La Liga

Deco coi chừng khó ở vì di sản của Alemany

Alemany chính là một trong những nhà quản lý đầu tiên, và quan trọng nhất mà chủ tịch Joan Laporta đưa về Barca. Vì ngày 7/3/2021, Laporta vừa chiến thắng trong cuộc bầu cử thì đến ngày 26/3, ông đã bổ nhiệm cựu CEO của Valencia vào ghế giám đốc bóng đá. Và Alemany, cùng với cựu GĐTT Jordi Cruyff chính là những người đứng đằng sau màn hồi sinh của Barca.

Bộ đôi này tất nhiên không phải những người kích hoạt 4 “đòn bẩy tài chính”, cách gọi hoa mỹ của việc bán bớt tài sản của CLB để trang trải. Nhưng họ đã giúp Barca trở thành người tiêu tiền thông thái, khi đem về những Raphinha, Jules Kounde và Robert Lewandowski. Không chỉ vậy, Alemany còn cho thấy tài năng đáng nể của một phù thủy tài chính, khi thổi bay hơn 300 triệu euro trong quỹ lương của đội bóng xứ Catalunya.

Khi Alemany mới được bổ nhiệm làm giám đốc bóng đá, Barca đang sở hữu một đội hình với nhiều tên tuổi già cỗi, hết động lực nhưng lại hưởng lương rất cao. Quỹ lương của Barca khi ấy lên đến 708 triệu euro, một con số mà bình thường, họ vẫn kham được. Nhưng nó lại trở nên vượt mức chịu đựng, trong bối cảnh doanh thu của CLB sụt giảm nghiêm trọng vì dịch bệnh.

Alemany đã thành công tiễn chân những công thần lương cao như Pique, Busquets và Alba.

Vậy là Alemany bắt đầu xắn tay vào dọn dẹp. Trong hơn 2 năm ông làm việc ở Camp Nou, Barca đã tiễn ba công thần lương cao là Gerard Pique, Sergio Busquets và Jordi Alba. Những “cục nợ” như Antoine Griezmann, Trincao, Samuel Umitit, Clement Lenglet hay Sergino Dest cũng lần lượt bị thanh lý. Trong khi đó, những cầu thủ không có vị trí hoặc chủ động muốn ra đi như Ousmane Dembele, Franck Kessie, Nico Gonzalez, Ansu Fati, Eric Garcia và Ez Abde cũng được tạo điều kiện để rời CLB.

Hàng loạt sự ra đi ấy đã giúp Barca tiết kiệm được hơn 300 triệu euro tiền lương, trong đó riêng mùa trước đã là 161 triệu euro. Từ con số 708 triệu euro, tổng quỹ lương của đội một Barca giờ chỉ còn là 404 triệu euro. Đó là chưa kể, những vụ chuyển nhượng của Griezmann, Trincao, Kessie, Nico, Dembele và Ez Abde còn giúp người Catalunya bỏ túi 96 triệu euro.

Nhưng bất chấp những xáo trộn về lực lượng, Barca vẫn duy trì được sức mạnh và khả năng cạnh tranh các danh hiệu, mà chức vô địch La Liga mùa trước là minh chứng. Nói cách khác, đội chủ sân Camp Nou vừa cắt giảm được chi phí, vừa bảo toàn được sức chiến đấu. Và người tạo ra điều kỳ diệu ấy, không phải ai khác ngoài Alemany.

Tuy nhiên, giờ thì Alemany đã chia tay Barca. Lần này là thật, chứ không phải “báo động giả” như khi ông suýt đến Aston Villa để làm việc với HLV Unai Emery hồi tháng 5 nữa. Việc Barca bổ nhiệm Deco vào ghế GĐTT thay Jordi Cruyff, đồng thời giao toàn quyền quyết định về chuyển nhượng cho cựu tiền vệ này, đã khiến Alemany không hài lòng và quyết định ra đi.

Liệu Deco có đủ năng lực thay thế Alemany?

Đây sẽ là một mất mát lớn cho Barca. Nhìn dưới một góc độ, nó thậm chí có thể coi là một quyết định “tự sát” của chủ tịch Laporta. Vì một nhà quản lý bóng đá cần đáp ứng những yêu cầu đặc biệt, từ sự am hiểu sâu rộng về thị trường, mạng lưới quan hệ và phải hiểu rõ cách vận hành của các CLB.

Alemany - người có cả bằng luật lẫn tài chính, đã đảm nhiệm vai trò CEO của Valencia, chủ tịch Mallorca và thậm chí, từng chạy đua đến chức chủ tịch LĐBĐ Tây Ban Nha - có thừa những phẩm chất ấy. Nhưng Deco, người đang hành nghề đại diện cầu thủ trước khi được đặt vào ghế GĐTT của Barca, thì không ai dám chắc. Vì thế, chưa biết chừng cựu danh thủ này sẽ chết chìm tại Camp Nou. Nơi Alemany và Jordi Cruyff để lại một di sản quá lớn.

HLV Xavi tán dương Alemany
Muốn biết một người giỏi ra sao, thì hãy hỏi người làm việc cùng anh ta. Và đây là những gì HLV Xavi nhận xét về cựu giám đốc bóng đá Mateu Alemany: “Mateu đã làm được những điều không tưởng. Barca sẽ không thể hồi sinh như hiện tại nếu không có ông ấy và Jordi Cruyff”.

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm