Ngoại hạng Anh

Guimaraes và chuyện về số áo ma thuật 39

Tôi biết nhiều người nghĩ rằng số áo tôi mặc khá kỳ quặc với một cầu thủ. Nhưng với tôi, 39 là con số đặc biệt. Không, nó còn hơn thế: đó là một con số ma thuật, là con số mang mọi thứ tới cho tôi. Nó đưa tôi tới Newcastle, cho tôi cơm ăn áo mặc và tiền mua vé xe buýt để theo đuổi giấc mơ.

39 là số hiệu chiếc taxi của ba tôi ở Rio de Janeiro.

Bruno Guimaraes ra mắt Newcastle với số áo 39 hồi tháng 2/2022. Ảnh: PA

Bruno Guimaraes ra mắt Newcastle với áo số 39 hồi tháng 2/2022. Ảnh: PA

Cuộc đời tôi, ban đầu, rất đơn giản. Tôi chào đời như mọi đứa trẻ Brazil khác. Từ lúc lên năm tuổi, tôi đã yêu bóng đá. Tụi nhỏ như tôi chơi bóng suốt ngày trên đường phố, với khung thành được xếp bằng những đôi dép. Có khi chúng tôi còn lấy đá hoặc hoa quả rơi trên phố làm gôn, mà cái gì chẳng được cơ chứ. Giải thưởng cũng không quan trọng, dù là lon Coca hay chai Tubaina, chúng tôi chỉ đá vì muốn thắng mà thôi.

Tôi lớn lên ở Vila Isabel, một khu dân cư bị phủ bóng bởi sân vận động huyền thoại Maracana. Nơi này từng cho phép trẻ em dưới 12 tuổi được vào sân miễn phí, vậy nên tụi tôi thường tập trung thành nhóm 20 đứa vào xem đá bóng. Xem Flamengo, Fluminense, Botafogo, Vasco... hay đội nào cũng được, bởi chỉ cần được ở sân bóng đã là một phép màu. Các cầu thủ như những vị Thánh trong mắt chúng tôi, kể cả thủ môn dự bị.

Tôi nhớ có lần đội futsal của tôi tới Sao Januario chơi bóng và cả đội Vasco đều đang tập ở đó. Tôi như phát cuồng, nhưng thời đó, tôi đâu có điện thoại, mà thật ra, đến một mẩu giấy cũng không. Nên tôi chạy ra quầy bánh xin một mẩu khăn ăn và nài nỉ các cầu thủ Vasco: "Vì Chúa, các anh hãy cho em xin chữ ký đi. Em không quan tâm kể cả anh có là nhân viên phục vụ đội!!! Làm ơn ký cho em đi mà!".

Giờ nhìn lại thật buồn cười, nhưng khi đó tôi hoàn toàn nghiêm túc. Tờ giấy ăn bẩn ấy trở thành một kỷ vật thiêng liêng, và đến ngày nay mẹ tôi vẫn giữ kỹ ở nhà. Với tôi, giấc mơ là được trở thành một vị Thánh như những cầu thủ ấy. Nhưng điều buồn cười là ban đầu, mẹ tôi không ưa bóng đá. Ba tôi đam mê bóng đá, nhưng khi ông bảo tôi thử chơi futsal, mẹ gắt ầm lên: "Không! Thằng bé sẽ trở thành VĐV bơi lội! Nhà có một người mê bóng đá như ông là quá đủ rồi, hai người thì tôi chết mất!". Và mẹ đã cố thử cho tôi học bơi trong nửa năm, tới một ngày khi tôi trở về nhà mếu máo: "Mẹ ơi, môn bơi này chẳng phù hợp với con đâu. Con xin lỗi nhưng con cần được chơi bóng!".

Thần tượng của tôi là Ronaldinho, và tôi ban đầu chơi ở vị trí tiền vệ cánh. Khi ấy tôi mỏng cơm lắm, và cứ mỗi khi chơi bóng cả ngày thứ Bảy, tôi luôn năn nỉ mẹ cho tôi mua bánh hamburger ở quầy và chỉ nhận được cái lắc đầu. Mãi về sau tôi mới biết, nhà mình đã nợ tiền quầy thực phẩm nhiều rồi và chỉ trả được vào cuối tháng.

Rất nhiều ngày tôi chỉ uống nước và ăn bánh kẹp cho đỡ đói. Mẹ tôi làm việc trong xưởng sửa xe, còn ba tôi lái taxi. Ở Brazil, nhất là Rio, đây là một cuộc sống khó khăn bởi bạn phải làm việc suốt ngày đêm. Nhưng chiếc taxi màu vàng ấy đã giữ giấc mơ của tôi tồn tại. Gần như thời gian duy nhất tôi được gặp ba là thứ Bảy, khi ông tới xem tôi chơi bóng. Áp lực lắm đấy, vì ba là thần tượng của tôi mà. Tôi không muốn làm ba thất vọng, nhưng ông thật sự khắt khe với tôi. Có lúc ba còn tuyên bố: "Ba chán nhìn thấy con thất bại lắm rồi. Ba sẽ cho con ăn thêm một cái hamburger hôm nay, với điều kiện con phải thắng".

Tôi không hay nghe giới cầu thủ nói về điều này, nhưng khi tôi mới chơi bóng, tôi cứ nghĩ mình chơi dở tệ. Tôi thường dậy trước đêm diễn ra trận đấu với cảm giác nôn nao và bắt đầu nôn oẹ. Những cơn đau đầu, cơn sốt ập tới và tôi chẳng thể ngủ lại. Mỗi khi ra sân, thay vì chơi bóng tự do, tôi chỉ sợ mắc lỗi. Mỗi khi trận đấu diễn ra, tim tôi đập nhanh hơn hẳn. Đó là một bức tường tâm lý.

Thế rồi khi 11 tuổi, tôi chơi một trận đấu mà không nghĩ có ai đang xem. Đương nhiên là tôi toả sáng như một vị thần, vì làm gì có sức ép? Tôi không nhận ra rằng HLV Mario Jorge đang quan sát từ xa cùng các đàn anh. Sau trận đấu, ông tìm tới tôi và hỏi: "Bruno à, thầy muốn hỏi con điều này. Vì sao con không bao giờ chơi được thế này trong các trận đấu thật?".

Tôi trả lời: "Con cũng không biết nữa thầy ạ. Con cảm thấy không thoải mái, khó giải thích lắm".

Thầy động viên tôi: "Nghe này, hãy kệ mọi thứ đi. Cứ chơi bóng cho vui, và xem điều gì sẽ xảy ra".

Sau trận đấu ấy, tôi trao đổi với ba và nói thật suy nghĩ bản thân. Tôi bày tỏ mong muốn ông ngưng đặt sức ép lên tôi mỗi lần ra sân, bởi nó làm tôi căng thẳng vô cùng. Khi người hùng của bạn thúc đẩy bạn, đôi khi mọi thứ quá ngột ngạt. Ơn Chúa, vì ba đã lắng nghe và kể từ ngày đó, mọi thứ thay đổi.

Mỗi khi ra sân, tôi luôn tự nhủ: "Nào, bóng đá thôi mà. Cứ đá như ngày mày còn là thằng nhóc chơi ngoài đường ấy". Sau hôm ấy, tôi phá vỡ được bức tường tâm lý và phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, hành trình của tôi không phải một câu chuyện của một siêu sao. Khi 12 tuổi, tôi tập thử ở Botafogo và Fluminense, nhưng không được nhận. Tôi trải qua khoảng ba, bốn buổi tập ở Botafogo trước khi nhận được cái lắc đầu. Ở Fluminense, tôi trải qua một năm liền đi xe buýt hai tiếng sau giờ học tới sân tập, rồi cũng bị từ chối.

Với một đứa trẻ, đó là một cú sốc đủ sốc đủ đánh gục bạn, và tôi từng nhiều lần muốn bỏ cuộc. Nhưng mỗi lần tôi định buông xuôi, mẹ tôi lại kể cho tôi câu chuyện về Cafu và cách huyền thoại ấy từng bị mọi đội bóng từ chối. Bà nhắc cho tôi nhớ giấc mơ của tôi là gì. Từ một người chỉ muốn tôi bơi lội, bà trở thành cổ động viên nhiệt thành nhất mỗi lần tôi ra sân. Bà đặt niềm tin vào tôi, vì vậy tôi cố gắng bước tiếp.

Cũng nhờ người thầy Mario Jorge, tôi chuyển sang đá tiền vệ phòng ngự khi 13 tuổi. Ông là minh chứng cho việc thiên thần có thật trên đời, bởi ông nhận tôi vào đội Audax Rio mà chẳng cần tập thể. 15 tuổi, tôi có cơ hội chuyển đến Audax Sao Paulo. Đó là một cơ hội cực lớn, nhưng nó đồng nghĩa với việc tôi phải xa nhà và tự lập. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên hành trình dài năm tiếng tới Sao Paulo trên chiếc xe taxi vàng của ba. Ba mẹ tôi phải để tôi ở lại trong một thành phố xa lạ với những đứa trẻ xa lạ, trong một căn phòng tập thể xuống cấp.

Tôi khóc suốt đêm đầu tiên, và cả những đêm sau nữa. Nhiều đứa nhóc khác cũng như tôi. Mỗi tối khi ánh đèn tắt, bạn sẽ thấy những người khác quay lưng và bắt đầu sụt sùi. Ở tuổi ấy, bạn nhớ chiếc giường riêng, mùi hương quen thuộc, chú chó đang chờ ở nhà... Và điều kiện sống trong căn phòng với 18 chiếc giường tầng ấy không được ổn cho lắm. Có lần tôi cho tay xuống gối tìm điện thoại và vớ phải một con chuột khổng lồ. Đến cả tuần sau tôi chẳng dám đụng tới gối.

Rất nhiều lần tôi đã gói ghém hành lý và từng gọi điện xin mẹ tiền đi xe về nhà. Và bà lại động viên: "Cứ bình tĩnh. Không lâu nữa đâu, nhà mình sẽ lại ở bên nhau. Đây là giấc mơ của con và là điều con muốn".

Người cha chạy chiếc taxi số 039 và bà mẹ làm việc trong garage đã giúp Guimaraes nuôi dưỡng, theo đuổi giấc mơ bóng đá. Ảnh: Bruno Guimaraes

Người cha chạy chiếc taxi số 039 và bà mẹ làm việc trong garage đã giúp Guimaraes nuôi dưỡng, theo đuổi giấc mơ bóng đá. Ảnh: Bruno Guimaraes

Ba mẹ thường lái taxi tới thăm tôi mỗi dịp cuối tuần. Kể cả vào ngày nghỉ, ba cũng chẳng thoát nổi chiếc taxi số 39. Suốt ba năm liền, tôi vật lộn với học viện và chưa có một hợp đồng chuyên nghiệp vào năm 17 tuổi. Điều này thật điên rồ khi bạn nghĩ về Vinicius Jr. và Endrick - những "cậu nhóc" bằng tuổi tôi khi đó nhưng đã là ngôi sao của đội. Còn tôi thậm chí đã có kế hoạch dự phòng là làm taxi như ba. Khi ấy, lương học viện là 400 đồng mỗi tháng, nhưng riêng tiền tôi gọi điện về nhà đã tốn hết 100 đồng. Nếu đến 18 tuổi mà vẫn không được ký hợp đồng, tôi cần suy nghĩ thực tế.

Tôi không muốn ba mẹ phải thất vọng, nên tôi nói dối rằng mình đi thi bằng lái vì mơ về một chiếc VW Beetle khi trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Nhưng sự thật là tôi đang chuẩn bị dần cho "cuộc sống tương lai". Tôi đã cách cái tương lai trở thành "số 39" thứ hai của cả nhà chỉ vài tháng, thế rồi mọi thứ diễn biến thần tốc.

Fernando Diniz trở thành tân HLV Audax và trong giai đoạn tiền mùa giải, ông gặp tôi trao đổi: "Bruninho à, bất cứ con đường nào cậu chọn sau này, cậu sẽ trở thành một trong những người giỏi nhất, bởi cậu có quyết tâm và ý chí".

Khi ấy tôi nào đã được ký hợp đồng, nên tôi tự nhủ: "Bất cứ con đường nào à? Thầy nói về bóng đá ư? Hay là mình sẽ trở thành lái xe taxi cừ khôi nhỉ?".

"Cậu có tâm hồn của một cầu thủ vĩ đại", thầy giải thích.

Lúc đó, tôi chỉ nghĩ thầy nói cho vui. Mùa giải tới, và tôi không được Diniz đưa lên đội một. Ngay lập tức, tôi cho rằng ông ấy chỉ là một gã chuyên ba hoa bốc phét. "Tâm hồn cầu thủ vĩ đại" gì chứ cái thứ này?

Nhưng có lẽ Diniz đã nhìn thấy thứ gì đó ở tôi mà chính tôi cũng chẳng hay. Năm lên 19 tuổi, ông trao cho tôi giấc mơ khi xếp tôi ra sân đá giải Paulista - giải vô địch bang Sao Paulo, và tôi nhanh chóng chớp cơ hội. Mọi thứ diễn ra như chớp mắt: chỉ trong bốn năm, tôi - từ một thanh niên thi lấy bằng lái xe taxi - được đem cho Club Athletico Paranaense mượn, vô địch Sudamericana, chuyển tới Lyon và vào đến bán kết Champions League, chuyển sang Newcastle và đạt tới giấc mơ tối thượng: chơi bóng tại Ngoại hạng Anh.

Guimaraes ăn mừng sau khi ghi bàn cho tuyển Brazil.

Guimaraes ăn mừng sau khi ghi bàn cho tuyển Brazil.

Tôi chẳng thể lý giải được gì ngoài một con số: 39. Đây là một con số ma thuật, và tôi sẽ chứng minh cho bạn.

Khi mới tới Athletico Paranaense, tôi trao đổi với ba qua điện thoại: "Bố à, con nên chọn số nào nhỉ? 97 được không, vì con sinh năm 1998".

Ba khẳng khái: "39 thì sao? Nó còn hơn cả một con số. 39 đã cho chúng ta tất cả, Bruno à. Căn nhà, thức ăn, đồ đạc, những đôi giày đá bóng của con... Tất cả đều tới từ chiếc xe ấy".

"Nghe hay đấy bố. Để con hỏi xem số đó đã ai lấy chưa".

Tôi tới đại bản doanh đội để làm các thủ tục, và khi tới phòng thay đồ, tôi thấy trang phục đã được chuẩn bị sẵn cho tôi. Tôi hỏi nhân viên quản lý áo: "Tôi muốn hỏi về số áo của tôi"

"Số ư? Người ta đã chọn cho cậu một số rồi".

Tôi trải chiếc áo ra và không tin vào mắt mình: Số 39.

Người nhân viên nói thêm: "Nếu không thích số này thì cậu cứ việc xin đổi nhé".

"Anh đùa tôi đấy à? Có ai nói chuyện với người đại diện của tôi không mà biết con số này?"

"Hả? Không, chúng tôi chẳng nói với ai cả. Đây là một số đang trống thôi, cậu muốn đổi sang số nào cũng được".

Tôi vội xua tay: "Không, số này là ngon nhất rồi!"

Tôi lập tức gọi điện cho ba và hỏi liệu ông có kể cho ai ở đội mới về số 39 hay không. Ông ngơ ngác không hiểu và khi được tôi giải thích, ông bắt đầu khóc. Cả tôi cũng khóc cơ mà. "Rõ ràng đây là một chỉ dấu. Con sẽ toả sáng ở đây"

Đó là khởi đầu cho giai đoạn đẹp nhất cuộc đời tôi, kéo dài cho tới tận bây giờ. Khi phải ngủ cùng đám chuột, tôi chẳng hề tin vào bản thân. Tôi không kỳ vọng bất cứ thứ gì, và cũng chẳng bao giờ nghĩ sẽ được người hâm mộ Paranaense hô vang tên như những huyền thoại. Tôi cũng chẳng nghĩ có ngày Juninho vĩ đại sẽ gọi điện mời tôi tới Lyon. Tôi cũng không nghĩ mình sẽ có lúc khoác lên màu áo vàng Brazil dự World Cup.

Thật buồn cười bởi khi Newcastle đánh tiếng chiêu mộ tôi năm ngoái, nhiều người đã cảnh báo: "Cậu điên rồi, thương vụ này sẽ là một thảm họa. Đội này cầm chắc suất xuống hạng và cậu sẽ chẳng bao giờ được dự World Cup nếu tới đây". Khi ấy, Newcastle chỉ xếp trên mỗi đội áp chót. Ai cũng biết khó khăn, nhưng giấc mơ của tôi từ năm 15 tuổi là được chơi bóng tại Ngoại hạng Anh.

Vậy nên tôi quyết định tới Newcastle. Nhưng thú thực rằng tôi có nằm mơ cũng không nghĩ mình sẽ được trải nghiệm như thế này. Sẽ là gian trá nếu nói rằng tôi đã biết trước mình sẽ yêu đội bóng này đến thế, rằng tôi đã biết người hâm mộ sẽ chào đón tôi và gia đình như thế này.

Khi mới tới đây, nhiệm vụ của tôi là giúp đội bóng trụ hạng thành công. Tôi vẫn nhớ sau một chuỗi trận thắng, Newcastle vẫn nằm trong nhóm cầm đèn đỏ như thể bị keo dính ở chân. Đội chẳng thể thoát khỏi vị trí thứ 18.

Thế rồi trong trận tiếp Leicester City, bước ngoặt diễn ra và khiến tôi yêu đội bóng này. Tôi ghi hai bàn và cách CĐV Newcastle bùng cháy khiến bạn như chẳng biết mệt mỏi là gì. Tôi không biết vì sao, nhưng chân tôi cứ như có thể chạy mãi. Khi ghi bàn và nghe tiếng gầm từ những khán đài, tôi sởn da gà và biết mình thực sự đang chơi ở Ngoại hạng Anh. Đó là một bầu không khí tôi chưa từng chứng kiến, kể cả ở Brazil. Tôi vẫn nhớ sau trận mình đã gục xuống và cầu nguyện, cảm ơn Chúa vì đã chỉ đường dẫn lối cho tôi tới đây.

Trong phòng thay đồ, chúng tôi đều biết đội sẽ không xuống hạng với tinh thần này. Với tôi, mọi thứ diễn ra sau đó - kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 11, vào chung kết Cup Liên đoàn... - đều có xuất phát điểm là ngày hôm ấy. Tôi hy vọng có thể trở thành một huyền thoại ở đây. Tôi biết Newcastle có thể trở thành một trong những đội bóng lớn.

Bruno Guimaraes, với mái đầu bạc, đang trở thành biểu tượng của một Newcastle mới mẻ, vươn lên thách thức các thế lực truyền thống trong bóng đá Anh. Ảnh: Reuters

Bruno Guimaraes, với mái đầu bạc, đang trở thành biểu tượng của một Newcastle mới mẻ, vươn lên thách thức các thế lực truyền thống trong bóng đá Anh. Ảnh: Reuters

Có lẽ tôi trân trọng những gì mình đang có hơn vì những khó khăn trong quá khứ. Mỗi lần nhìn thấy những cô cậu bé trong chiếc áo số 39 ở Newcastle và mái tóc bạch kim giống tôi, trái tim tôi muốn tan chảy. Những fan nhí ấy gợi nhớ tôi về thằng bé năm xưa chạy tới xin chữ ký các cầu thủ Vasco với chỉ tờ khăn ăn trong tay. Nhiều bà mẹ đã gặp tôi và phàn nàn, đề nghị tôi đổi màu tóc vì "con gái tôi giờ chỉ thích nhuộm tóc bạch kim".

Nó cứ như năm 2002, khi tôi van xin mẹ cho tôi cắt tóc hình lưỡi liềm như Ronaldo. Nhưng giờ đây khi trưởng thành, tôi đã hiểu rằng các cầu thủ không phải những vị thánh. Chúng tôi cũng chỉ là con người, cũng biết lo lắng, biết thất bại.

Nhưng bóng đá vẫn là một trò chơi ma thuật. Mẹ tôi đã đổ mồ hôi trong xưởng sửa xe để vun đắp tương lai cho tôi. Cha tôi lái taxi suốt ngày đêm để tôi có đồ ăn thức uống. Giờ đây, khi ông bước đi trên đường phố ở Newcastle - cách Brazil nửa vòng trái đất, mọi người nhận ra và xin chụp ảnh cùng ông.

Ở đây, ông là người nổi tiếng, là "số 39 huyền thoại". Là số 39 đích thực.

(theo The Player's Tribune)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm