là do ông ấy nói, nhưng có khi lại đúng sự thật.

Thà Indonesia chơi hay, áp đảo chúng ta và thắng, thì không còn gì phải trách. Đằng này, họ cũng rất bình thường, nhưng đội tuyển lại tự đưa mình vào thế nguy nan, đá bóng mà không giữ được nhịp, cầu thủ vào tình thế khó, chỉ chạy lung tung. Ngay cả khi họ phạm lỗi, tiểu xảo với cầu thủ Việt Nam, tôi cũng không thấy HLV Troussier và các trợ lý đứng dậy phản ứng gay gắt, bảo vệ và tiếp lửa cho đội nhà. Họ chỉ ngồi yên chịu trận. Không có gì thất vọng hơn.

- Ông có hy vọng gì cho trận lượt về ngày 23/6 trên sân Mỹ Đình sắp tới?

- Tôi cũng không muốn chỉ trích, vì như thế là tạo thêm áp lực cho cầu thủ. Nhưng tôi hy vọng Troussier biết lắng nghe và thay đổi. Cần sử dụng những cầu thủ giàu kinh nghiệm cho những trận quan trọng thế này, chứ không thể gọi họ lên rồi không sử dụng. Vũ khí ném biên vẫn là con dao sắc bén của Indonesia, Việt Nam cần phải có cách né đòn. Còn nếu HLV trưởng không thay đổi, vẫn ngoan cố, ngạo mạn, bảo thủ thì kết quả sẽ không thay đổi đâu.

Tôi cũng mong người hâm mộ đến sân thật đông để cổ vũ cho đội tuyển nhà ở Mỹ Đình. Trong những lúc khó khăn thế này, cầu thủ cần người hâm mộ tiếp sức hơn cả. Chỉ cần thắng ở lượt về, chúng ta lại mở ra cơ hội đi tiếp cho mình.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm