Trong nước

Bản quyền truyền hình V.League: Có ấn tượng như kỳ vọng?

Bản quyền truyền hình V.League: Có ấn tượng như kỳ vọng?

Nếu như Bản quyền truyền hình tại V.League trước đây hợp tác theo hướng trao đổi quảng cáo, thì nay đã chuyển dịch sang hướng hợp tác mới, phù hợp với xu thế tất yếu của bóng đá chuyên nghiệp, hợp tác toàn diện trong cả truyền thông, truyền hình và khai thác thương mại. Ngày công bố hợp tác, đơn vị mua bản quyền là FPT Play và đơn vị bán là VPF tự tin: Cùng nhau nâng tầm giá trị hình ảnh các giải bóng đá chuyên nghiệp Quốc gia, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người hâm mộ bóng đá nước nhà (từ chất lượng hình ảnh, góc máy, số lượng máy quay, các chương trình đồng hành sinh động suốt trong tuần, trước-trong-sau trận đấu…). Và chỉ khi bước vào thực tế, qua những con số mới có thể đánh giá mức độ thành công của việc hợp tác, liệu có đem về giá trị (không chỉ ở tiền) cho giải đấu, cho bóng đá VN hay không.

Thời điểm ban đầu, nhiều thông tin cho rằng việc hợp tác này sẽ hạn chế khán giả tiếp cận giải đấu. Nhưng có vẻ, câu trả lời sau mùa giải đầu tiên là rất rõ ràng. Mùa giải 2023, điều dễ nhận thấy là 100% các trận đấu tại 3 giải bóng đá chuyên nghiệp là Night Wolf V.League 1, HNQG Bia Sao Vàng và Cúp Quốc gia được sản xuất, truyền hình trực tiếp trên rất nhiều nền tảng của FPT Play bao gồm truyền hình IPTV, ứng dụng OTT, hệ thống nền tảng số.

VPF và FPT Play cùng nhau nâng tầm giá trị hình ảnh các giải bóng đá chuyên nghiệp Quốc gia

Không dừng lại ở đó, hình ảnh giải đấu còn được gia tăng độ bao phủ thông qua việc hợp tác phát sóng với VTV, HTV, Viettel, VTVCab.... Như vậy, khán giả có thể xem V.League đồng bộ và miễn phí từ các phương tiện truyền thống (tivi), cho đến các thiết bị thông minh, tương ứng với nhiều đối tượng người xem.

Số liệu thống kê về lượng khán giả đến sân theo dõi 134 trận đấu tại V.League 1-2023 đạt khoảng gần 1 triệu khán giả, trong khi đó các con số về lượng người xem thông qua các phương tiện truyền thông cũng rất ấn tượng: Chỉ tính riêng thống kê trên hệ thống của FPT Play, tổng lượng người xem ở V.League 1 là gần 119 triệu/134 trận, V.league 2 là hơn 6,5 triệu/ 92 trận và Cúp QG là hơn 16 triệu/23 trận. Riêng với tương tác trên MXH, trang fanpage chính thức của đơn vị tổ chức giải – V.League có lượng tiếp cận gần 5 triệu mỗi tháng, nếu tính tổng số lượt tiếp cận với VLeague trên nền tảng mạng xã hội có thể vượt qua mốc 100 triệu mỗi tháng. Trong thời gian diễn ra giải đấu, hơn 3 lần các chủ đề về V.League lọt vào top chủ đề nổi bật nhất trên mạng xã hội lĩnh vực thể thao. Các con số trên cho thấy hiệu quả nhất định từ việc hợp tác, cũng như sức hút từ giải đấu cao nhất của bóng đá Việt.

Các CLB ngày càng chú trọng đến hình ảnh đội bóng trên nhiều phương tiện truyền thông

Bàn đến bóng đá chuyên nghiệp, giá trị hình ảnh giải đấu mà không nhắc đến các CLB là thiếu sót vô cùng lớn. Bởi mỗi CLB là nhân tố chính góp phần tạo nên giải đấu. Các CLB tại Việt Nam cũng đang dần có những bước thay đổi đầy tích cực hơn nhằm đáp ứng các tiêu chí về truyền hình- truyền thông giai đoạn mới. Các kênh truyền thông chính thức fanpage, youtube, tiktok…được xây dựng bài bản, có sự đầu tư về thiết kế và đặc biệt duy trì thường xuyên trong việc cập nhật thông tin, tương tác với khán giả. Hình ảnh các CLB ngày càng chỉn chu trong việc xây dựng hình ảnh, chuyên nghiệp hơn trong hoạt động cũng góp phần tạo nên những giá trị và nâng cao hình ảnh chung của giải đấu.

Đó là sự hợp tác tất cả cùng có lợi, cùng thắng mà những người ký “bản hợp đồng bản quyền truyền hình lịch sử” mong đợi và hướng tới trong thời gian tới.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm