Điền kinh

Nguyễn Thị Huyền: "Sau mỗi lần thua, tôi càng thi đấu tốt hơn"

Hôm 15/7, Nguyễn Thị Huyền về thứ năm chạy 400m rào nữ với 58 giây 36, trong khi HC vàng thuộc về Robyn Brown (Philippines) với 57 giây 50. Chân chạy sinh năm 1993 thừa nhận chạy không tốt và tiếc nuối vì Brown là bại tướng của cô ở SEA Games 32. Khi ấy, Huyền về nhất với 56 giây 29, hơn Brown 22% giây.

Một ngày sau thất bại, Huyền sốc lại tinh thần, cùng ba đàn em Nguyễn Thị Ngọc, Nguyễn Thị Hằng và Hoàng Thị Minh Hạnh giành HC vàng 4x400m tiếp sức với thời gian 3 phút 32 giây 36 trên SVĐ quốc gia Suphachalasai. "Tôi tập chạy đã gần 20 năm nên không vì thất bại mà áp lực tâm lý", Huyền cho hay. "Sau mỗi lần thi không tốt, tôi càng thúc đẩy bản thân phải tốt hơn ở phần thi tiếp theo".

Hoàng Thị Minh Hạnh, Nguyễn Thị Ngọc, Nguyễn Thị Hằng và Nguyễn Thị Huyền (từ trái sang) nhận HC vàng trên SVĐ quốc gia Suphachalasai, Bang Kok ngày 16/7.

Hoàng Thị Minh Hạnh, Nguyễn Thị Ngọc, Nguyễn Thị Hằng và Nguyễn Thị Huyền (từ trái sang) nhận HC vàng trên SVĐ quốc gia Suphachalasai, Bang Kok ngày 16/7.

Huyền cùng ba đồng đội lần đầu thi đấu cùng nhau tại SEA Games 32, giành HC vàng với 3 phút 33 giây 05. Huyền (30 tuổi), Hằng (26 tuổi) đã có kinh nghiệm thi đấu quốc tế, còn Hạnh (24 tuổi) và Ngọc (21 tuổi) lần đầu góp mặt ở giải châu Á. Tuy nhiên, Huyền cho biết Ngọc và Hạnh rất bản lĩnh và chạy quyết liệt từ đầu, tạo đà cho cô và Hằng bứt lên.

So với SEA Games 32, Ban huấn luyện có một điều chỉnh, khi để Hằng thay Huyền chạy ở lượt cuối. Trong khi đó, VĐV nhỏ tuổi nhất Nguyễn Thị Ngọc chạy lượt đầu và chạm trán những chân chạy tốt nhất của Sri Lanka, Nhật Bản, Ấn Độ. Việc Ngọc bị bỏ xa không nằm ngoài tính toán của Ban huấn luyện. Sau đó, Hạnh thu hẹp khoảng cách, trước khi Huyền tạo cú nước rút quyết định ở lượt ba để Hằng giữ vững khoảng cách về đích đầu tiên.

"Các HLV muốn tạo bất ngờ cho đối thủ", Hằng cho hay. "Thường tôi chạy ở chặng giữa nhưng các HLV muốn thử sức tâm lý ở lượt cuối khi so kè với các đối thủ châu Á".

Đội thay đổi chiến thuật khi Nguyễn Thị Huyền (giữa) chạy cuối ở SEA Games 32 chuyển sang chạy lượt ba, thay Nguyễn Thị Hằng (phải). Ảnh: Hiếu Lương

Đội thay đổi chiến thuật khi Nguyễn Thị Huyền (giữa) chạy cuối ở SEA Games 32 chuyển sang chạy lượt ba, thay Nguyễn Thị Hằng (phải). Ảnh: Hiếu Lương

Việt Nam từng giành HC vàng nội dung này tại Giải điền kinh vô địch châu Á 2017 nhưng thành tích kém hơn là 3 phút 33 giây 22. Bảy năm trước, Huyền chưa lấy chồng, sinh con và sát cánh cùng những đồng đội khác. Đến giờ, Nguyễn Thị Oanh đã giải nghệ, còn Quách Thị Lan và Hoàng Thị Ngọc đang trong thời gian bị cấm thi đấu vì dính doping ở SEA Games 31.

Thành tích ở Asian Athletic Championship AAC 2023 là bước đà để bốn cô gái hướng tới ASIAD 19 tại Trung Quốc. Ở kỳ trước, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Hằng, Hoàng Thị Ngọc và Quách Thị Lan giành HC đồng với thành tích 3 phút 33 giây 23. Nếu giữ vững thành tích như ở giải đấu trên đất Thái Lan, cơ hội tái lập thành tích được đánh giá cao. Tuy nhiên, đội vẫn rất cẩn trọng vì tổ chạy mạnh như Bahrain, Ấn Độ và Trung Quốc chưa tung quân mạnh nhất ở AAC 2023.

Sau tấm HC vàng, bốn cô gái được thưởng nóng 100 triệu đồng từ Liên đoàn điền kinh Việt Nam và một nhà tài trợ. Đội dự kiến sẽ nhận thêm 80 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ, cùng mức thưởng Nhà nước là 70 triệu đồng cho mỗi HC vàng châu Á.

Tấm HC vàng chạy 4x400m nữ giúp Việt Nam thoát cảnh trắng tay tại AAC 2023. Cùng một HC đồng nhảy ba bước nữa của Nguyễn Thị Hường, Việt Nam đứng thứ 13 trên bảng tổng sắp. Nhật Bản dẫn đầu với 16 HC vàng, 11 HC bạc và 10 HC đồng. Philippines và Singapore cùng đứng thứ sáu với hai HC vàng, còn chủ nhà Thái Lan đứng thứ 10 với một HC vàng, một HC bạc và bốn HC đồng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm