Trong nước

Cơ hội nào cho ĐT nữ Việt Nam trên 'loạt đấu súng' 11m?

Cơ hội nào cho ĐT nữ Việt Nam trên 'loạt đấu súng' 11m?

Chỉ còn vài giờ đồng hồ nữa, thầy trò HLV Mai Đức Chung sẽ chính thức bước vào chiến dịch VCK FIFA World Cup nữ 2023 được đăng cai tổ chức tại Australia và New Zealand. Đây là thử thách vô cùng khó khăn cho những Chiến binh sao vàng, khi bảng E tụ họp nhiều cái tên “sừng sỏ” như đương kim Vô địch Mỹ, đương kim Á quân Hà Lan cùng hai đội tuyển Bồ Đào Nha và Việt Nam đang xếp hạng thứ 21 và 32 theo BXH FIFA nữ quốc tế.

Đối thủ đều rất “khủng”, tuy nhiên “không ai đánh thuế ước mơ”. Chúng ta hãy cùng xem và “cùng mơ” ĐT nữ Việt Nam có thể vượt qua vòng bảng vô cùng cam go này. Và nếu đi tiếp, nếu phải giải quyết trận đấu trên chấm luân lưu 11m, đâu sẽ là phương án sút phạt đền tối ưu cho chúng ta sau 120 phút thời gian thi đấu?

Sau khi nghiên cứu và tổng hợp dữ liệu từ 8 kỳ World Cup nữ, diễn ra từ năm 1991 tới kỳ World Cup gần nhất vào năm 2019, nhóm nghiên cứu đã đi tới một số kết luận trực quan về tỉ lệ thành công của các quả sút penalty dựa trên nhiều yếu tố. Các dữ liệu về hướng sút, chân sút được dựa theo quá trình quan sát các cú sút penalty trên trang web chính thức của FIFA trên nền tảng fifa.com và kênh Youtube FIFA. Thống kê của các đội tuyển nữ trong lịch sử, các thông số chiến thuật được chúng tôi thu thập từ các nguồn dữ liệu và trang thể thao uy tín…

Góc sút và góc đổ người có tỉ lệ thành công cao nhất?

Mô hình cầu gôn tiêu chuẩn được chia thành 9 góc sút các cầu thủ có thể nhắm tới khi thực hiện một cú sút penalty. Cụ thể, trong tổng số 64 lần sút trong lịch sử, 49 lần đã được chuyển hóa thành bàn thắng, đạt tỉ lệ thành công 76,56%. Các góc sút được ưa chuộng như góc sút số 7 và 9, với cùng 18 cú sút được thực hiện qua các kỳ World Cup cũng đạt tỉ lệ khá cao với lần lượt 77,78% và 72,22%.

Tỉ lệ thành công của từng vị trí bóng dứt điểm vào cầu môn

Tuy nhiên, góc sút có khả năng mang lại chiến thắng cao nhất phải kể đến các góc số 1, 5 và 8 khi chúng mang lại tỉ lệ thành bàn tuyệt đối cho các tuyển thủ. Các cô gái Việt Nam nên tham khảo các vị trí này. Và cuối cùng, chúng ta nên tránh thực hiện cú sút vào góc cao ở giữa khung thành (số 2) hay góc phải tầm trung của cầu môn (số 6) bởi đến nay mới chỉ có 2 cú sút thành công trong tổng số 6 lần thực hiện qua các năm. 

Trái ngược với sự thành công của người sút, tỉ lệ cứu thua trong loạt đấu súng của các thủ môn nữ thường không cao, với chỉ 23,44% số lần bóng không đi qua vạch vôi. Trong 15 pha bắt penalty thành công, không tình huống nào diễn ra khi thủ môn đứng giữa khung thành, trong khi việc đổ người sang bên trái hoặc phải có thể tăng tỉ lệ đó lên tới 25%. 

Tỉ lệ cứu thua của thủ môn theo từng góc đổ người

Nên sút penalty bằng chân trái hay chân phải?

Việc thực hiện những cú đá phạt đền bằng chân nào cũng cho ta thấy nhiều thông tin thú vị. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi ghi nhận số lượng lớn các cú sút được thực hiện bằng chân phải với 54 quả, trong khi con số chỉ là 10 đối với những quả đá chân trái. Ngạc nhiên ở chỗ: tỉ lệ chuyển hóa bàn thắng của những cú sút chân trái lại cao hơn rất nhiều, lên đến 90% thành công, cao hơn 16% so với con số 74% của chân phải. 

Cầu thủ thuận chân trái sút penalty thành công hơn chân phải

Thực hiện cú sút penalty thường đặt lên vai người sút rất nhiều áp lực. Chính vì vậy trong các kỳ World Cup nữ, cầu thủ có thiên hướng thực hiện những cú sút thẳng, trực diện vào cầu gôn nhiều hơn. Kiểu sút này đơn giản nhưng tạo cảm giác an toàn hơn so với những cú cứa lòng, sút bóng xoáy đưa bóng vào góc xa hay góc cao của khung thành. Phần trăm thành công của kiểu sút thẳng là 78% và và sút xoáy là 69%.

Lợi thế khán giả nhà và tỷ lệ thành công theo các vòng đấu?

Được thi đấu tại khu vực cầu gôn có sự xuất hiện của khán giả đội nhà là một vinh dự, cũng như một ưu thế lớn đối với bất cứ đội tuyển nào. Điều đó đã được chứng minh khi trong 7 loạt sút luân lưu được ghi nhận, có tới 5 chiến thắng được dành cho đội bóng nhận được sự cổ vũ của khán giả nhà, trong đó nổi bật nhất là màn lật đổ vô cùng cảm xúc của ĐT nữ Nhật Bản trước nhà ĐKVĐ thời bấy giờ là ĐT Mỹ trong trận chung kết World Cup nữ năm 2011 tại Đức. 

Nhật Bản vô địch World Cup 2011 tại Đức

Số liệu cũng cho thấy khi càng vào sâu hơn, các cầu thủ có xu hướng chắt chiu những loạt đá của mình hơn, khi tỉ lệ chuyển hóa tăng dần từ 71% lên tới 77% khi so sánh những cú sút luân lưu tại vòng 16 đội, Tứ kết, Bán kết, Chung kết cũng như trận tranh hạng 3.

Danh sách đá luân lưu tối ưu của ĐT nữ Việt Nam?

Nghiên cứu thống kê về độ tuổi, số lần ra sân cho ĐTQG cũng như số bàn thắng ghi được của 23 tuyển thủ nữ Việt Nam tham dự World Cup nữ 2023 cũng cho thấy nhiều kết quả thú vị.

Trong 3 tuyến thi đấu, hậu vệ là những người sút penalty thành công nhất với 78,57%, xếp theo sau là các tiền vệ với 78,13% và 72,22% của các tiền đạo. 

Các hậu vệ sút penalty bản lĩnh hơn các vị trí còn lại

Xét theo các yếu tố ở trên, nhóm nghiên cứu đề xuất danh sách 5 người đá phạt đền đầu tiên của ĐT nữ Việt Nam có thể được sắp xếp như sau:

  1. Huỳnh Như: Thuận cả 2 chân, đã thi đấu 103 trận cho ĐTQG
  2. Tuyết Dung: Thuận 2 chân, đã thi đấu 119 trận cho ĐTQG
  3. Hoàng Thị Loan: Thuận chân trái, Hậu vệ
  4. Dương Thị Vân: Thuận 2 chân, đã thi đấu 42 trận cho ĐTQG
  5. Nguyễn Thị Thúy Hằng: Thuận chân trái, đã có 5 bàn thắng cho ĐTQG.

Lời kết

Các nghiên cứu, thống kê trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Trong năm 2023, ĐT nữ Việt Nam đã trải qua 10 trận đấu quốc tế, trong đó có 5 trận thắng và 5 trận thua. Điều đáng mừng là các cô gái đã ghi trung bình 2,6 bàn một trận, trong đó trung bình 3 bàn khi đá trên sân khách và 2,2 bàn khi thi đấu trên sân nhà. Có thể nói, với những mũi nhọn hàng công như Huỳnh Như, Thanh Nhã hay với cái chân trái của Tuyết Dung, chúng ta kỳ vọng nhiều vào những bàn thắng bất ngờ, những tình huống đột phá trước các đối thủ vô cùng mạnh ở phía trước. Cuối cùng, xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất cho các cô gái vàng và BHL ĐTQG Việt Nam. Chúc toàn đội sẽ thi đấu thật tốt và cống hiến hết mình cho thể thao nước nhà. Dù thắng hay thua, các bạn vẫn luôn là nhà vô địch trong trái tim NHM bóng đá Việt Nam. 

Bài nghiên cứu trên đây thực hiện bởi hai học sinh Triệu Quốc Anh (Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội) và Trần Xuân Khánh Hưng (Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam). Với niềm đam mê phân tích dữ liệu cùng bộ môn bóng đá, các bạn đã dành ra 3 tuần thu thập và tổng hợp các thông số, từ đó đưa ra những kết luận thú vị và có những đề xuất, gợi ý táo bạo cho ĐT nữ Việt Nam.

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm