Ngoại hạng Anh

Giải mã lối pressing giúp Arsenal thành công

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi đầu mùa giải này, khi được phóng viên hỏi có những kỳ vọng gì trong lối chơi của Arsenal, HLV Mikel Arteta đáp ngắn gọn: "Pressing để bóp nghẹt đối thủ, tạo thật nhiều cơ hội và không để thủng lưới". Tóm lại, chiến lược gia người Tây Ban Nha muốn các học trò phải giành quyền kiểm soát thế trận bằng cách liên tục gây sức ép, qua đó không cho đối thủ có cơ hội để chơi bóng.

  • Nhận định bóng đá Chelsea vs Arsenal, 23h30 ngày 21/10

Nếu quan sát kỹ cách chơi của Arsenal gần đây, có thể nhận thấy rằng, các hậu vệ của Arsenal dâng khá cao. Họ không chỉ “yên phận” trong nhiệm vụ phòng ngự trước cửa khung thành của đội nhà, mà còn góp phần không nhỏ để tạo sức ép lên phía đối thủ. Trong đó, trung vệ William Saliba hay hậu vệ trái Oleksandr Zinchenko thể hiện rất xuất sắc bằng cách pressing ngay khi cầu thủ bên kia chiến tuyến có bóng trong chân, đồng thời tích cực đẩy bóng lên phía trên cho đồng đội để đảm bảo sự liền mạch trong cách dồn ép đối phương.

Arsenal vô cùng nguy hiểm ngay cả khi không có bóng

Triết lý kiểm soát của HLV Arteta vẫn luôn là tôn chỉ. Nhưng sự tiến bộ rõ rệt mang tính bước ngoặt của Arsenal nằm ở cách vận hành hiệu quả khi không có bóng, với một hệ thống pressing nhịp nhàng qua từng bộ phận để chiếm lĩnh không gian và đoạt lại bóng. Chính lối chơi không bóng hiệu quả giúp Arsenal dần từng bước tìm ra những điểm yếu của các đối thủ mạnh như Man City hay Tottenham…, nhờ đó có những phương án khắc chế hữu hiệu. 

Trong lối chơi hiện giờ của "Pháo thủ", bên cạnh việc dốc toàn lực để gây bất ổn cho các hậu vệ và tiền vệ đối phương, họ còn chủ động "đi tắt, đón đầu", đánh chiếm các vị trí có thể xem là khởi phát cho các đợt lên bóng của kẻ địch. Đơn cử như trong trận tranh Community Shield với Man City, Arsenal đã làm được điều này bằng cách đẩy tiền vệ trung tâm Declan Rice lên hơi cao để tạo với Martin Odegaard và Kai Havertz thành bộ ba gây sức ép với đội bóng thành Manchester. 

Arsenal đánh bại Man City nhờ giỏi chiếm lĩnh không gian để giành thế chủ động

Nhiệm vụ của bộ ba này là cố gắng tìm cách phong tỏa hai phần ba phần sân của Man Xanh, bằng cách thường xuyên gây sức ép lên thủ môn, cặp trung vệ và các tiền vệ trung tâm. Đã có nhiều thời điểm ở trận Community Shield, hàng tiền vệ của Arsenal pressing dồn dập tới mức đánh dạt các tiền vệ trung tâm của Man City, khiến nhà đương kim vô địch giải Ngoại hạng Anh và Champions League phải chuyển hướng sang tấn công biên. 

Trong trận thắng Man City 1-0 gần đây nhất trong khuôn khổ giải Ngoại hạng Anh cũng vậy, Arsenal đã giành chiến thắng nhờ giỏi đánh chiếm khoảng trống, chiếm hữu được khu trung tuyến. Các “Pháo thủ” đã khiến tuyến giữa của đội bóng thành Manchester bị chia cắt hoàn toàn với tuyến trên, dẫn đến việc tiền đạo Erling Haaland thường xuyên trong tình trạng “đói bóng”. Tất nhiên cũng không thể không đề cập đến một vấn đề khách quan của Man City dẫn đến sự lép vế, đó là sự vắng mặt của tiền vệ Rodri do đang phải chịu án treo giò.

Không hề quá lời nếu nói rằng, khả năng đánh chiếm không gian, “bao thầu” các khoảng trống trên sân của Arsenal tại giải Ngoại hạng Anh mùa này xứng đáng được gọi là “thiên hạ không địch thủ”. Sự xuất hiện của tiền vệ Declan Rice chính là chìa khóa mở ra thành công trong cách vận hành của đội bóng thủ đô London. Bản hợp đồng trị giá gần 120 triệu euro của Arsenal tỏ ra vô cùng ăn ý với đội trưởng Odegaard để thực hiện tốt yêu cầu đặt ra của HLV Arteta: Pressing đối thủ ngay cả khi không có bóng trong chân.

Ở trận Derby London sắp tới trên sân Stamford Bridge, Chelsea chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trước lối đá rất khó chịu này của "Pháo thủ"!

CHELSEA VS ARSENAL - DERBY RỰC LỬA THÀNH LONDON VỚI NHỮNG BẤT NGỜ KHÔNG AI TƯỞNG TƯỢNG NỔI


 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm