World Cup 2022

"Offside": Tình yêu bóng đá của cổ động viên nữ Iran

* Bài viết tiết lộ nội dung phim

Ở Iran, phụ nữ bị cấm tham dự các trận đấu bóng đá từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979. Năm 2006, đạo diễn Jafar Panahi viết kịch bản phim cùng Shadmehr Rastin, dựa trên câu chuyện của con gái đạo diễn bị từ chối vào sân vận động. Phim ghi hình tại một trận đấu thật của đội tuyển Iran, sau đó bị chính phủ nước này cấm chiếu do "nội dung nhạy cảm".

Năm 2006, tác phẩm giành giải Gấu Bạc vinh danh kịch bản xuất sắc ở Liên hoan phim Berlin (Đức). Năm 2019, phụ nữ Iran đã được đến sân xem bóng đá nhờ quyết định của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA).

Sau 16 năm ra mắt, Offside luôn được đánh giá là bộ phim ca ngợi tình yêu thể thao, phản ánh hiện trạng bất bình đẳng giới.

Tác phẩm có bối cảnh vòng sơ loại World Cup 2006 giữa đội tuyển Iran và Bahrain. Phim mở đầu bằng cảnh một người cha đang tìm kiếm con gái của mình. Trong lúc đó, nhiều người khác cũng cải trang, lẻn vào sân vận động xem trận bóng. Hệ quả là một số cô gái lẻn vào đã bị bắt.

Thông qua những mẩu đối thoại giữa các cô gái và lực lượng cảnh sát, người xem nhận ra Iran là đất nước phụ nữ hiếm khi được xem trực tiếp một trận bóng đá. Họ sốt sắng cầu xin cảnh sát cho vào nhưng bị bắt giữ tại khu vực chờ ở rìa sân vận động. Không thể theo dõi những cầu thủ mình yêu thích, họ vẫn tìm cách để biết diễn biến của trận bóng.

Offside phản ánh hiện trạng bất bình đẳng giới và sự hà khắc của chính quyền Iran. Ảnh: Sony Pictures Classics

Các cô gái đam mê bóng đá trong "Offside". Ảnh: Sony Pictures Classics

Ngoài việc làm khán giả đồng cảm với các cô gái, sự tinh tế của Panahi còn thể hiện trong những phân đoạn tập trung vào người lính. Ở Iran, việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là bắt buộc ở nam giới. Trong phim, những người lính có nhiệm vụ giữ an ninh cho trận đấu nếu không muốn bị cấp trên khiển trách. Đồng thời, họ cũng muốn tự do quyết định cuộc sống riêng. Điều này thể hiện ở cảnh một anh lính buồn bã, nói muốn về nhà chăm sóc mẹ già.

Một trong những cảnh quay ấn tượng nhất trong Offside là khi một trong sáu cô gái muốn đi vệ sinh. Vì không có nhà vệ sinh nữ ở sân vận động, cô buộc phải đi sang khu của nam giới. Sự bất bình đẳng giới được Panahi sắp đặt ở cảnh hài hước khi cô gái phải che mặt bằng một tấm áp phích cầu thủ.

Dàn diễn viên nghiệp dư là điểm gây bất ngờ cho tác phẩm. Xen lẫn chi tiết châm biếm, gây cười là những giây phút bồi hồi. Điển hình là phân đoạn một người lính trở thành bình luận viên cho các cô gái. Anh là cầu nối tinh thần để họ có thể hình dung diễn biến trận đấu. Hay đoạn một cô gái cải trang thành binh lính để trà trộn xem đá bóng là ẩn dụ cho thấy khát khao tự do, thoát ra "khuôn khổ" giới tính để được sống với sở thích.

Tờ Washington Post đánh giá cao kỹ thuật quay phim trong tác phẩm: "Panahi đã lồng chủ nghĩa hiện thực vào điện ảnh, những cảnh trong phim mang tính ngẫu hứng hơn là được dàn dựng". Tờ Guardian gọi Offside là một trong những bộ phim "dễ tiếp nhận, mang sự tinh tế đặc trưng của những nhà làm phim Iran xuất sắc".

Ông Jafar Panahi là một trong những đạo diễn Iran nổi bật đương đại, với các tác phẩm có phong cách điện ảnh nhân văn, khắc họa con người, đất nước Iran. Phim của Jafar Panahi hướng đến chủ nghĩa nhân đạo, khắc họa tính cách đa dạng ở con người. Nhiều năm sau phim Offside, đạo diễn tiếp tục thực hiện các phim phản ánh hiện thực xã hội và trải qua cảnh bị giam lỏng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm