Trong nước

Chuyện các ngôi sao rời HAGL: Khát vọng lập thân & giấc mộng đổi đời

Gần chục năm kể từ ngày được đôn lên đội 1, những học viên của Học viện HAGL JMG đã trở thành ngôi sao đích thực. Tiếc thay, họ không thể mang về một danh hiệu nào tại V.League cho bầu Đức. Dẫu vậy, HAGL vẫn được nhìn nhận là đội bóng được yêu thích bậc nhất Việt Nam và luôn ở Top đầu châu Á trên mạng xã hội.

Lương Xuân Trường, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Văn Toàn, Vũ Văn Thanh, Nguyễn Phong Hồng Duy… đều từng gia nhập Hàm Rồng khi còn là những cậu bé và họ được xem như những “vì tinh tú” mà HAGL may mắn có được trong một hành trình “tìm ngọc trong đá”.

Một chút tiếc nuối cho Tuấn Anh bởi chấn thương đã “cướp” đi của anh những giải đấu quan trọng. Với những người còn lại, họ chính là “công thần” của bóng đá Việt Nam. Cũng phải nhắc lại, sau thành công tại VCK U23 châu Á 2018 hay AFF Cup, Asiad 2018…  một trang mới mở ra với các cầu thủ HAGL nhưng lạ thay khi trở về CLB, họ lại chơi khá tệ.  

Mãi đến khi HLV Kiatisuk xuất hiện, mọi thứ mới có thể thay đổi. HAGL đã ở rất gần chức vô địch, tiếc thay V.League 2021 lại bị hủy vì dịch Covid-19. Đến mùa giải 2022, HAGL chỉ còn là cái bóng của chính mình. Thật khó tin với một đội hình từng làm mưa làm gió một năm trước đó lại chơi rất tệ và vất vả cán đích ở vị trí thứ 6. Họ cũng khiến các CĐV phải “đau tim” khi trải qua chuỗi 11 trận không biết đến mùi vị của chiến thắng. 

Điều quan trọng hơn, có những thời điểm người ta cảm thấy các ngôi sao của HAGL như đánh mất “linh hồn”. Chính điều này đã dự báo về một cuộc tháo chạy khỏi phố Núi và bây giờ nó đã trở thành sự thật.

 

Cái gì cũng có nguyên do của nó. Người ta không khó nhận ra, các cầu thủ HAGL không còn động lực chơi bóng. Thậm chí, xuất hiện những đồn đoán đã nảy sinh xung đột xung quanh chuyện hợp đồng giữa HAGL với các cá nhân cầu thủ. Cũng phải thông cảm vì không chỉ riêng cầu thủ HAGL mà đấy còn là tâm lý chung của tất cả đồng nghiệp của họ.

Đứng trước lựa chọn đi hay ở, những người theo nghiệp “quần đùi áo số” phải cân nhắc chuyện thiệt hơn về tiền bạc cũng như khát vọng, năng lực của đội bóng. Trong cuộc chạy đua trên thị trường chuyển nhượng, một vài năm qua HAGL của bầu Đức không phải là đối thủ của những “đại gia” mới nổi. 

Dĩ nhiên, một vài cầu thủ sẵn sàng ở lại HAGL kèm theo cái giá thấp hơn chút ít, nhưng đổi lại CLB phải có chiến lược rõ ràng thay vì những mục tiêu như “đá cho người hâm mộ vui”… Và rồi mọi cuộc đàm phán đã đi vào ngõ cụt. Chỉ có Tuấn Anh “tình nguyện” gắn bó với một bầu trời mộng mơ. Thế rồi cái bầu trời ấy chỉ còn mây đen xám xịt. Ra đi với Tuấn Anh ở tương lai gần hay những đồng đội trước đó, đôi khi giống như một sự giải thoát. 

Bây giờ có người thành công, có người chưa thành công nhưng ít nhất, họ được vùng vẫy, thoải chí tang bồng theo nguyện ước của đời mình.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm