Ngoại hạng Anh

Bóng hai & sự tiến hoá của Pep Guardiola

Điều thú vị là miếng đánh này được manh nha từ một học trò của Pep ở Bayern Munich. “Khi ở Munich tôi đã được Xabi Alonso tư vấn (người không xa lạ với bóng đá Anh khi khoác áo Liverpool trong giai đoạn 2004-2009)”.

Pep kể lại buổi trao đổi năm 2016 trước khi rời Bayern cập bến Man City: “Cậu ta nói với tôi rằng: “Sếp cần phải chú ý đặc biệt đến bóng 2”. “Được thôi, bóng 2 à, ổn thôi”, Pep trả lời lấy lệ khi ông chưa bao giờ quan tâm đến vấn đề này trước đây.
Nhưng, cuộc chơi ở Ngoại hạng Anh đã làm ông phải thay đổi suy nghĩ.    

Tại mùa giải đầu tiên cùng Man City ở Ngoại hạng Anh, việc pressing (gây sức ép) và counter-pressing là chưa đủ để giành quyền kiểm soát thế trận - yếu tố quan trọng trong triết lý bóng đá của Pep. Man City cần thêm “vũ khí bí mật” để giành quyền kiểm soát bóng ngay khi nó chưa thuộc về bất cứ ai. 

Pep luôn có các tiền vệ biết chọn vị trí tốt để giành lấy bóng 2

Trong suốt triều đại của Pep, các tiền vệ của Man City, đặc biệt là Fernandinho trước đây và Rodri thời điểm này, đều sẽ sẵn sàng thu hồi bóng sau các pha không chiến. Họ luôn luôn chọn các vị trí thuận lợi để có thể giành lấy bóng 2, cướp lại bóng để tổ chức tấn công nhanh chóng hoặc đơn giản hơn là luân chuyển bóng, vờn đối thủ trước khi tung đòn kết liễu.

Với các nhà cầm quân xuất sắc, thích ứng là một phần không thể thiếu. Pep đã hòa nhập tốt với bóng đá thực dụng của người Đức tại Bayern và tại Man City, các học trò của ông đang nhận thức rất rõ tầm quan trọng của việc chiến thắng ở các pha tranh chấp bóng 2. 

Trong thắng lợi 2-0 trước Newcastle United cuối tuần qua, dĩ nhiên Phil Foden là ngôi sao sáng nhất với pha sô-lô mở điểm đẹp mắt, nhưng không phải ngẫu nhiên Pep lại dành những lời khen tặng cho tiền vệ Rodri và các hậu vệ.

Bởi lẽ chính họ là những nhân tố thầm lặng nhưng hết sức quan trọng. Bên cạnh nhiệm vụ hạn chế tối đa hiểm họa từ các tình huống cố định của Newscastle, họ còn đảm nhiệm vai trò thu hồi bóng, đặc biệt từ các tình huống bóng 2.

Đặc biệt, cả 2 bàn thắng của Man City trận này đều xuất phát từ việc họ giành phần thắng ở tình huống bóng 2 trước đó.

Ở tình huống dẫn đến bàn thắng đầu tiên, hậu vệ Jamaal Lascelles của Newcastle phá bóng lên sau một tình huống tấn công bên cánh phải của Man City. Rodri và Dias là những người có mặt ở ‘điểm nóng’, một có nhiệm vụ tranh chấp bóng bổng, một đảm nhiệm đón bóng 2. Dias kiểm soát được bóng từ tình huống phối hợp này và mở đầu cho pha tấn công mở tỷ số. 

Chính Rodri mở đường bóng đến cho Foden, ngôi sao tuyển Anh có pha sô-lô, xé toang hàng thủ của Newcastle rồi đánh bại thủ thành Pope, khai thông thế bế tắc của trận đấu.   

Bàn nới rộng cách biệt cũng được thực hiện với cùng mô típ. Dưới sức ép của Guendogan và Ake, Willock buộc phải chuyền bóng về cho Trippier. Và dưới áp lực ngay lập tức hậu vệ cánh phải của đội tuyển Anh để mất bóng vào chân Ake. Một pha tấn công nhanh như điện xẹt nhanh chóng được tổ chức, kết thúc bằng pha làm bàn ấn định tỷ số của Bernardo Silva.

Đó không phải là chiến thắng hoàn mỹ, đẹp mắt mà Man City hay thể hiện (1 bàn từ nỗ lực cá nhân, 1 bàn từ sai lầm đối thủ), nhưng nó cho thấy Pep đã hoàn thiện, thích nghi, tiến hóa nhanh chóng như thế nào. Miếng đánh bóng 2 được ông thầy truyền đạt đến các học trò đang thực hiện hết sức thuần thục và chuẩn mực.

Thực tế, ngay từ năm 2016, Pep đã thấu hiểu việc để có thể vô địch Ngoại hạng Anh hay không, bóng 2 là yếu tố sống còn. Hẳn tất cả vẫn chưa quên phát biểu của Pep sau thất bại 2-4 trước Leicester năm đó: “Ở đây, bạn phải kiểm soát được bóng 2. Không làm được, bạn sẽ chết”. 

Kết quả thế nào ai cũng rõ. 4 chức vô địch Ngoại hạng Anh và vô số cúp ở giải quốc nội lần lượt được bổ sung phòng truyền thống của Man City.

Và bóng 2, từ một khái niệm mơ hồ với Pep, trở thành vũ khí không thể thiếu để ông chơi thứ bóng đá kiểm soát tuyệt đối - luôn ám ảnh trong tâm trí.

Bóng 2 là gì?
Bóng 2 là một khái niệm liên quan đến việc tranh chấp và sở hữu bóng. Khi bóng tự do, không thuộc quyền sở hữu của bất cứ ai, cả 2 đội đều sẽ quyết tâm giành lấy bóng. Người thắng trong tranh chấp sẽ chạm bóng trước - được hiểu là bóng 1. Tuy nhiên, người thua khi không thể giành bóng trong cơ hội đầu tiên, sẽ tiếp tục gây sức ép nhằm lấy lại bóng trong trường hợp đối thủ bắt bước một không tốt. Đây là cơ hội thứ hai, hoặc là thứ ba (nếu đối thủ tiếp tục chưa thể khống chế, kiểm soát bóng hoàn toàn sau nhịp thứ hai), để người thua giành lấy bóng. Và chúng lần lượt được gọi là bóng 2, bóng 3.

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm