Serie A

Khi "Siêu nhân" Buffon ngừng bay

Khi 'Siêu nhân' Buffon ngừng bay

Trận làm khách trên sân Bắc Macedonia hôm nay 9/9 sẽ đánh dấu sự trở lại của huyền thoại Gianluigi Buffon sau gần năm năm, nhưng ở một vai trò mới - trưởng đoàn của đội tuyển Italy.

Buffon trở lại Trung tâm huấn luyện quốc gia Coverciano ngày 4/9, để bắt đầu cương vị mới - Trưởng đoàn đội tuyển bóng đá Italy. Ảnh: FIGC

Trận đấu khai màn bảng B World Cup 1990 cho đến ngày nay vẫn được nhắc tới với tư cách một trong những trận đấu bất ngờ nhất lịch sử giải đấu, khi Cameroon đánh bại ĐKVĐ Argentina của siêu sao Diego Maradona. Màn trình diễn của đại diện châu Phi hôm ấy truyền cảm hứng cho nhiều đội bóng bị xếp chiếu dưới, đồng thời góp phần hình thành nên một nhà vô địch.

Đó là Gianluigi Buffon – người theo dõi trận đấu một mình trong phòng khách và bị thủ môn Cameroon Thomas N’Kono hớp hồn. Cậu bé 12 tuổi choáng ngợp bởi ngoại hình đặc biệt, phong cách nghệ sĩ của N’Kono. Khoảnh khắc thủ môn Cameroon vung người đấm bóng trong một pha phạt góc đã khiến Buffon quyết tâm trở thành một cầu thủ "hoang dã, dũng cảm và tự do".

Năm năm sau, cậu bé ấy bắt đầu chơi trận chuyên nghiệp đầu tiên trong màu áo Parma. Và cậu bé ấy chỉ mất thêm sáu năm nữa để trở thành thủ môn đắt giá nhất lịch sử thế giới. Nhưng phải tới mùa hè 2023, Buffon mới đưa ra quyết định treo găng, khép lại một sự nghiệp hiển hách vượt xa chính thần tượng thời thơ ấu.

'Siêu nhân' trong khung gỗ

Ngày Buffon giải nghệ, nhà báo đồng hương Gabriele Marcotti nhận định: "Gigi là một cầu thủ vĩ đại, bất kể bạn có đánh giá từ góc độ nào". Dù là tài năng, phí chuyển nhượng kỷ lục, sự bền bỉ, tính chuyên nghiệp cho tới những vinh quang, anh đều có đủ. Trong sự nghiệp kéo dài 28 năm của Buffon, điều tiếc nuối lớn nhất là anh chưa từng nâng cao chiếc cup Champions League, dù có đến ba lần vào chung kết.

Nhưng điều đó không khiến tầm vóc của Buffon bớt vĩ đại, khi anh luôn nằm trong danh sách những thủ môn hay nhất mọi thời, dù người bình chọn là khán giả hay các chuyên gia bóng đá. Sinh ra trong một gia đình có gen thể thao với bố, mẹ và các chị đều là những vận động viên ném đĩa hay bóng chuyền chuyên nghiệp, nhưng đến nay, "Gigi" lại là người mang họ Buffon nổi tiếng nhất.

Buffon cùng Parma mừng Cup UEFA năm 1999 - danh hiệu châu Âu duy nhất trong suốt chiều dài sự nghiệp đỉnh cao của anh. Ảnh: AC Parma

Độ dài sự nghiệp của Buffon hiếm ai sánh bằng, khi phần lớn thời gian anh chơi bóng tại đẳng cấp hàng đầu châu Âu. Buffon là chứng nhân lịch sử của dòng chảy bóng đá: trình làng lúc Maradona còn chơi bóng và những siêu sao tương lai Lionel Messi hay Cristiano Ronaldo còn là những cậu nhóc còn Kylian Mbappe thậm chí còn chưa ra đời. Buffon từng chơi bóng cùng Enrico Chiesa tại Parma và hơn hai thập niên sau trở thành đồng đội của con trai ông là Federico Chiesa tại Juventus.

Màn ra mắt đáng nhớ trước AC Milan ngày 19/11/1995 như báo trước một sự nghiệp lẫy lừng của Buffon. Đến giờ, nhiều người vẫn không hiểu lý do HLV Nevio Scala của Parma hôm đó chọn gã trai mới 17 tuổi Buffon bắt chính trước Milan. Theo trang Cult of Calcio, mọi dự báo thời điểm đó đều chỉ ra thủ thành dự bị Alessandro Nista với kinh nghiệm bắt 150 trận tại hai hạng đấu cao nhất Italy sẽ được xếp bắt chính, thay thủ môn số một Luca Bucci bị chấn thương. Nhưng Scala hôm đó chỉ hỏi Buffon xem anh có sẵn sàng ra sân và lập tức điền tên anh vào đội hình chính thức khi nhận được cái gật đầu.

Đối thủ của Parma hôm đó không phải một đội bóng bình thường, đó là Milan của Fabio Capello với ba chức vô địch Serie A trong bốn mùa gần nhất, chưa kể việc mới đăng quang Champions League chỉ hơn một năm trước đó. Nhưng chàng thủ môn trẻ Buffon vẫn chơi bóng đĩnh đạc, ra vào hợp lý và chặn đứng những pha dứt điểm từ các Quả Bóng Vàng Roberto Baggio và George Weah. Anh thậm chí còn nói với các đồng đội sau trận rằng "giá mà họ được thổi phạt đền để tôi có thể cản phá nó".

Buffon ra mắt trong trận Parma 0-0 Milan ngày 19/11/1995.

Buffon chơi hay đến mức huyền thoại Dino Zoff còn phải khẳng định "chưa từng thấy màn ra mắt nào thể hiện bản lĩnh và chất lượng đến vậy", trong khi HLV Carlo Ancelotti nói rằng anh "chẳng khác gì người ngoài hành tinh ở tuổi 17". Không chỉ có phản xạ tốt, Buffon còn cho thấy sự chủ động trong những pha bóng khi trực tiếp băng lên ngăn chặn cầu thủ đối phương thay vì thụ động đứng chờ bóng đến như nhiều thủ môn cùng thời. Chứng kiến màn ra mắt của Buffon tại Parma cũng như những gì anh thể hiện hàng ngày, thủ thành dự bị Nisti chỉ biết ngán ngẩm.

Nisti hồi tưởng rằng ngay từ ngày đầu tới Parma, ông đã nhận ra đội trẻ có một thủ môn siêu phàm. Ông thậm chí còn gọi điện cho người đại diện để trách móc: "Người ta đưa tôi về đây làm gì? Họ có một gã ở đây như thể tài xế Ferrari, trong khi tôi chỉ lái một chiếc xe bình thường!".

Năm 19 tuổi, Buffon đã cho cả hai đàn anh Bucci và Nisti lên ghế dự bị để trở thành thủ môn số một của Parma, đồng thời là người giữ đền trẻ hay bậc nhất châu Âu thời điểm đó. Những pha bay lượn giữa khung gỗ, phản xạ phi thường cùng tốc độ hơn người giúp người hâm mộ Calcio trìu mến đặt cho Buffon biệt danh "Superman", như cách anh ăn mừng với chiếc áo Siêu nhân sau khi chặn đứng một cú penalty từ "Người ngoài hành tinh" Ronaldo.

Buffon chặn quả phạt đền của Ronaldo.

Sau sáu năm khoác áo Parma với danh hiệu đáng nhớ nhất là Cup UEFA (tiền thân của Europa League ngày nay) mùa 1998-1999, anh chuyển sang khoác áo Juventus với giá 46 triệu USD. Đây là kỷ lục chuyển nhượng với một thủ môn, và tồn tại suốt 16 năm đến khi Man City chiêu mộ Ederson năm 2017 với giá 88 triệu USD. Trong 16 năm đó, vô số kỷ lục chuyển nhượng đã bị xô đổ, nhưng kỷ lục của Buffon vẫn lỳ lợm ở đó như chứng tỏ tầm vóc của anh.

"Khi tôi mới sang Juventus, ai cũng bảo họ không thể chi chừng ấy tiền chỉ cho một thủ môn. Nhưng rốt cuộc, tôi đã gắn bó với đội 17 năm và tôi tin rằng mình là một trong những thương vụ thành công nhất lịch sử Juventus. Nếu nhìn lại mọi thứ, có lẽ chẳng ai có thể phủ nhận điều này", Buffon nói trên FourFourTwo năm 2019.

Hè 2001, Juventus thu về 92 triệu USD từ thương vụ kỷ lục bán Zinedine Zidane cho Real Madrid và tái thiết đội hình với ba bản hợp đồng chất lượng Lilian Thuram, Pavel Nedved và Buffon. Đó có lẽ là một trong những kỳ chuyển nhượng thành công nhất lịch sử "Bà đầm già", khi họ đưa về Quả Bóng Vàng tương lai Nedved, cùng với thủ thành hay nhất thế giới trong nhiều năm sau đó. Tại Juventus, thương hiệu "Superman" của Buffon càng được khẳng định với những màn trình diễn đẳng cấp thế giới và phong độ cao trong suốt thời gian dài.

Sự xuất sắc của Buffon thể hiện qua việc anh không chỉ được xem như chuẩn mực, là thần tượng đối với những thủ môn hậu bối đẳng cấp thế giới như Iker Casillas, Manuel Neuer hay Petr Cech... mà còn được đặt lên bàn cân cùng huyền thoại Lev Yashin trong cuộc tranh luận về thủ môn hay nhất lịch sử. Như Marcotti đã nói, Buffon vĩ đại dù xét ở bất kỳ khía cạnh nào.

Nếu phải kể ra một pha cản phá ấn tượng của Buffon, điều đó chẳng khác gì bảo Messi hay Ronaldo chọn ra một bàn thắng ưa thích. Đó có thể là pha cản phá từ cự ly gần khiến tuyển Nga nản lòng trong ngày ra mắt tuyển Italy ở vòng loại World Cup 1998. Hay pha phản xạ không tưởng trước cú đánh đầu như điện xẹt của Filippo Inzaghi trong trận chung kết Champions League 2003, khiến "Pippo" bần thần ôm đầu không tin nổi có người có thể chặn đứng cơ hội mười mươi của anh. Ba năm sau, anh trở thành người hùng của Italy với phong độ xuất sắc xuyên suốt World Cup 2006, với đỉnh cao là pha đấm bóng cản phá cú đánh đầu của Zidane trong hiệp phụ, giúp Italy kéo dài trận đấu tới loạt luân lưu và giành chiến thắng.

Buffon cản cú đánh đầu của Zidane ở chung kết World Cup 2006.

Hình ảnh nhà vô địch Buffon mỉm cười rạng rỡ, đẳng sau lưng là bầu trời Berlin rợp pháo hoa mừng chức vô địch thế giới thứ tư của Italy là vinh quang chói lọi nhất sự nghiệp của anh. Trong cả giải đấu, Buffon chỉ hai lần để lọt lưới: một từ pha phản lưới nhà và bàn còn lại đến từ chấm phạt đền trong trận chung kết. Là thủ môn hay nhất thế giới thời điểm đó, ít người dám tin Buffon có thể ở lại Juventus sau mùa hè 2006, khi đội bóng này bị tước chức vô địch và phải xuống chơi tại Serie B.

Đó là mùa hè của những lời tạm biệt của Juventus, khi một loạt ngôi sao rời bỏ đội bóng: từ Zlatan Ibrahimovic và Patrick Viera sang Inter, Emerson và Fabio Cannavaro chuyển tới Real Madrid cho tới Gianluca Zambrotta cùng Thuram cập bến Barcelona. Nhưng Buffon cùng những trụ cột như Alessandro Del Piero, David Trezeguet hay Mauro Camoranesi vẫn chọn ở lại và đưa Juventus lên hạng. Đó cũng là thời điểm những trụ cột Juventus tương lai như Claudio Marchisio và Giorgio Chiellini bắt đầu có chỗ đứng tại đội bóng, với sự dìu dắt từ những đàn anh kỳ cựu như Buffon.

Chức vô địch Serie B 2006-07 thậm chí còn ý nghĩa hơn một số danh hiệu khác trong bộ sưu tập 28 danh hiệu của Buffon, khi nó cho thấy sự trung thành của anh. Khi kết thúc sự nghiệp, anh có thể tự hào với những gì đã đạt được: 10 chức vô địch Serie A (chưa bao gồm hai danh hiệu bị tước do Calciopoli), số trận ra sân cấp CLB nhiều nhất với một cầu thủ Italy (975 lần), khoác áo tuyển Italy nhiều nhất (176 trận), số trận liên tiếp giữ sạch lưới Serie A nhiều nhất (10 trận), số phút giữ sạch lưới nhiều nhất tại Serie A (974 phút), 13 lần là "Thủ môn hay nhất Serie A", đồng thời được tổ chức IFFHS năm lần chọn là "Thủ môn hay nhất thế giới" và về nhất bình chọn "Thủ môn hay nhất thế kỷ 21".

Buffon cùng các hậu vệ Jean Alain Boumsong (trái) và Jonathan Zebina (phải) mừng khi Juventus vô địch Serie B mùa 2006-2007, qua đó trở lại Serie A chỉ sau một năm bị kỷ luật đánh tụt hạng. Ảnh: Juventus FC

Sự bền bỉ của Buffon thể hiện ở việc anh nhận danh hiệu "Thủ môn của năm" của Serie A trong ba thập niên khác nhau. Điều đó cho thấy Buffon biết cách giữ gìn thể trạng, phong độ và thích ứng với những thay đổi chiến thuật của thời cuộc tốt đến nhường nào. Khi các đội bóng đối mặt Juventus giai đoạn nửa cuối những 2010, ghi bàn là cả một vấn đề.

Kể cả các cầu thủ tấn công có đánh bại được bộ ba trung vệ "BBC" - gồm Bonucci - Barzagli - Chiellini - trứ danh, họ vẫn phải đối mặt với Buffon ở khung gỗ. Chẳng phải ngẫu nhiên mà HLV huyền thoại Fabio Capello từng tuyên bố: "Tôi có thể lập ra hai đội hình với những ngôi sao tôi từng huấn luyện, nhưng Buffon là người duy nhất có mặt ở cả hai đội hình!".

Sau chiến thắng 3-0 sau hai lượt trận tứ kết Champions League 2016-2017 trước Barca, HLV Max Allegri tự hào tuyên bố: "Tôi có cảm giác Juventus có thể chơi trước Barca cả ngày mà không để thủng lưới!". Cuối mùa đó, Juventus vào tới chung kết Champions League và bại trận 1-4 trước Real Madrid. Đó là lần thứ ba Buffon đến gần một danh hiệu Champions League nhưng không thể chạm tới, sau những thất bại trước AC Milan năm 2003 và Barcelona năm 2015. Hai đội bóng kể trên cùng Real Madrid 2017 đều là những tập thể mạnh bậc nhất lịch sử, khiến Buffon trở thành một trong những huyền thoại lớn nhất chưa từng lên đỉnh châu Âu.

Buffon tiếc nuối sau khi cùng Juventus thua Milan trong loạt luân lưu trận chung kết Champions League 2003. Ảnh: AFP

Sự nghiệp hiển hách của Buffon vẫn có những nốt trầm, như những giọt nước mắt đau đớn của anh khi Italy không thể vượt qua vòng loại World Cup 2018, hay việc anh trực tiếp bắt lỗi khiến PSG bị Man Utd loại khỏi Champions League dù được đánh giá cao hơn nhiều. Nhưng nếu nhìn lại cả chặng đường, Buffon luôn cho thấy anh là một chiến binh không để những trở ngại làm nhụt chí.

Tại Euro 2000, Buffon lẽ ra đá bắt chính cho tuyển Italy nếu không gặp một chấn thương và buộc phải ngồi nhà. Người thay thế anh là Francesco Toldo đã chơi một giải đấu để đời, góp công lớn đưa Italy vào đến chung kết với hai pha cản phá 11m thành công trước Hà Lan tại bán kết. Sau giải đấu, Toldo trở thành thủ thành số một của tuyển Italy. Nhưng bằng tài năng và nghị lực, Buffon đã giành lại được vị trí trong vòng loại World Cup 2002 kể từ trận thứ tư và thậm chí còn nhận được sự tán đồng từ Toldo và thủ môn số ba Abbiati.

Buffon là thế, một tài năng xuất chúng khiến những đàn anh cũng phải nể trọng, còn lớp hậu bối như Gianluigi Donaruma cũng phải chờ đến khi anh giã từ đội tuyển mới có chỗ đứng cho bản thân. Những thành công anh có được không phải rơi từ trên trời rơi xuống, mà do tài năng và sức chiến đấu của anh.

Không chỉ chiến đấu trên sân cỏ, anh là một trong những ngôi sao bóng đá hiếm hoi từng công khai việc mắc bệnh trầm cảm vì những áp lực và kể lại hành trình chiến đấu vượt qua căn bệnh đó. Và giữa thời đại mà lòng trung thành ngày càng xa xỉ, việc gắn bó gần trọn sự nghiệp đỉnh cao cùng Juventus rồi trở lại khoác áo đội bóng khởi điểm như Parma trước khi giải nghệ như Buffon càng là của hiếm.

Buffon trở lại khoác áo Parma trong hai năm cuối sự nghiệp - 2021-2023.

Khi nói về quyết định trở lại tuyển Italy với tư cách Trưởng đoàn - thay người tiền nhiệm quá cố Giangluca Vialli, Buffon đã nói rằng anh vẫn khát khao như ngày đầu: "Đứa trẻ bước qua sân tập Coverciano lần đầu 30 năm trước cho đến ngày nay vẫn cháy bỏng giấc mơ và muốn được trải nghiệm giấc mơ cùng người hâm mộ Italy. Chiếc áo Italy luôn là một phần trong cuộc sống của tôi. Đội tuyển quốc gia là ưu tiên số một và sẽ không gì có thể ngăn cản tôi trở về nhà".

Nếu Buffon thực hiện công việc mới tốt như từng thể hiện trong suốt sự nghiệp thi đấu, các tifosi có thể an tâm rằng tương lai của đội bóng đã được đặt vào bàn tay đáng tin cậy của một "Siêu nhân", dù anh không còn bay.

Thịnh Joey

Cùng chuyên mục

Đọc thêm