Trong nước

Bản quyền truyền hình là cú hích cho V.League

Bản quyền truyền hình là cú hích cho V.League

VPF và Công ty TNHH Truyền hình FPT đã ký kết hợp tác chiến lược về khai thác thương mại, hình ảnh các giải đấu chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam. Trong đó, FPT Play là đơn vị sở hữu bản quyền truyền hình V.League, giải hạng Nhất và Cúp Quốc gia trong 5 mùa giải liên tiếp từ 2023 đến 2027 trên nhiều nền tảng khác nhau.

Giá trị của bản hợp đồng này không được tiết lộ. Tuy nhiên theo tìm hiểu, VPF có thể thu về 2,5 triệu USD (tương đương hơn 60 tỷ đồng) mỗi mùa giải. Được biết, gói tài trợ này sẽ được trả bằng tiền mặt, thay vì bằng những gói quy đổi tài trợ như trước. Đây là khoản thu kỷ lục từ bản quyền truyền hình đối với VPF kể từ khi công ty này thành lập năm 2012.  

Việc tạo ra một cuộc “cách mạng” lịch sử về bản quyền truyền hình là tin rất vui với bóng đá Việt Nam. Điều này cho thấy giá trị hình ảnh của V.League ngày càng được nâng cao. Nguồn thu của việc bán bản quyền truyền hình sẽ giúp các CLB, ban tổ chức giải có thêm tài chính để đầu tư cho bóng đá Việt Nam phát triển.

Thực tế, bao năm qua điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng sân bãi của các đội bóng chuyên nghiệp Việt Nam luôn là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm, vấp phải rất nhiều chỉ trích của NHM. Điều này khiến hình ảnh bóng đá Việt Nam ít nhiều cũng bị ảnh hưởng trong mắt bạn bè quốc tế. 

Với mong muốn giá trị của giải đấu ngày càng được nâng cao, kể từ mùa giải năm nay, VPF đã có những bước đi táo bạo nhằm đổi mới tư duy, nâng tầm giải đấu từ những thứ nhỏ nhất. 

Giá trị hình ảnh của V.League ngày càng được nâng cao trong mắt bạn bè quốc tế 	Ảnh: ĐỨC CƯỜNG

Đơn cử vào năm ngoái, thay vì chia sẻ 300-500 triệu đồng cho mỗi CLB tại V.League thì VPF thông qua sự nhất trí của đa số các đội bóng chuyên nghiệp đã sử dụng khoản tiền trên để mua sắm băng ghế khu kỹ thuật, cabin trọng tài. Sự đồng bộ hiện diện ở tất cả các sân, các đội bóng với chất lượng cao. 

Bên cạnh đó, VPF cũng có những buổi làm việc với các CLB, nhằm “đả thông”, khuyến khích họ thay đổi để phù hợp với sự phát triển của bóng đá chuyên nghiệp hiện đại. Thực tế, trước khi V.League 2022 diễn ra, một hiệu ứng “domino” tích cực đã được lan tỏa.

Hàng loạt đội bóng trước đây từng bị chỉ trích rất nhiều về điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo như Hải Phòng, SLNA, Thanh Hóa, Nam Định đã không tiếc tiền đầu tư để cải tạo lại mặt cỏ, khán đài, các phòng chức năng khang trang và chất lượng hơn. Vì thế, ngoài việc chất lượng các trận đấu ở V.League được nâng cao, hình ảnh của bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế cũng được cải thiện đáng kể.

“Chúng tôi vừa đồng bộ tất cả khu kỹ thuật của các đội bóng ở mùa giải 2022. Bản thân các CLB cũng rất chịu khó đầu tư nâng cấp mặt cỏ, qua đó hình ảnh của V.League đang có nhiều nét tươi mới. Khi có hợp đồng mới, có thêm thu nhập, Hội đồng quản trị VPF sẽ họp bàn để sử dụng khoản tiền này sao cho phù hợp. Số tiền có thể được dùng để phục vụ các CLB nâng cấp cơ sở vật chất, giúp cải thiện chất lượng truyền hình trận đấu”, ông Trần Anh Tú - Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF chia sẻ.

Cũng theo tiết lộ của ông Trần Anh Tú, từ mùa giải năm nay, yêu cầu về điều kiện sân bãi, cơ sở vật chất dành cho các đội bóng chuyên nghiệp cũng sẽ cao hơn, nhằm thúc đẩy nâng tầm V.League. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm