Golf

Golf vào chương trình chính khóa ở một trường tiểu học Hà Nội

Theo kế hoạch công bố mới đây, sẽ có khoảng 518 học sinh CGD, từ khối 1 đến khối 5, được học golf trong năm học mới. Nhà trường dành hai tiết mỗi tuần cho phần giáo dục giáo dục thể chất, trong đó golf chiếm một tiết.

Khi dạy môn thể thao này, đội ngũ giảng viên chuyên ngành, sử dụng phương pháp và giáo cụ SNAG xuất xứ Mỹ, chuyên dành cho người mới học golf, nhất là thiếu nhi. Trong đó, gậy được làm từ nhựa ABS chịu lực còn bóng bằng vật liệu an toàn với hình dáng và kích cỡ tương đương bóng tennis, nhưng trọng lượng gần xấp xỉ bóng golf.

Một buổi học golf cho trẻ em theo phương pháp SNAG tại Việt Nam. Ảnh: VN Centre

Một buổi học golf cho trẻ em theo phương pháp SNAG tại Việt Nam. Ảnh: VN Centre

Chương trình golf ở CGD xoay quanh bốn kỹ thuật cơ bản gồm gạt bóng, vung gậy trọn vòng (full swing) để phát hoặc đánh tầm xa, vung một phần (chip) để đưa bóng vào green tầm gần, vung bán phần hoặc nhỉnh hơn để đưa bóng từ tầm trung đến gần mục tiêu.

Bên cạnh đó, học sinh còn được dạy luật chơi sơ đẳng, các tôn chỉ cốt lõi và nguyên tắc ứng xử trên sân để được tu bổ thêm tính cách chuẩn mực từ bé, bên cạnh lợi ích thể chất. Hoạt động giảng dạy xoay quanh nguyên tắc truyền cảm hứng, kết hợp lý thuyết với thực hành qua các cuộc thi ở dạng trò chơi.

Golf xuất hiện trong chương trình chính khoá 2024-2025 tại trường tiểu học ở Hà Nội cho thấy bước tiến mới để môn này lan toả sâu hơn trong hoạt động phát triển do Hiệp hội Golf Việt Nam (VGA) phụ trách. Khi hình thức như thế được nhân rộng, song song với việc thúc đẩy phong trào, golf Việt Nam có thể sớm tìm ra tài năng để bồi dưỡng, từ đó nâng cao sức cạnh tranh.

Cách tiếp cận này được kỳ vọng giúp nền golf trong nước không chỉ là môn "chơi cho vui khỏe", còn có thể đọ sức ở tầm chuyên môn cao quốc tế, lại có tính hướng nghiệp. Những học sinh theo được nghề golf có thể trở thành chuyên gia huấn luyện hoặc quản lý ngành (golf professional) hoặc du đấu (Tour player) vốn bấy lâu được xem là một phương tiện mưu sinh tại Mỹ (hệ thống PGA Tour và LPGA Tour nhiều cấp độ), châu Á (Asian Tour, Japan Golf Tour, MENA Tour), châu Âu (DP World Tour), Nam Phi (Sunshine Tour). Qua các hệ thống đó, nhiều golfer trở thành huyền thoại hoặc thần tượng và gieo cảm hứng phấn đấu cho thế hệ sau như Arnold Palmer, Jack Nicklaus, Seve Ballesteros, Ernie Els, Sir Nick Faldo, Annika Sorenstam, Park Inbee, Yani Tseng, Tiger Woods, 10 năm gần đây là Rory McIlroy, Jordan Spieth, Scottie Scheffler...

Các tài năng trẻ thuộc ĐTQG tập huấn tại học viện golf quốc tế EPGA và sân golf Vinpearl Hải Phòng từ 5-10/08. Ảnh: VGA

Các tài năng trẻ thuộc ĐTQG tập huấn tại học viện golf quốc tế EPGA và sân golf Vinpearl Hải Phòng từ 5-10/08. Ảnh: VGA

Hai năm gần đây, các tài năng trẻ, đặc biệt lứa U18, đã giúp golf trong nước tiến bộ vượt bậc trong thi đấu quốc tế, mà nổi bật là Lê Khánh Hưng và Nguyễn Anh Minh tại SEA Games 22 ở Campuchia. Bộ đôi này đã mang về hai huy chương golf đầu tiên cho Việt Nam trong lịch sử SEA games, trong đó Khánh Hưng đoạt vàng, Anh Minh nhận đồng. Sau đó, cả hai hợp sức để đội nhà lấy thêm HC bạc nội dung đồng đội.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm