Các môn khác

"Người khổng lồ" thắp đuốc tại Asiad 19

Lễ khai mạc Asiad 19 được đánh giá là một kiệt tác công nghệ, và một trong những điểm nhấn là người khổng lồ cầm đuốc được tạo từ công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính (CGI).

Mô hình này được thiết kế để chạy qua sông Tiền Đường trước khi thắp ngọn đuốc trong sân vận động Olympic Hàng Châu ngày 23/9.

Mô hình khổng lồ được tạo từ máy tính thắp đuốc khai mạc Asiad 19. Ảnh: AP

Mô hình khổng lồ được tạo từ máy tính thắp đuốc khai mạc Asiad 19. Ảnh: AP

Theo ban tổ chức, mô hình được đặt tên là "Mầm Lửa Nhỏ" lấy cảm hứng từ một nam sinh trung học ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Cậu học sinh tên Gao Yu đang học ở Trường Trung học Quảng Châu Yuyan ở quận Huangpu, là người được chọn sau khi ban tổ chức Asiad 19 mở cuộc tìm kiếm trên toàn Trung Quốc.

Cuộc tìm kiếm thu hút khoảng 100 triệu ứng viên, theo thông tin của Nhật Báo Quảng Châu. Gao được chọn vì đáp ứng các tiêu chí "cao, có tư thế tốt, chơi thể thao và cánh tay khoẻ mạnh".

Học sinh trung học năm đầu tại Trung Quốc thường 14 hoặc 15 tuổi. Gao có mẹ là VĐV chạy cự ly ngắn. Cậu cao 1,8 m và cũng đang tập luyện chạy ngắn.

Để đáp ứng yêu cầu của ban tổ chức, Gao phải mặc đồ CGI và ghi hình các động tác để máy tính mô phỏng. Theo cậu, đây là công việc nặng nhọc nhưng bản thân cảm thấy vinh dự vì được góp sức vào Asiad. "Dù không trực tiếp xuất hiện, việc được tham gia lễ khai mạc và thậm chí thắp ngọn đuốc là trải nghiệm thực sự quý giá với tôi", Gao nói.

Trong lễ khai mạc, mô hình tạo cảm hứng từ Gao đã chạy xuyên qua thành phố Hàng Châu, cùng lúc các nhà cựu vô địch Olympic Trung Quốc như Shi Zhiyong, Gao Ling hay Wang Shun chuyền tay ngọn lửa thật để hướng đến chiếc vạc giữ ngọn đuốc lớn của đại hội.

Để tương xứng với mô hình khổng lồ do máy tính tạo ra, một ngọn đuốc lớn cũng được xây dựng. Theo công ty sản xuất, ngọn đuốc được cấu tạo từ 19 miếng nguyên vật liệu tượng trưng cho số lần tổ chức Asiad.

Đạo diễn lễ khai mạc Sa Hiểu Lan nói: "Chúng tôi muốn buổi lễ tìm về ý nghĩa ban đầu của thể thao. Việc có nhiều người tham gia thắp đuốc càng tạo ra khoảnh khắc đặc biệt".

Trong buổi lễ, người dẫn chương trình cũng đề cập đến việc "Mầm lửa nhỏ" đại diện cho hàng triệu khán giả tại sân vận động cũng như ở nhà.

Hiệu ứng công nghệ được ban tổ chức tối ưu trong lễ khai mạc Asiad 19.

Hiệu ứng công nghệ được ban tổ chức tối ưu trong lễ khai mạc Asiad 19.

Hàng Châu là thành phố lớn thứ 11 Trung Quốc theo dân số, với khoảng 8 triệu người. Nơi này nổi tiếng thế giới về nghiên cứu khoa học, thậm chí đứng thứ 19 thế giới về số lượng ấn phẩm khoa học. Điều đó phần nào được chủ nhà thể hiện qua những hiệu ứng công nghệ trong buổi lễ khai mạc, như pháo hoa điện tử không khói thay thế cho pháo hoa truyền thống, hiệu ứng thủy triều dâng, sóng vỗ 3D và màn thắp đuốc kể trên.

Asiad 19 diễn ra tại Hàng Châu và năm thành phố khác ở Chiết Giang, từ 23/9 đến 8/10/2023, có khoảng 12.000 VĐV từ 45 quốc gia, tranh 481 bộ huy chương từ 40 môn thể thao.

(theo SCMP)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm