Các giải khác

Vì sao Indonesia đẩy mạnh nhập tịch cầu thủ?

Chính sách nhập tịch xuất hiện và được thúc đẩy từ đời chủ tịch Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI) thứ 14 Nurdin Halid từ năm 2010. Đến AFF Cup 2014, Indonesia lần đầu có bốn cầu thủ nhập tịch trong đội hình một giải chính thức, gồm Victor Ignonefo, Raphael Maitimo, Cristian Gonzales và Serginho van Dijk. Trong đó, chỉ Serginho có gốc gác Indonesia.

Sau đó, bóng đá Indonesia bất ổn mà nổi bật là án cấm thi đấu quốc tế của FIFA năm 2015 khiến chính sách nhập tịch trở nên mờ nhạt. Đến năm 2019 mọi chuyện dần thay đổi dưới thời Chủ tịch Mochamad Iriawan, cùng với đó là sự xuất hiện của HLV Shin Tae-yong – người được coi là kiến trúc sư trưởng xây dựng các ĐTQG của bóng đá xứ vạn đảo hiện nay.

Chủ tịch PSSI Erick Thohir (trái) và HLV Shin Tae-yong (phải). Ảnh: Bola Bola

Chủ tịch PSSI Erick Thohir (trái) và HLV Shin Tae-yong (phải). Ảnh: Bola Bola

Tại AFF Cup 2022, Indonesia trình làng ba cầu thủ nhập tịch, trong đó ngoại trừ tiền đạo Ilija Spasojevic, thì Jordi Amat và Marc Klok đều có ông bà là người Indonesia. Đến Asian Cup 2023, Indonesia tạo kỷ lục với bảy cầu thủ nhập tịch. Con số ấy tiếp tục bị phá vỡ với 10 cái tên, ở hai trận sắp tới gặp Việt Nam vào cuối tháng 3 tại vòng loại hai World Cup 2026.

Những kết quả đột biến ấy xuất hiện khi tỷ phú Erick Thohir – cựu chủ tịch Inter Milan – trở thành người đứng đầu PSSI nhiệm kỳ 2023-2027. Trong lộ trình gửi LĐBĐ Thế giới FIFA, Thohir nhấn mạnh hai mục tiêu ở đấu trường quốc tế, gồm lọt vào top 100 FIFA và có tối thiểu 154 cầu thủ đủ trình độ thi đấu cho ĐTQG. Vì vậy, nhập tịch cầu thủ có gốc gác Indonesia trở thành phương án quan trọng nhằm hỗ trợ biến tham vọng thành hiện thực trong thời gian ngắn.

Tầm nhìn của PSSI liên quan đến yếu tố lịch sử, khi Indonesia từng là thuộc địa của Hà Lan từ năm 1800 trước khi tuyên bố độc lập năm 1945. Mối liên kết con người giữa hai quốc gia vẫn kéo dài cho đến ngày nay, trong đó có bóng đá với nhiều cầu thủ gốc gác Indonesia trưởng thành trong môi trường bóng đá phát triển. Không những thế, thông qua Hà Lan, người Indonesia cũng di cư sang nhiều quốc gia khác của châu Âu.

Bóng đá hiện đại ghi nhận những cầu thủ Hà Lan gốc Indonesia nổi tiếng như Robin Van Persie, Giovanni Van Bronckhorst, Roy Makaay, Nigel de Jong, hay một cầu thủ Bỉ gốc Indonesia như Radja Nainggolan. Nhưng PSSI khó thu nạp được những ngôi sao kiểu này mà nhắm đến nhóm cầu thủ trình độ thấp hơn. Không chỉ dồi dào hơn về số lượng, nhóm cầu thủ này dễ chấp nhận hơn chính sách một quốc tịch của Indonesia.

Đội hình xuất phát của Indonesia trước Australia ở vòng 1/8 Asian Cup 2023, với sáu cầu thủ nhập tịch gồm Ivar Jenner (số 11), Jordi Amat (số 4), Ivar Jenner (số 24), Justin Hubner (hàng trên phải), Sandy Walsh (số 6) và Shayne Pattynama (số 20). Ảnh: AFC

Đội hình xuất phát của Indonesia trước Australia ở vòng 1/8 Asian Cup 2023, với sáu cầu thủ nhập tịch gồm Ivar Jenner (số 11), Jordi Amat (số 4), Ivar Jenner (số 24), Justin Hubner (hàng trên phải), Sandy Walsh (số 6) và Shayne Pattynama (số 20). Ảnh: AFC

10 trong 12 cầu thủ nhập tịch Indonesia gần nhất sinh ra tại Hà Lan, gồm thủ môn Maarten Praes, hậu vệ Jay Idzes, Justin Hubner, Nathan Tjoe Aon, Shayne Pattynama, tiền vệ Marc Klok, Thom Haye, Ivar Jenner, tiền đạo Rafael Struick và Ragnar Oratmangoen. Trong khi đó, Jordi Amat sinh ra ở Tây Ban Nha, còn Sandy Walsh ở Bỉ.

Số lượng cầu thủ nhập tịch tăng đột biến kéo theo những lo ngại về sự phân biệt đối xử với cầu thủ bản địa, ĐTQG bị "châu Âu hoá". Trả lời hãng thông tấn Antara, Phó chủ tịch PSSI Zainudin Amali phải nhấn mạnh mục đích nhập tịch không phải để loại bỏ cầu thủ địa phương. Theo ông, việc bổ sung cầu thủ nhập tịch giúp ĐTQG có chất lượng đồng đều, lại tạo động lực cho cầu thủ bản địa nỗ lực nâng cao khả năng để chen chân vào đội hình chính.

"Càng đông cầu thủ giỏi càng tốt cho ĐTQG", Amali nói. "HLV trưởng sẽ có nhiều lựa chọn để tính toán cho các giải đấu thuộc hoặc không thuộc FIFA days". Amali cũng nhấn mạnh rằng, có thêm cầu thủ nhập tịch nhưng vẫn cách xa con số 154 cầu thủ chất lượng cho ĐTQG mà Chủ tịch Thohir đặt ra.

Sau một năm Thohir lên nắm quyền, Indonesia từ vị trí thứ 157 FIFA đã tăng lên 142. PSSI coi đó là thành quả từ sự đóng góp của các cầu thủ nhập tịch. Tuy nhiên, họ khẳng định nhập tịch cầu thủ chỉ là chính sách ngắn hạn, còn lâu dài vẫn phải xuất phát từ phát triển nền bóng đá trong nước. "Hy vọng một ngày nào đó chúng tôi không cần nhập tịch mà vẫn thành công", Phó chủ tịch Amali cho hay.

Một trong những kế hoạch dài hạn của PSSI là phát triển bóng đá trẻ. Họ muốn mở rộng hệ thống thi đấu Soeratin Cup – thành lập từ năm 1965, với lứa U13, U15 và U17 ở cấp địa phương huyện, thành phố. Ngoài ra, các CLB bắt buộc phải phát triển các đội trẻ lứa U16, U18 và U20.

Indonesia đang dần đạt những thành công như giành HC vàng SEA Games 32 – lần đầu tiên sau 32 năm, lần đầu tiên vượt qua vòng bảng Asian Cup 2023. Tiếp đà thăng tiến ấy, họ muốn vượt qua Việt Nam ở hai trận vòng loại hai World Cup 2026, rồi vượt qua vòng bảng U23 châu Á 2024, trước khi tìm kiếm danh hiệu cấp ĐTQG đầu tiên ở AFF Cup vào cuối năm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm