Các giải khác

Những góc tối trước World Cup nữ 2023

Tuy phát triển nhanh và ngày càng được chú ý, bóng đá nữ còn tồn tại những góc khuất khiến nó bị kìm hãm. Đây không phải những vấn đề mới, nhưng FIFA hay liên đoàn bóng đá các quốc gia chưa thể giải quyết triệt để, khiến tình trạng bất bình đẳng và thiếu lành mạnh còn tồn tại trong môi trường tập luyện và thi đấu của các nữ cầu thủ.

Trước giải đấu, FIFA bị chỉ trích khi công bố tiền thưởng cho các đội tuyển tham dự World Cup 2023. Tổng tiền thưởng là 110 triệu USD, chỉ bằng một phần tư so với World Cup 2022 cho các đội tuyển nam. Một số đội tuyển cũng lên án việc FIFA giao việc xét nghiệm giới tính cho từng quốc gia thực hiện. Trước đó, cơ quan điều hành bóng đá cấp cao nhất chỉ định bác sĩ riêng cho công việc này, nhưng bị một số cầu thủ lên án vì quy trình phức tạp và phiền nhiễu.

(Từ trái sang) Mapi Leon, Lola Gallardo và Patricia Guijarro chia vui sau khi giúp Tây Ban Nha đánh bại Đan Mạch ở vòng bảng Euro 2022. Cả ba đều không dự World Cup 2023. Ảnh: Pics Action

(Từ trái sang) Mapi Leon, Lola Gallardo và Patricia Guijarro chia vui sau khi giúp Tây Ban Nha đánh bại Đan Mạch ở vòng bảng Euro 2022. Cả ba đều không dự World Cup 2023. Ảnh: Pics Action

Bê bối cũng xuất hiện ở nhiều đội tuyển, khiến một số cầu thủ đáng ra có mặt tại Australia và New Zealand nhưng lại ở nhà. Tháng 9 năm ngoái, không hài lòng với cách làm việc của HLV trưởng Jorge Vilda, 15 tuyển thủ viết thư cho Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha (RFEF) để phàn nàn. Họ dọa sẽ rút khỏi đội tuyển nếu không có thay đổi.

Tuy nhiên, RFEF tỏ ra cứng rắn, tuyên bố không cho phép cầu thủ nghi ngờ năng lực và gây sức ép để thay HLV lẫn ban huấn luyện". Vilda thì tuyên bố ông chưa từng nghĩ đến việc từ chức. Cuối cùng, một số cầu thủ nhượng bộ. Ba trong số những người ký đơn khiếu nại, gồm hai cầu thủ thuộc biên chế Barca Aitana Bonmati và Mariona Caldentey và một người đang chơi cho Man Utd Ona Batlle, vẫn có tên trong danh sách dự World Cup. Nhưng một vài người khác như hậu vệ cùng Barca vô địch Champions League Mapi Leon thì ở nhà.

Chuyện tương tự xảy ra ở đội tuyển Pháp. Hồi tháng 2, thủ quân Wendie Renard tuyên bố cô có thể rút khỏi World Cup để bảo vệ sức khỏe tinh thần của bản thân. "Khuôn mặt tôi có thể che giấu nỗi đau nhưng trái tim tôi phải chịu đựng. Tôi không muốn như vậy nữa", hậu vệ này viết. Hai tiền đạo Marie-Antoinette Katoto và Kadidiatou Diani cũng nói họ đang cân nhắc ở nhà.

Các cầu thủ lên án phong cách huấn luyện của HLV Corinne Diacre, người đã tước băng thủ quân của Renard năm 2017 rồi trao lại vào năm 2021. Tiền vệ Amandine Henry, người không dự World Cup 2023 do chấn thương cơ, tiết lộ không khí căng thẳng khiến cô và đồng đội khóc trong phòng thay đồ ở World Cup 2019.

Tân HLV tuyển Pháp Herve Renard và hậu vệ Wendie Renard trong một buổi họp báo vào tháng 4/2023. Ảnh: AFP

Tân HLV tuyển Pháp Herve Renard và hậu vệ Wendie Renard trong một buổi họp báo vào tháng 4/2023. Ảnh: AFP

Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Pháp Philippe Diallo đã thành lập một uỷ ban điều tra gồm bốn người. Uỷ ban này kết luận mâu thuẫn nội bộ của tuyển Pháp không thể hàn gắn. Tháng 3, Diacre bị sa thải. HLV Herve Renard, người từng giúp tuyển nam Arab Saudi đánh bại Argentina ở World Cup 2022, được bổ nhiệm thay thế. Renard và Diani đều có tên trong danh sách tuyển Pháp dự World Cup 2023.

Tuyển Anh thì gặp vấn đề trong việc chia tiền thưởng cho cầu thủ. Mỗi cầu thủ dự World Cup được FIFA trả 30.000 USD. Càng vào sâu, tiền thưởng càng tăng. Thành viên của đội vô địch sẽ bỏ túi 270.000 USD. Bên cạnh đó, FIFA cũng chia cho các liên đoàn 1,56 triệu USD nếu dừng bước ở vòng bảng và 4,29 triệu USD nếu vô địch.

Liên đoàn bóng đá Anh (FA) từ chối chia số tiền thưởng này cho các tuyển thủ, khiến họ bất mãn. Tuyển Anh từng gây tiếng vang khi vô địch Euro 2022, giải đấu họ đăng cai, và tạo hiệu ứng truyền thông lớn. Tháng 10 năm ngoái, khán đài 80.000 chỗ của sân Wembley chật kín khi Anh đánh bại Mỹ trong trận giao hữu. Các cầu thủ cho rằng nỗ lực của họ mang lại lợi ích cho FA nên xứng đáng được thưởng.

Tuyển Anh đến Australia và New Zealand dự World Cup trong sự thất vọng với cách chia thưởng của FA. Ảnh: AP

Tuyển Anh đến Australia và New Zealand dự World Cup trong sự thất vọng với cách chia thưởng của FA. Ảnh: AP

Tháng 9 năm ngoái, Liên đoàn Bóng đá Mỹ thông báo 90% tiền thưởng nhận từ FIFA sẽ được chia cho cầu thủ. Không những vậy, hai đội tuyển nam nữ nước này còn ký thỏa thuận chia đều tiền thưởng. Đồng nghĩa 90% số tiền 13 triệu USD được thưởng nhờ vào thành tích lọt vào vòng 1/8 World Cup 2022 của tuyển nam được chia đều cho các tuyển thủ nữ. Ngược lại, tiền thưởng từ World Cup nữ 2023 cũng được Mỹ chia đều cho các tuyển thủ nam. Nhiều cầu thủ Anh cho rằng đây là cách làm đúng mà FA cần học hỏi.

Khi Haiti đánh bại Chile 2-1 để lần đầu giành vé dự World Cup hồi tháng 2, quốc đảo vùng Caribe này được sống trong những ngày lễ hội. Tuy nhiên, bữa tiệc đó không đủ xua tan bê bối xoay quanh Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Haiti Yves Jean-Bart, người bị Uỷ ban đạo đức FIFA kết tội xâm hại tình dục cầu thủ nữ hồi năm 2020 và bị cấm hoạt động bóng đá trọn đời.

Jean-Bart phủ nhận cáo buộc này. Tháng 2/2023, Tòa trọng tài thể thao huỷ án phạt, cho rằng quá trình điều tra của FIFA có mâu thuẫn và thiếu chính xác trong lời khai của các nhân chứng. Tòa cũng nhận định rằng thông tin do Tổ chức theo dõi nhân quyền và Hiệp hội cầu thủ quốc tế (FIFPro) cung cấp là thiếu thuyết phục. Kết quả, luật sư của Jean-Bart tuyên bố ông không còn bị cấm và sẽ tiếp tục giữ chức chủ tịch liên đoàn.

Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Haiti Yves Jean-Bart rời văn phòng công tố sau phiên điều trần về tội xâm hại tình dục với cầu thủ nữ. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Haiti Yves Jean-Bart rời văn phòng công tố sau phiên điều trần về tội xâm hại tình dục với cầu thủ nữ. Ảnh: Reuters

FIFA sau đó kháng cáo lên Tòa án tối cao Liên bang Thụy Sĩ nhưng bị bác đơn vào ngày 6/7. Tuy vậy, cơ quan điều hành bóng đá cao nhất thế giới không thay đổi quan điểm về Jean-Bart. Họ không mời ông dự World Cup dù bị lãnh đạo này lên án.

Ở Canada, các nữ tuyển thủ đe dọa đình công sau khi cáo buộc Liên đoàn Bóng đá nước này không hỗ trợ cần thiết. "Dù chúng tôi có bề dày thành tích và tạo ra những thành công mang tính lịch sử trong hơn một thập kỷ qua, liên đoàn vẫn thông báo không có đủ tiền cho các chương trình và dự án đào tạo trẻ. Bây giờ, đội tuyển nữ quốc gia chuẩn bị thi đấu ở đẳng cấp thế giới mà không có sự hỗ trợ như đội tuyển nam vào năm ngoái", hiệp hội cầu thủ nước này viết trên Twitter.

Các nữ tuyển thủ Canada làm chứng chống lại Liên đoàn bóng đá nước này trong phiên điều trần trước Uỷ ban thường trực Hạ viện Canada hồi tháng Ba. Ảnh: AP

Các nữ tuyển thủ Canada làm chứng chống lại Liên đoàn bóng đá nước này trong phiên điều trần trước Uỷ ban thường trực Hạ viện Canada hồi tháng Ba. Ảnh: AP

Trước đó, tuyển nữ Canada đã đánh bại kình địch Mỹ ở bán kết trên đường giành HC vàng Olympic Tokyo 2021. Hồi tháng 3, các cầu thủ gửi đơn phản đối đến Quốc hội. "Những cầu thủ như chúng tôi đôi khi phải tự chọn cách chữa trị chấn thương khi số lượng nhân viên y tế của đội bị cắt giảm", tiền vệ tuyển Canada Quinn nói trong buổi điều trần tại Ottawa.

Christie Sinclair, cầu thủ ghi bàn nhiều nhất trong lịch sử tuyển nữ Canada, cho biết cô đã nói vấn đề này với cựu chủ tịch liên đoàn Nick Bontis, người từ chức hồi tháng 2, nhưng không được giải quyết.

Kết quả của việc này là liên đoàn và đội tuyển nữ Canada đã ký một thỏa thuận tài trợ tạm thời. Nhưng đây không phải phương án lâu dài và việc các cầu thủ có thể dẹp bỏ rắc rối để chuyên tâm mang về chức vô địch World Cup đầu tiên cho Canada hay không vẫn là một dấu hỏi.

(theo Time)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm