Ngoại hạng Anh

Bruno Fernandes là 'thuốc độc' ở MU?

Có thật là Onana hay HLV Erik ten Hag là nguyên nhân chính cho thất bại này của MU? Người viết nghĩ rằng họ cũng chỉ là hai nhân tố đứng mũi chịu sào của vấn đề. Một người nữa cũng cần phải xem lại mình chính là đội trưởng Bruno Fernandes.

Trong trận đấu giữa MU và Galatasaray ở lượt hai bảng A Champions League có một pha lên bóng của Quỷ đỏ, lúc này Bruno Fernandes giữ bóng và anh chuyền sang bên cánh phải cho Dalot đang băng lên. Bruno chuyền hỏng, thế nhưng anh lại dùng động tác tay và miệng gào lên với ý chê trách Dalot đã lên quá chậm nên không kịp để chồng biên. Hành động tuy nhỏ nhưng để lại ấn tượng sâu sắc với người xem suốt cả 90 phút kịch tính hôm ấy. Tại sao thân là đội trưởng mà lại có những hành động như vậy? Đội trưởng phải là một người mẫu mực trong chuyên môn và cả cách hành xử, chứ không phải thể hiện theo cách của một đồng đội xấu tính luôn cằn nhằn ở sân bóng phủi như này.

Khi Andrea Pirlo viết cuốn tự truyện “Tôi tư duy nghĩa là tôi chơi bóng”, anh đã thể hiện một hình ảnh khác phía sau nét thầm lặng của bản thân: một con người hãnh ngầm. Vậy nhưng vị “thủ lĩnh nói chuyện bằng đôi chân” (lời Marcelo Lippi) ấy lại dành cho đội trưởng Paolo Maldini một sự kính phục tuyệt đối, gần như là tôn sùng. Pirlo viết “Maldini có tài năng và tâm lý vững vàng, anh ấy có gần như mọi thứ. Niềm ham thích chơi bóng của anh ấy vẫn vẹn nguyên ở tuổi 40 như ngày đầu tôi bước qua ngưỡng cửa Milan. Niềm đam mê ấy là một tấm gương, một nguồn cảm hứng lớn để tôi theo đuổi trong suốt sự nghiệp, thậm chí là trong suốt cuộc đời. Maldini dạy tôi cách kiểm soát bản thân, dạy tôi cách thắng, cách thua, cách kiến tạo, cách ngồi trên ghế dự bị, cách vượt qua khó khăn, cách ăn mừng, cách hành xử, cách giận dữ, cách vị tha và cách sống với chính bản thân. Anh ấy cho tôi thấy cách giữ im lặng, nói chuyện, ra quyết định, thờ ơ, chú tâm, chào đón những tân binh, cách làm thủ quân và dẫn lối cho các đồng đội. Maldini luôn là chính mình và là một phần trong tôi. Việc không còn được nhìn thấy Maldini nữa sau khi anh ấy nghỉ hưu, dù là trên cương vị một người quản lý, mang đến những cảm giác thật mất mát, trống trải. Tại sao một đội bóng như Milan lại để cho Maldini hờ hững ra đi như thế?”.

Những dòng miêu tả này có thể xem là mẫu mực về chân dung của một đội trưởng. Tất cả những điều trên, Bruno Fernandes đều không có. Bruno không có lòng vị tha với những sai lầm của đồng nghiệp, Bruno không có thói quen giữ im lặng khi cần im lặng lúc ở trên sân, Bruno không có cách dẫn lối phù hợp cho các đàn em. 

Không bàn đến các vấn đề chuyên môn của Bruno Fernandes. Nhưng một đội bóng đang khó khăn lại được dẫn dắt bởi một đội trưởng thích đổ lỗi, thì có lẽ tương lai của MU còn tiếp tục mệt mỏi trong mùa giải này.
 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm