Champions League

Barca của Pep áp đảo trong đội hình kết hợp với Man City của Guardiola

Đón đọc đặc san “30 năm Champions League”
Mùa giải 1992/93, Champions League ra đời từ dư chấn của một thảm hoạ bóng đá, để rồi lột xác trở thành một sân khấu vĩ đại, một đấu trường danh giá, một thương hiệu bóng đá thành công nhất trong lịch sử.
Nhân kỷ niệm 30 năm Champions League, Tạp chí Bóng đá gửi tới độc giả một ấn phẩm đặc biệt với nhiều bài viết đặc sắc, hấp dẫn và độc quyền.

Thủ môn
Victor Valdes (Barca)

 Trong suốt giai đoạn hoàng kim của Barca với 3 chức vô địch Champions League và 6 danh hiệu La Liga, cựu thủ thành người Tây Ban Nha hiếm khi là cái tên được nhớ đến bởi tầm ảnh hưởng quá lớn của Lionel Messi, Xavi Hernandez hay Andres Iniesta. Tuy nhiên, việc Valdes là thủ môn số 1 của Barca trong suốt thời kì 2002-2014 đã khẳng định tài năng của anh. 

Valdes là một thủ môn giỏi, thi đấu toàn diện hơn Ederson. Nhưng sự nghiệp của anh không thể phục hồi sau chấn thương đầu gối năm 2014. 

Hậu vệ phải
Dani Alves (Barca)

Cầu thủ người Brazil chính là bản hợp đồng đầu tiên của Pep tại Barca. Và nó mang tính chất “cách mạng hóa” vai trò hậu vệ phải: chơi giống như một tiền vệ tấn công hơn hậu vệ (wingback – biên thủ). 

Alves có sự ăn ý “thần giao cách cảm” với Messi và Xavi. Anh thường xuyên nhận đường chuyền hoặc tỉa bóng từ bên cánh của tiền vệ người Tây Ban Nha, rồi chuyền ngang cho siêu sao người Argentina ghi bàn.

Trung vệ
Ruben Dias (Man City)

Anh là thủ lĩnh của hàng thủ Man City và rất khó ai có thể đánh bại cầu thủ người Bồ Đào Nha trong những pha không chiến hoặc một chọi một. Tài sản lớn nhất của Ruben Día chính là sức mạnh thể lực và trí thông minh tuyệt vời cùng bộ kỹ năng đi bóng điêu luyện – điều kiện tiên quyết cho bất cứ cầu thủ nào muốn thi đấu dưới sự dẫn dắt của Pep.

Dias lọt vào đội hình siêu phẩm này thay cho Javier Mascherano nhờ những phẩm chất phòng ngự truyền thống của mình. Anh được đánh giá cao hơn đội trưởng huyền thoại của Barca, Carles Puyol – người không còn ở đỉnh cao sự nghiệp trong mùa 2010/11 do chấn thương.

Trung vệ
Gerard Pique (Barca)

Pique được xem là một trong những cầu thủ xuất sắc của thế hệ mình, với lối chơi tấn công từ phía sau. Đây là một trong những phẩm chất tiêu biểu của trung vệ này, nhờ những năm tháng chơi ở vị trí tiền đạo lúc còn trẻ. Pique là đối tác hoàn hảo của Puyol và sau đó là Mascherano.

Tuy không phải lúc nào cũng “vừa mắt” với Pep, nhưng sau khi nhà cầm quân người Tây Ban Nha ra đi, Pique tiếp tục sự nghiệp đỉnh cao và gắn bó với Barca, trước khi chấm dứt hợp đồng hồi tháng 11/2022.

Hậu vệ trái
Nathan Ake (Man City)

Ake đã tìm thấy vị trí tốt nhất của mình trong mùa giải thứ ba khoác áo Man City - hậu vệ trái đảo ngược. Với việc đội bóng của Pep nhồi bóng cho Erling Haaland trong các kế hoạch tấn công, thì ông cần các hậu vệ của mình chỉ tập trung vào khâu phòng ngự.

Ake đã thể hiện xuất sắc vai trò này và được Pep ca ngợi “đó là màn trình diễn hoàn hảo của Nathan” mùa này. Trong một đội hình tấn công thế này, khả năng phòng thủ chắc chắn của cầu thủ người Hà Lan sẽ luôn rất hữu ích.

Tiền vệ
Xavi Hernandez (Barca)

Xavi là trái tim và khối óc của Barca-Pep vĩ đại. HLV hiện tại của Barca chính là nhạc trưởng điều tiết nhịp độ trận đấu với “đặc sản duy nhất trong lối chơi: chuyền, chuyền nữa, chuyền mãi” và là “trợ lý đặc biệt” của Guardiola trên sân.

Có Xavi, Barca của Pep trải qua một giai đoạn rực rỡ nhất lịch sử CLB và có tầm vóc vượt xa cả thế hệ Dream Team của Johan Cruyff trong quá khứ. 

Tiền vệ
Sergio Busquets (Barca)

Busquets là một tiền vệ dị thường, một cầu thủ không nổi tiếng mạnh mẽ hay nhanh nhẹn. Nhưng, anh bù đắp những thiếu hụt đó bằng sự thông minh hơn bất cứ người nào khác: khả năng phán đoán mọi tình huống.

Chỉ với một cú chạm bóng, Busquets có thể dập tắt một cuộc tấn công của đối phương và khởi xướng cho một pha phản công nguy hiểm của đội nhà. Chắc chắn Barca sẽ chông chênh trong một khoảng thời gian nhất định sau khi anh ra đi.

Tiền vệ
Andres Iniesta (Barca)

Cùng với Xavi, người được Sir Alex Ferguson không ngần ngại gọi là “chưa bao giờ để mất bóng trong đời” chính là Iniesta. Thi đấu với phong thái đĩnh đạc và đầy chất nghệ sĩ, anh cùng Xavi tạo thành bộ đôi “cân” cả thế giới của Barca.

Cả hai cùng xử lý bóng nhẹ nhàng nhưng dứt khoát, ít chạm và chuyền rất nhiều. Dù rê dắt cực kỳ khéo léo nhưng họ lại không lạm dụng kỹ năng ấy. Iniesta là người được chính Pep phát hiện ở giải U15 Nike Cup năm 1999. Năm 2018, Pep từng muốn mời Iniesta về làm trợ lý cho ông tại Man City.

Tiền đạo phải
Lionel Messi (Barca)

Messi trở thành cầu thủ hay nhất thế giới dưới thời Guardiola – người từng đặt anh trong vai trò “số 9 ảo”. 2010/11 là một trong những mùa giải hoàn hảo nhất của “King Leo” khi anh ghi được 52 bàn thắng trên mọi đấu trường.

Bàn thắng vào lưới Real tại bán kết lượt đi Champions League trên sân Bernabeu sau màn solo kinh điển của Messi được nhớ đến nhiều nhất. Anh cũng ghi bàn trong trận chung kết trước MU để lấy lại vị thế số 1 châu Âu cho Barca.

Trung phong
Erling Haaland (Man City)

“Cỗ máy ghi bàn” người Na Uy được xem là mảnh ghép hoàn hảo của Pep cho Man City. Sự xuất hiện của Haaland trong vòng cấm giúp The Citizens như hổ mọc thêm cánh, cho phép họ thổi bay mọi vật cản trên con đường chinh phục cú ăn ba lịch sử.

Haaland không chỉ là 52 bàn sau 52 trận, mà còn khiến các đối thủ của Man City dè chừng họ hơn khi chơi dâng cao. Bởi Haaland chỉ cần một khoảng trống, đối thủ sẽ phải trả giá rất đắt. 

Tiền đạo trái
Kevin de Bruyne (Man City)

De Bruyne được xem là cầu thủ mê hoặc và xuất sắc thứ hai mà Pep từng làm việc cùng, chỉ sau Messi. Cầu thủ người Bỉ có "thần giao cách cảm" đặc biệt với Haaland. Đến mức mà chỉ sau chưa đầy một mùa, Man City đã có công thức hoàn hảo: De Bruyne + Haaland = Chiến thắng.

Tài năng của De Bruyne không chỉ giới hạn ở một cỗ máy kiến tạo, mà còn là một tay săn bàn cừ khôi, sút phạt đỉnh cao và mang đến những bàn thắng tuyệt vời, những khoảnh khắc khác biệt khi Man City cần anh nhất.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm